Cơ sở vật chất trường PT DTNT THPT tỉnh được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh là người dân tộc thiểu số của tỉnh.
Từ năm học 2019 - 2020, nhà trường được tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 50 học sinh/năm, nhà trường đang đề nghị được đầu tư xây dựng 1 nhà ký túc xá 18 phòng, 1 nhà lớp học 6 phòng, tổng kinh phí khoảng 14,5 tỷ đồng. Để đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, trường vừa được tuyển mới 5 đồng chí giáo viên có trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn. Hiện, tỷ lệ giáo viên có trình độ vượt chuẩn trên 30%. Từ sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường nâng lên rõ rệt. Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt từ 99,5 - 100%; tỷ lệ đỗ các trường cao đẳng, đại học đạt từ 90,7 - 100%; trung bình mỗi năm, nhà trường có trên 110 học sinh giỏi cấp tỉnh.
Những năm qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học vùng khó khăn, vùng DTTS được quan tâm, tập trung vào việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng thư viện, phòng học bộ môn, phòng thiết bị, tin học, ngoại ngữ... Vấn đề phát triển quy mô, mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các trường chuyên biệt được quan tâm. Kết thúc năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 13 trường PTDTNT, 12 trường PTDTBT, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi trong các trường PTDTNT đạt 13,5% (tăng 1,1% so với năm học 2018-2019), hạnh kiểm tốt đạt 90,9% (tăng 5,1% so với năm học 2018-2019).
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, các trường PTDTNT, PTDTBT quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đa dạng hình thức hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ cho học sinh theo cụm, khối, khu vực, với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc. Ngoài ra, theo kế hoạch năm học của ngành, Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức hoạt động TDTT góp phần rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí gắn với giáo dục đạo đức, nền nếp, ý thức cho học sinh.
Việc thực hiện công tác học sinh nội trú, bán trú như xây dựng nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; xây dựng lối sống văn minh, thanh lịch của học sinh dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm; tổ chức, hướng dẫn, tạo cho học sinh nền nếp, ý thức, phương pháp tự học. Hiện nay, 100% nhà trường đều có phòng ở cho học sinh tương đối sạch sẽ, nhà bếp nấu ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc được thực hiện đầy đủ. Phối hợp y tế địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh. 100% trường PTDTNT tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh ngay từ đầu năm học, chủ động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Một số trường tăng cường lao động sản xuất cải thiện cuộc sống như trồng rau xanh phục vụ bếp ăn, nuôi gia súc, gia cầm...
Trao đổi về vấn đề quan tâm, chăm lo giáo dục dân tộc, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi, Sở GD&ĐT đã huy động tối đa trẻ em, học sinh đi học, đồng thời có các biện pháp duy trì sĩ số bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần trong năm học, nhất là học sinh DTTS, học sinh vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Các nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên ngay từ đầu năm học tiến hành cho học sinh làm bài khảo sát chất lượng, trên cơ sở kết quả khảo sát để phân nhóm học sinh, từ đó yêu cầu giáo viên xác định phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh trong lớp, cũng như theo dõi, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu nói chung, học sinh DTTS nói riêng.
Đặc biệt, việc thực hiện các chế độ, chính sách về giáo dục dân tộc được ngành triển khai đúng, đầy đủ theo quy định, đã từng bước đáp ứng, giải quyết được những khó khăn đối với học sinh, sinh viên DTTS, vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa đến trường học có nơi ăn ở thuận lợi hơn; thu hút cán bộ, giáo viên đến công tác tại các trường đóng trên địa bàn điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, chất lượng đại trà của học sinh DTTS chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh, tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học giảm. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn được thu hẹp đáng kể. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, số học sinh DTTS xếp loại học lực khá, giỏi và đạt giải trong các kỳ thi quốc gia ngày càng tăng.
Dương Liễu