Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 đợt 2 chính thức diễn ra vào ngày 2-4/9.


Thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào chiều 24/8 tại Trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đợt 2 chính thức diễn ra từ ngày 2-4/9.

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk... để thống nhất lịch thi phù hợp.

Sau khi tham khảo ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 đợt 2 chính thức diễn ra vào ngày 2-4/9.

Hơn 26.000 thí sinh tham gia Kỳ thi đợt 2 thuộc thành phố Đà Nẵng; 6 huyện, thị xã tỉnh Quảng Nam; thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và những thí sinh thuộc diện F1, F2 tại các địa phương khác trên cả nước chưa tham gia đợt thi lần 1.

"Dù có ít thí sinh tham dự Kỳ thi đợt 2 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép: tuyệt đối an toàn về sức khỏe; đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, trung thực," Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Để Kỳ thi đợt 2 diễn ra nghiêm túc như đợt 1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, thành lập Hội đồng thi; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các Hội đồng thi thực hiện đúng theo Công điện 1224/CĐ-BCĐ của Bộ Y tế.

Liên quan đến việc tổ chức đợt 2 kỳ thi, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ tiếp tục huy động lực lượng công an vào cuộc với quyết tâm đạt kết quả tốt nhất, đáp ứng mong muốn của xã hội.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã được kiểm soát. Qua đợt chống dịch, Bộ Y tế sẽ tổng hợp kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành "Sổ tay hướng dẫn chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh." Đặc biệt, Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành "Sổ tay phòng, chống dịch trong trường học."

Ban Chỉ đạo thống nhất, Bộ Y tế tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, dự án nghiên cứu sản xuất sinh phẩm; tiếp tục thúc đẩy để chủ động mức cao nhất việc xét nghiệm COVID-19 trên tinh thần "xét nghiệm tiết kiệm."

Bộ Y tế có phương án để các địa phương cùng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm, chi viện lẫn nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực chung của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vắcxin trên toàn thế giới; đồng thời cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vắcxin ở Việt Nam để sớm có vắcxin chống COVID-19 an toàn.


Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết qua báo cáo, kiểm tra, Bộ Công an phát hiện có một số địa phương chưa thực hiện chưa đúng quy trình xin đăng ký cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư… vào Việt Nam; còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, đưa đối tượng không đúng quy định nhập cảnh vào Việt Nam. Hiện Bộ Công an tiếp tục tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị để chung sống an toàn với dịch bệnh, các cơ quan truyền thông, tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như: hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người...; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn…; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh./.


Theo TTXVN

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục