Cùng với việc siết chặt đầu vào, chính sách hỗ trợ học phí lẫn sinh hoạt phí lên tới 36,3 triệu đồng/năm được nhìn nhận rất tích cực trong việc thu hút người giỏi vào sư phạm.


Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học 

Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn liệu chính sách này có hỗ trợ đúng người sẽ làm việc trong ngành giáo dục?

Áp dụng cho sinh viên trúng tuyển khóa 2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm (SP). Theo đó, SV theo học khối ngành này sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo. Đồng thời, các SV còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học (tương đương 36,3 triệu đồng/năm - PV). Trong trường hợp giảng dạy theo học chế tín chỉ, mức hỗ trợ được quy đổi phù hợp và tổng kinh phí hỗ trợ theo tín chỉ cả khóa không vượt quá theo năm học. Nơi đào tạo có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt thông qua tài khoản tiền gửi của SV tại ngân hàng.

Trong khi theo chính sách hiện nay, điều 6 Nghị định 86/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, học sinh và SV SP không phải đóng học phí. Như vậy, nghị định mới người học SP được ưu đãi hơn nhiều so với Nghị định 86 cũ.

Theo nghị định, hình thức hỗ trợ mới này bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021 - 2022. SV đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2020 - 2021 trở về trước vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại điều 6 của Nghị định số 86 cho đến khi tốt nghiệp.

Nghị định này áp dụng với SV các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và văn bằng 2 theo hình thức đào tạo chính quy (không áp dụng với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ).

Nơi đào tạo giáo viên ủng hộ chính sách mới

Trước sự ra đời của chính sách mới, đại diện các trường đào tạo SP bày tỏ sự phấn khởi. Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận: "Nghị định này sẽ góp phần thu hút SV giỏi vào các ngành SP, đặc biệt tạo điều kiện cho SV có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Với mức trên 3,6 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí này, SV có thể đủ tiền trang trải cho việc học ĐH ngay cả ở thành phố lớn”.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: "Đây sẽ là một trong các yếu tố tạo động lực cho người giỏi vào học SP. Với những SV khó khăn, mức hỗ trợ này sẽ tương đương với thù lao đi dạy kèm bên ngoài - khi đó thay vì phải vật lộn làm thêm, SV an tâm học tập để đạt kết quả tốt hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Quốc: "Tất nhiên, học sinh giỏi chọn học SP sẽ căn cứ vào nhiều tiêu chí. Bên cạnh sở thích bản thân, họ còn nhìn vào chính sách hỗ trợ tài chính và xu hướng tuyển sinh các năm gần đây. Thực tế, với quy định "siết” đầu vào của Bộ GD-ĐT bằng ngưỡng đảm bảo đầu vào cho tất cả các phương thức tuyển thì chỉ người khá giỏi mới theo học được ngành đào tạo giáo viên”.

Không xin được việc do khách quan, có phải bồi hoàn ?

Nghị định này cũng nêu rõ những tình huống người học phải bồi hoàn khoản tiền nhận hỗ trợ nếu ra trường không làm việc trong ngành. Cụ thể, SV SP đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; công tác trong ngành nhưng không đủ thời gian theo quy định; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Nghị định cũng nêu rõ những công việc được tính trong ngành giáo dục như: giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn; viên chức làm công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục. Đó còn là công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định. Sau khi trúng tuyển, SV SP phải nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, băn khoăn khi chính sách này được thực thi nằm ở chỗ, liệu người nhận hỗ trợ có phải bồi hoàn kinh phí nếu không thực hiện đúng cam kết hay vẫn là quy định cho có như trước đây?

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nêu vấn đề: "Một người nhận hỗ trợ nhưng ra trường không làm việc trong ngành phải bồi hoàn là bình thường. Nhưng nếu người đó có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, có nguyện vọng nhưng do khách quan không thể làm việc trong ngành - chẳng hạn do tình trạng dư thừa giáo viên, thì người học có phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ?”.

Từ câu hỏi trên, ông Khang cho rằng, để chính sách này thực sự ý nghĩa cần phải giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho SV khối ngành này. Một số hội thảo bàn về vấn đề này đã từng có ý kiến đề xuất rằng một khi nhà nước đã đầu tư cho người học SP thì cần giao địa phương phân công việc làm. Khi phân công nhiệm sở mà không thực hiện, người học mới phải bồi hoàn.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cũng cho rằng cần có những biện pháp cụ thể để quy định bồi hoàn kinh phí được thực thi. Hai năm nay việc xác định chỉ tiêu đào tạo SP đã căn cứ trên nhu cầu thực tế các địa phương. Nếu đầu ra được quản lý chặt chẽ với sự phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo thì những chính sách trong tuyển sinh, đào tạo và sử dụng giáo viên mới thực sự đồng bộ.

Theo Báo Thanh niên

Các tin khác


Bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính khóa IX

(HBĐT) - Ngày 25/9, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Trung tâm Chính trị TP Hòa Bình tổ chức bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ vừa học vừa làm khóa IX năm 2019- 2020. Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thành ủy Hòa Bình cùng 69 học viên của lớp là cán bộ công chức, viên chức đang công tác tại các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường trên địa bàn TP Hòa Bình.

Nâng chất lượng giáo dục dân tộc

(HBĐT) - Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất nhà trường mới được sửa chữa, nâng cấp khang trang, đồng chí Quách Thắng Cảnh, Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh cho biết: Nhà trường mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà đa năng, nhà ăn, sân vận động… với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng; sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp khu ký túc xá với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng.

Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính đầu năm học 2020 - 2021

(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021 đã bắt đầu được gần 1 tháng, các trường cũng đã tiến hành họp phụ huynh và một trong những chủ đề "nóng” nhất hiện nay là các khoản đóng góp đầu năm học.

Công đoàn Giáo dục Hòa Bình: Triển khai nhiệm vụ công tác Công đoàn năm học 2020 - 2021

(HBĐT) - Ngày 22/9, Công đoàn Giáo dục Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2019 - 2020, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.

Tặng quà cho trường mầm non Tu Lý A

(HBĐT) - Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục Phục vụ ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao), Công đoàn Viên chức tỉnh phối hợp LĐLĐ huyện Đà Bắc vừa tổ chức thăm, tặng quà thầy, cô giáo và học sinh trường mầm non Tu Lý A (Đà Bắc) nhân dịp năm học mới.

Nữ sinh Ninh Bình giành ngôi quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20

Thắng áp đảo ba "nhà leo núi" trong các phần thi, đồng thời giải mã nhanh chóng hình ảnh bí mật ở vòng thi Vượt chướng ngại vật, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, trường Trung học phổ thông Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã xuất sắc giành quán quân Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục