Học sinh lớp 12A2, trường PT DTNT THPT tỉnh thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
"Nghiện” sử dụng điện thoại di động và những hệ lụy
Để thuận tiện trong việc liên lạc, quản lý, để các con lên mạng tra cứu, nghiên cứu thông tin, tài liệu cho một số môn học và nhất là để con mình "bằng bạn bằng bè”… nên các bậc phụ huynh đã không tiếc tiền mua cho con những chiếc ĐTDĐ thông minh có giá từ khoảng 2 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng. Nhưng có lẽ không ai ngờ rằng… "Học sinh sử dụng ĐTDĐ thông minh để sao chép, chụp bài giải đem vào lớp dùng làm tài liệu giờ kiểm tra. Học sinh sử dụng ĐTDĐ truy cập mạng với các nội dung mà phụ huynh, nhà trường không kiểm soát được. Học sinh lén lút sử dụng ĐTDĐ để nhắn tin, gọi điện trong giờ học, không tập trung cho việc học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học, gây bức xúc cho giáo viên và học sinh” - đây là những hệ lụy tiêu cực được thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường PT DTNT THPT tỉnh thẳng thắn chỉ ra đối với việc học sinh sử dụng ĐTDĐ thông minh.
Khung cảnh thường thấy tại các trường THPT, một số lớp lớn bậc THCS hiện nay đó là trước giờ vào lớp, giờ ra chơi, giờ tan học, mỗi học sinh cầm trên tay 1 chiếc ĐTDĐ thông minh và chăm chú nhắn tin, gọi điện, nghe nhạc, xem phim… Sự giao tiếp thực tế, trực tiếp với thầy cô và bạn bè trở nên ít khi ai cũng mải mê trong "thế giới ảo” của mình. Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên ở một số trường THPT thì thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng học sinh lập nhóm kín trên các ứng dụng của mạng xã hội để trò chuyện, nói tục, chửi bậy, thậm chí là phát ngôn không chuẩn mực khi nói về thầy cô giáo, phụ huynh.
Sự phát triển bùng nổ của các trang mạng xã hội như facebook, zalo… cùng các trò chơi trực tuyến hấp dẫn khiến cho học sinh say mê, nghiện sử dụng ĐTDĐ thông minh, lạc lối và đắm chìm trong không gian ảo, khó thoát ra được.
Chị Hoàng Thị Thu Hằng, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trăn trở: Tôi có hai cháu, một đứa học lớp 12, một đứa lớp 8 đều nghiện sử dụng ĐTDĐ. Ban đầu, khi mua điện thoại cho các con cũng chỉ nghĩ đơn giản là để tiện liên lạc, quản lý các con khi đi học thêm buổi tối chứ không nghĩ các cháu lại say mê đến thế. Đến trường không biết thế nào nhưng về đến nhà thì lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay, kể cả lúc nấu ăn, ngồi xem ti vi, thậm chí là ôm cả điện thoại vào nhà vệ sinh. Ngày nghỉ, các con cũng chỉ thích ở nhà, cắm cúi vào điện thoại, không muốn đi chơi, thăm họ hàng, tham gia các hoạt động cùng bố mẹ, gia đình… Các cháu đang ở độ tuổi mới lớn, cấm cản, tịch thu điện thoại thì sinh ra tiêu cực nên vợ chồng tôi thực sự rất buồn, loay hoay với vấn đề này.
Việc nghiện sử dụng ĐTDĐ thông minh không chỉ là nghiện chơi điện tử, nghiện vào các trang mạng xã hội… mà còn dẫn đến hệ lụy là phát sinh tình cảm yêu đương nam nữ quá sớm trong độ tuổi học sinh.
Chị Bùi Thu Trà, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) cho biết: Con gái tôi đi học ở TP Hòa Bình, thuê nhà cùng 2 người bạn nên mọi sinh hoạt bố mẹ không quản lý được. Vừa qua, cả gia đình tôi mới tá hỏa lên khi nhà trường mời lên làm việc về việc con có tình cảm yêu đương với bạn cùng trường. Nhà trường phát hiện ra do buổi sáng con lên lớp uể oải, ngáp ngắn ngáp dài, mệt mỏi, bài vở giao về nhà không hoàn thành. Tìm hiểu mới biết, con thường xuyên thức đến 1, 2 h để chat chít với bạn nam kia.
Ở trường, ở nhà đã vậy, việc học sinh nghiện sử dụng ĐTDĐ khi lưu thông trên đường cũng đã phát sinh và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông. Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh 1 tay điều khiển xe máy điện, 1 tay bấm điện thoại hoặc đeo tai nghe nghe nhạc với volume lớn, không nghe thấy tiếng còi xe của người đi đường, mất tập trung khi tham gia giao thông.
Cách làm hiệu quả của trường PT DTNT THPT tỉnh
Với đặc thù là trường nội trú, toàn bộ thời gian học sinh đều ở trường nên trường PT DTNT THPT tỉnh đã có những động thái quyết liệt với vấn đề học sinh sử dụng ĐTDĐ. Giữa tháng 9/2019, trường đã mời đại diện chi hội cha mẹ học sinh các lớp, ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường, lớp trưởng các lớp họp bàn, thống nhất ký cam kết "về việc sử dụng điện thoại đối với học sinh”. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nguyên tắc đã được thống nhất là nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học (bao gồm cả giờ học có giáo viên dạy học và giờ tự học, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt CLB "30 phút vàng”…) dưới mọi hình thức; phải tắt nguồn máy điện thoại (nếu có mang theo điện thoại) trong giờ học, trừ những trường hợp được đặc cách thì phải tắt chuông. Nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ nghỉ trưa. Nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại không phục vụ cho mục đích học tập sau 23h hàng ngày.
Ban giám thị, đội cờ đỏ, xung kích, giáo viên chủ nhiệm… nhà trường thường xuyên, đột xuất thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra, phát hiện để có cơ sở xử lý vi phạm. Học sinh vi phạm tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định. Trong các khung giờ cấm sử dụng theo quy định thì lớp trưởng các lớp có trách nhiệm thu giữ, cất điện thoại của các bạn trong lớp vào hòm, tủ, đến giờ được sử dụng mới trả lại cho từng người. Những học sinh muốn học online đăng ký với nhà trường, nhà trường có một phòng máy tính riêng và một phòng có wi-fi phát miễn phí để học sinh dùng laptop và điện thoại thông minh trong giờ tự học. Phụ huynh vẫn có thể liên lạc với con em trong các khung giờ quy định, nếu có việc đột xuất thì có thể liên lạc với cán bộ lớp hoặc giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường cũng yêu cầu các thầy, cô giáo phải làm gương, không sử dụng điện thoại nếu không thực sự cần thiết khi chào cờ, hội họp, lên lớp.
Đánh giá về hiệu quả của những "biện pháp mạnh” này, đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau 2 tháng triển khai cho thấy, cách làm này có hiệu quả tích cực. Khoảng 95% học sinh nhà trường chấp hành tốt quy định. Học sinh không còn mệt mỏi khi lên lớp do đêm thức sử dụng ĐTDĐ, không còn hiện tượng mất tập trung trong giờ học. Giờ ra chơi, học sinh tích cực tương tác, tham gia các hoạt động ngoài trời, thể dục - thể thao. Nền nếp nhà trường, kết quả học tập có sự chuyển biến rõ rệt.