Để khắc phục lỗ hổng giáo dục giới tính cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, huyện Mai Châu đã, đang chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai bằng nhiều hình thức, giúp các em nhận thức được những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; rèn luyện về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.


Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Tân Dân, xã Tân Thành (Mai Châu) tổ chức diễn đàn giao lưu đối thoại giáo dục giới tính cho học sinh.

Năm học 2023 - 2024, huyện Mai Châu có 11.998 học sinh, trong đó, học sinh bậc THCS và THPT chiếm khoảng 60%. Những năm gần đây, số cặp tảo hôn có chiều hướng giảm, nhưng tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Từ năm 2020 - 2023, toàn huyện có gần 30 học sinh từ 14 - 17 tuổi bỏ học để kết hôn, nguyên nhân chủ yếu do các em chưa hiểu nhiều về hệ lụy của tảo hôn; một số gia đình mong muốn có thêm lao động và do phong tục tập quán vùng miền, dân tộc nên không ngăn chặn các em kết hôn sớm... Trước thực trạng đó, các cấp, ngành của huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh có phương pháp giáo dục giới tính phù hợp; tổ chức nhiều hoạt động thu hút các em tham gia, nâng cao hiểu biết và có nhận thức tốt về giới tính, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn sớm. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn Mai Châu phối hợp các đơn vị, trường học tổ chức hội thi tìm hiểu về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh; thi tiểu phẩm về chủ đề giáo dục giới tính; lồng ghép trong các tiết mục văn nghệ; phát tờ rơi; thông tin về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn... Qua đó giúp các em có nhận thức đúng đắn về công tác dân số.

Ngoan ngoãn, chăm chỉ và đạt nhiều thành tích trong học tập, em Sùng Thị Xoa, học sinh lớp 9A, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT B Mai Châu là một trong những học sinh nổi bật của lớp, được bạn bè, thầy cô yêu mến. Cuối năm học trước, bố mẹ Xoa có ý định cho em nghỉ học để ở nhà lấy chồng và phụ giúp gia đình. Lo lắng, sợ hãi vì không được đi học, Xoa đã chia sẻ và nhờ đến sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm. Sau nhiều lần cô chủ nhiệm tới nhà vận động, bố mẹ Xoa đã hiểu ra và tiếp tục cho em đến trường. Xoa tâm sự: Khi bố mẹ cho em tiếp tục đi học không phải lấy chồng em vui lắm, em sẽ cố gắng học thật tốt để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Giới tính, sức khỏe sinh sản là những vấn đề nhạy cảm, trước đây không thường xuyên được đề cập tới trong trường học, nhưng hiện nay, vấn đề này được chia sẻ và tương tác giữa cô và trò thoải mái hơn. Tại những buổi sinh hoạt ngoại khóa, học sinh được cung cấp nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình yêu nam nữ, các biện pháp phòng tránh thai an toàn thông qua tài liệu, hình ảnh hoặc video, clip. Học sinh cũng đặt những câu hỏi liên quan, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này một cách cởi mở. Em Hà Thị Lương, học sinh lớp 10A, Trường THPT Mai Châu cho biết: "Mặc dù đã được tiếp cận vấn đề này qua các giờ học ở bộ môn Sinh học và Giáo dục công dân nhưng thời lượng chưa đủ để chúng em hiểu sâu hơn. Vì thế, hoạt động ngoại khóa thực sự có ý nghĩa và rất cần thiết. Ngoài giải đáp những tình huống, những vấn đề em cùng các bạn chia sẻ cũng nhận được tư vấn của cán bộ làm công tác dân số”. 

Cô Hà Thị Cầm, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT B Mai Châu chia sẻ: "Với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp tuổi học trò và phòng, chống bạo lực học đường, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch để tạo nên một diễn đàn sôi nổi, mang lại hiệu ứng tích cực. Ngoài việc dạy học sinh về kiến thức, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nâng cao nhận thức cho học sinh về sức khỏe sinh sản, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, các em có cơ hội bày tỏ cảm nhận, quan điểm, suy nghĩ của mình về tình bạn, tình yêu để giúp các em có sự thay đổi về nhận thức, đồng thời vận động bố mẹ thay đổi suy nghĩ về phong tục tập quán, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu cho biết: Phòng đã phối hợp các cấp, các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính cho học sinh. Các nhà trường phối hợp với địa phương lồng ghép tại cuộc họp thôn, bản, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chỉ đạo mỗi trường học tổ chức từ 6 - 7 cuộc ngoại khóa/năm về giáo dục giới tính; hướng dẫn cách nhận biết và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có phòng tránh xâm hại tình dục.

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các trường học trên địa bàn huyện Mai Châu đã giúp học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức về công tác dân số, góp phần từng bước giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương.



Hoàng Anh
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)

Các tin khác


Bảo đảm chính xác trong đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh trên cả nước chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến. Kỳ thi năm nay được tổ chức gồm năm bài thi, trong đó có ba bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên khóa 23

Ngày 3/5, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm 2024 cho học sinh (HS), sinh viên (SV) khóa 23.

Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục