Học tập suốt đời là chuyện không của riêng ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Học không gói gọn tại trường lớp, có thể học bất cứ đâu và học bất cứ khi nào. Chúng ta có thể học thầy, học bạn, học từ những mô hình, cách làm hay để áp dụng cho gia đình, bản thân mình.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao ủng hộ Quỹ khuyến học tỉnh Hòa Bình.
Học tập suốt đời là tư tưởng của toàn nhân loại
Tư tưởng "Học tập suốt đời” đã được cổ nhân đúc kết từ lâu đời. UNESCO còn thành lập Viện Học tập suốt đời và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Xã hội học tập được các quốc gia trên thế giới nhận thức là một triết lý, coi học tập là chìa khóa mở ra sự phát triển bền vững của quốc gia. Đối với nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mỗi công dân Việt Nam cần: "Biết ham học… Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ". "Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự đào thải mình”, vì vậy, mỗi người đều "Phải biết tự động học tập", "Còn sống thì còn phải học".
Cùng với cả nước, Hòa Bình đang triển khai một cách bài bản, đồng bộ việc "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị" và "Xây dựng mô hình Công dân học tập" giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 387/QĐ-TTg và Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thành công lớn nhất đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng xã hội học tập, về học tập suốt đời - học không bao giờ cùng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nâng lên, phong trào học tập suốt đời đã thành mạch nguồn lan tỏa.
Học bổng "Học không bao giờ cùng" tiếp lửa cho người ham học
Tại Lễ tuyên dương khen thưởng học bổng học không bao giờ cùng năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh đã xét, chọn 98 cá nhân điển hình là nông dân, người lao động, cán bộ, giáo viên tích cực tự học, sáng tạo trong lao động, công tác; có nhiều đóng góp cho cộng đồng; những tấm gương phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; những tấm gương tiêu biểu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có nhiều nghiên cứu, sáng kiến giải pháp hiệu quả mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, trong sản xuất và đời sống.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình đạt danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập". Tiêu biểu như: ông Xa Hồng Hinh, dòng họ Xa Quản, xã Đồng Chum (Đà Bắc); ông Bùi Văn Bui, trưởng dòng họ Bùi, xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng (Kim Bôi); ông Quách Văn Hải, trưởng dòng họ Quách Mường Khói, xóm Trán, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn); ông Bùi Văn Diền, trưởng dòng họ Bùi Văn, thôn Thơi, xã Hưng Thi (Lạc Thủy); ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng tiểu khu 12, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn); bà Hà Thị Dũng, dòng họ Hà Công Đức Khải, xóm Chiềng Pùng, xã Bao La (Mai Châu); ông Đinh Công Chẩy, dòng họ Đinh Công, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc)…
Ông Phan Văn Sỹ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là tấm gương học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Bằng nỗ lực và cố gắng trong học tập và tự học thường xuyên, ông Phan Văn Sỹ đã tham gia nhiều chương trình học tập với đa dạng lĩnh vực. Ông có 2 bằng đại học, bảo vệ thành công 2 bằng thạc sĩ và 1 bằng tiến sĩ. Từ năm 2012 - 2022, ông liên tục có các đề tài, sáng kiến và giải pháp được các cấp có thẩm quyền công nhận, có tính ứng dụng trong lao động sản xuất và công tác.
Ông Bàn Văn Thân, xóm Dướng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã tích cực học tập, sưu tầm, dạy chữ Dao miễn phí cho trên 300 cán bộ và nhân dân trong huyện. Tương tự, ông Lý Văn Hềnh, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cũng tích cực học tập, sưu tầm, dạy chữ Dao miễn phí cho trên 400 cán bộ và nhân dân trong huyện và huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Ông Bùi Huy Vọng, xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) bằng con đường tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu đã có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình xuất sắc về văn học nghệ thuật đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Bà Nguyễn Thị Hình, xóm Rổng Cấn, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đã có sáng kiến "Bảo tồn giá trị di sản văn hóa mo Mường và chiêng Mường”.
Đặc biệt, bà Nguyễn Hồng Nhung, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình), cử nhân sư phạm bị tàn tật sau tai biến, nhưng đã có nghị lực vượt khó mở lớp học ở nhà kèm học sinh khuyết tật, xây dựng phòng đọc sách gồm nhiều loại sách cho cho thanh, thiếu niên và cộng đồng đọc miễn phí. Bà Quách Thị Bích Nụ, Trường mầm non xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) từ năm 2005 đến nay luôn duy trì công việc đưa đón học sinh mầm non, tiểu học, THCS vùng cao đi học đường sông bằng thuyền hoàn toàn tự nguyện, miễn phí. Trong suốt 18 năm, việc đưa đón các cháu diễn ra an toàn, đảm bảo các cháu đến lớp kịp giờ học. Ông Lê Huy Tích, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) bằng con đường tự học đã sáng chế nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống, đặc biệt cho người khuyết tật. Sản phẩm "Đầu kéo xe lăn ETIC” đã đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi trong tỉnh và toàn quốc. Năm 2020, tại Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ III tổ chức tại Hà Nội đạt giải nhì với sáng chế đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật.
Các thầy giáo, cô giáo Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Trường THPT Công Nghiệp, Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh đã có nhiều sáng kiến bồi dưỡng học sinh, góp phần có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh hằng năm tích cực học tập, nghiên cứu khoa học. Mỗi năm có trên 100 đề tài, sáng kiến, giải pháp được công nhận và được áp dụng trong sản xuất, công tác đạt hiệu quả cao.
Từ phong trào "học không bao giờ cùng” đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Các trường dạy nghề, Trung tâm GDNN-GDTX mở nhiều lớp tuyển sinh, dạy nghề; các trung tâm học tập cộng đồng triển khai các chuyên đề: Kỹ thuật trồng ngô, kỹ thuật chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn, cải tạo vườn quả gia đình; xây dựng gia đình văn hoá, sức khoẻ gia đình, nước uống, nước sạch; Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ... thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia…
Tuy khác nhau về nghề nghiệp, hoàn cảnh, nhưng những tấm gương tự học quanh ta đều có điểm chung là tích cực học tập, "học trong hoạt động thực tế, học trong sách vở, học trong lao động, học bạn bè và đồng chí, học nhân dân" để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm những việc có ích cho xã hội theo mạch nguồn tư tưởng "Học không bao giờ cùng” đầy nhân văn và tiến bộ.
Thùy An
(CTV)
Sáng 18/2, Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký thi Đánh giá năng lực đợt 1 của năm 2024.
Cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, thời gian qua, các cấp học ở huyện Kim Bôi đã đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh với phương châm "học mà chơi, chơi mà học”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024.
Với xu hướng đa dạng phương thức tuyển sinh, năm 2024, một số trường đại học có sự cạnh tranh cao đã thay thế hình thức xét tuyển học bạ bằng những hình thức khác để nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Song, trong bức tranh tuyển sinh chung, xét tuyển từ điểm học tập ba năm Trung học Phổ thông vẫn là phương thức được đa số các trường đại học lựa chọn (tính đến thời điểm này có hơn 60 trường), bao gồm cả các trường đại học tốp đầu.
Một mùa Xuân mới đã ngập tràn quê hương Hòa Bình. Hình ảnh những thầy giáo mầm non luôn nhiệt huyết, tận tụy, nỗ lực từng ngày vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà như những đóa hoa xuân, thật đặc biệt và đáng trân trọng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh, góp phần lan tỏa, bồi đắp tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống.