Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Ninh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lý Thái Tổ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được ghi nhận là người say mê, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn. Từ năm 2011 đến nay, những lớp do cô giảng dạy, bồi dưỡng có không ít học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh; bản thân cô được nhận danh hiệu là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh và bằng khen của ngành giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Ninh nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặc dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn do chồng mất sớm, một mình nuôi các con nhỏ (một cháu học lớp 12, hai cháu sinh đôi học lớp 5), nhưng cô Ninh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô Ninh chia sẻ: Trong cuộc sống bản thân gặp không ít khó khăn, áp lực, từ việc một mình nuôi dạy các con đến việc ngày ngày tìm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng áp lực công việc và cuộc sống đôi khi lại thành động lực để bản thân cố gắng. Cô luôn xác định, phẩm chất, uy tín, năng lực của "người thầy” có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. 

Trong hoạt động chuyên môn, vào các đợt trước, trong kiểm tra học kỳ, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp…, cô thường xuyên nghiên cứu tài liệu, làm việc đến 2 giờ sáng, thậm chí có hôm làm việc đến 4 giờ sáng. Trên cơ sở chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô chủ động biên soạn nội dung giảng dạy, bồi dưỡng rõ ràng, có trọng tâm, phù hợp đối tượng học sinh, bảo đảm sự liên thông trong ba năm học với các kiến thức khác nhau. "Điều quan trọng nhất của quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu môn học, "thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê, khát khao khám phá của học sinh”, cô Ninh cho biết. 

Cũng theo cô Ninh, giáo viên có thể giảng dạy theo các mảng kiến thức, kỹ năng làm bài ở từng dạng, từng vấn đề, kiểu đề khác nhau, nhưng điều quan trọng phải biết cách nhắc nhở, động viên các em trước và sau mỗi kỳ thi. Đồng thời, phối hợp phụ huynh học sinh để nắm bắt những tố chất, năng khiếu, đam mê của học sinh, từ đó có biện pháp giảng dạy phù hợp. Chẳng hạn thông qua cách nhìn nhận tác phẩm văn học của học sinh, cô Ninh đã thay đổi cách dạy với mục đích vừa giúp học sinh nắm được nội dung bài học, vừa yêu thích môn học. Vì vậy, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh do cô giảng dạy đạt điểm cao, từ 9,25 đến 9,5 điểm. Có không ít học sinh do thay đổi tâm, sinh lý, gia đình có biến cố, hoàn cảnh khó khăn, học tập chểnh mảng, hoặc có ý định bỏ học được cô quan tâm, động viên sau đó chăm chỉ học tập, đỗ vào các trường đại học, trở thành người có ích và thành đạt.

Thầy giáo Đàm Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ cho biết, trong những năm vừa qua, nhà trường luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, được các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên tích cực thực hiện. Trong đó, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Ninh là tấm gương sáng trong việc tích cực tự học, tự bồi dưỡng, tham khảo đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Trong công tác chủ nhiệm, cô luôn nỗ lực hết sức, thường xuyên phối hợp phụ huynh học sinh thực hiện tốt phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 

Với sự cố gắng đó, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Ninh được đánh giá là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề, được học sinh tin yêu. Từ năm 2011 đến nay, những lớp do cô giảng dạy, liên tục có học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh. Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Ninh được nhận nhiều Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” giai đoạn 2008 - 2018; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2018 - 2019…

TheoNhanDan


Các tin khác


Tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung cho học sinh ôn tập đảm bảo có kết quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai kế hoạch đảm bảo kỳ thi an toàn, chất lượng.

Tổng kết chuyên đề “An toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục mầm non” giai đoạn 2020 - 2024

Ngày 20/5, tại huyện Tân Lạc, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện chuyên đề "An toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN)” giai đoạn 2020 - 2024. 

Hội thi Phụ trách sao giỏi - Sao Nhi đồng chăm ngoan

Ngày 18/5, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Hội thi "Phụ trách sao giỏi – Sao nhi đồng chăm ngoan” năm 2024 với sự tham gia của 70 đội viên, thiếu niên, nhi đồng của 10 đội thi đến từ các huyện, thành phố.

Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Tổng kết cuộc thi xây dựng trường học xanh - an toàn - hiệu quả      

Ngày 17/5, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết Cuộc thi Xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và Cuộc thi Xây dựng không gian trường học, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học, năm học 2023 - 2024.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục