Học sinh lớp 10a1, Trường THPT Lạc Thủy C tổ chức học theo nhóm trong giờ học Ngữ văn.
Là xã vùng sâu nhưng An Bình đặc biệt quan tâm công tác giáo dục. Xã duy trì tốt sỹ số học sinh, đảm bảo 100% trẻ em đều được đi học đúng độ tuổi. Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện tốt công tác PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy và học của nhà trường. Năm 2023, công tác giáo dục của xã An Bình xếp thứ 2 toàn huyện.
Hiện, toàn huyện có 38 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; trong đó, 15 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở (THCS), 14 trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS), 4 trường trung học phổ thông (THPT), 1 trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT; 10 trung tâm học tập cộng đồng. Có 30/38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 78,9%.
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; lựa chọn đội ngũ giáo viên có trách nhiệm, năng lực trực tiếp thực hiện công tác PCGD, XMC; tham mưu ban hành kịp thời các văn bản tập trung sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện PCGD, XMC. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo của huyện. Các chỉ tiêu huy động trẻ đến trường đều đạt và vượt theo kế hoạch. Việc nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì sĩ số học sinh luôn được coi trọng. Hệ thống trường lớp, điểm trường ở tất cả các cấp học, bậc học phù hợp tình hình thực tế địa phương, tạo thuận lợi cho học sinh đi học. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.
Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục được các địa phương triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn: PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, tổ chức có liên quan trong công tác PCGD, XMC. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm công tác PCGD, XMC, không ngừng nâng cao chất lượng. Đổi mới công tác quản lý, tăng cường công tác điều tra nhằm đảm bảo số liệu chính xác về trình độ dân trí trên địa bàn. Thực hiện quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn PCGD, XMC theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Sử dụng hệ thống thông tin quản lý PCGD, XMC đảm bảo số liệu được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác. Tăng cường hoạt động của các thư viện xã; tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCGD, XMC. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác PCGD, XMC với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Gắn kết tuyên truyền PCGD, XMC việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương.
Đinh Thắng