Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.


Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) tiếp nhận SGK của đoàn thiện nguyện từ Hà Nội trao tặng.

Thời điểm này, sau khi công tác lựa chọn SGK đã hoàn thành, nhiều giải pháp được triển khai để 100% học sinh có đủ sách trước năm học mới.

Nhà trường chủ động

Với trường vùng khó, số lượng lớn học sinh không thể tự trang bị SGK, lãnh đạo nhà trường phải chủ động nhiều giải pháp để huy động nguồn lực. Tại Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị), theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng, địa bàn có trên 85% hộ nghèo, kéo theo tầm đó học sinh không tự trang bị SGK để học.

Trước khó khăn này, hiệu trưởng nhà trường đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ SGK cho học sinh. Qua đó, cơ bản đáp ứng đủ số lượng sách cần cho năm học. Số ít còn thiếu, nhà trường trích ngân sách để mua, hoặc vận động phụ huynh mua sách cho con em từ nguồn kinh phí hỗ trợ học tập của Chính phủ.

"Việc bảo quản để sử dụng SGK lâu dài đặc biệt quan trọng với trường vùng khó như Tiểu học & THCS A Xing. Bởi vậy, nguồn sách được nhà hảo tâm hỗ trợ, sẽ nhập ngay thư viện, xem đó như tài sản của nhà trường.


Sau đó, căn cứ nhu cầu từng lớp, SGK được giao đến giáo viên chủ nhiệm để phát cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn trò sử dụng và bảo quản; cuối kỳ trả lại thư viện. Việc bảo quản SGK thậm chí được đưa vào tiêu chí thi đua của tập thể lớp và giáo viên chủ nhiệm. Với cách làm này, hằng năm số lượng sách thất thoát không đáng kể”, thầy Nguyễn Mai Trọng cho biết.

Tại Trường THPT Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên, An Giang), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hạ Hưng Sơn cho hay: Triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường tiến hành thống kê, khảo sát nhu cầu trang bị SGK để giới thiệu nguồn mua hoặc mua hộ cho gia đình học sinh có đủ điều kiện. Học sinh khó khăn được lập danh sách để hỗ trợ từ quỹ xã hội hóa của trường. Hai năm học vừa qua, cơ bản nhà trường đã trang bị SGK cho học sinh đầy đủ, kịp thời.

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Tịnh Biên tiếp tục khảo sát nhu cầu mua SGK (thông qua buổi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn với khối 10 và chuyển đổi tổ hợp môn đối với khối 11, 12), dự kiến vào đầu tháng 7. Đồng thời, tiếp tục khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ SGK để vận động nhà hảo tâm nhằm bảo đảm 100% học sinh có SGK vào năm học mới.

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng là địa bàn vùng khó. Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn chiếm trên 65%. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy nên việc mua sắm một bộ sách đầy đủ cho con là khó khăn. Nhiều gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa gửi con lại cho ông bà, người thân chăm sóc nên mọi việc học hành của học sinh hầu như phó mặc cho nhà trường.

Nhận rõ khó khăn này, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện sớm thông tin về các bộ sách cần mua và giới thiệu cho phụ huynh biết nhà cung ứng uy tín, giá cả phù hợp. Do địa bàn cách trở, phụ huynh có thể nhờ giáo viên, nhà trường mua hộ. Thầy cô luôn nhắc nhở học sinh giữ gìn SGK cẩn thận để tặng lại các em khóa sau; tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh lớp trước tặng lại SGK cũ.

Việc kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ sách cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng được các trường thực hiện tốt. Cùng đó, nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tình nguyện đóng góp tiền để mua SGK, dụng cụ học tập tặng trò nghèo. "Với nhiều giải pháp, các trường luôn bảo đảm 100% học sinh có đủ SGK phục vụ học tập”, ông Phạm Viết Phúc khẳng định.

Không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách


Ảnh minh họa

Để bảo đảm 100% học sinh được trang bị đủ SGK trước năm học mới, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT, các trường trực thuộc căn cứ nhu cầu của học sinh, chủ động phối hợp, đăng ký với đơn vị cung ứng SGK; đảm bảo cung cấp SGK đủ số lượng, chất lượng đến cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trước ngày 5/9.

Các đơn vị, trường học tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ SGK, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh; tuyên truyền, xây dựng ý thức giữ gìn SGK để sử dụng được lâu dài. Mỗi cơ sở giáo dục được yêu cầu có đầy đủ các bộ SGK để giáo viên tham khảo, lựa chọn ngữ liệu xây dựng bài giảng phù hợp với học sinh.

Cũng chia sẻ về giải pháp, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang thông tin: Các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn đã tiến hành điều tra SGK đầu năm theo quy định để nắm bắt tình hình. Căn cứ số liệu này, mỗi cơ sở giáo dục xây dựng phương án, đảm bảo 100% học sinh có SGK học tập, giáo viên có sách giảng dạy bằng nhiều hình thức như: Tổ chức mua hộ SGK cho học sinh (với vùng điều kiện cung ứng SGK khó khăn); mua bổ sung SGK, sách giáo viên cho thư viện để thầy trò mượn; vận động các nguồn lực xã hội quyên góp SGK cho học sinh…

"Sau khi có danh mục SGK sử dụng trong năm học mới, các trường chủ động phối hợp với đơn vị phát hành sách; chọn lựa đơn vị có chức năng và đủ năng lực cung ứng SGK, tài liệu giáo dục địa phương An Giang, tài liệu hướng dẫn giảng dạy nhằm cung ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách, phụ huynh học sinh mua không đúng danh mục sách được các trường trên địa bàn công bố hoặc mua nhầm sách in lậu, sách giả gây lãng phí, thiệt thòi cho học sinh khi sử dụng”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

Ngoài ra, giải pháp hiệu quả được Sở GD&ĐT An Giang triển khai một số năm nay là thực hiện điều chuyển nội bộ đối với SGK bị thừa, thiếu giữa các đơn vị trên địa bàn. Phát động phong trào trao SGK, sách tham khảo đã qua sử dụng cho thư viện các trường nhằm tặng lại cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Tích cực tham mưu UBND cấp huyện bố trí kinh phí mua sách SGK cho học sinh nghèo, cận nghèo, thuộc diện chính sách mượn để sử dụng…

Theo Báo Giáo dục thời đại

Các tin khác


Huyện Kim Bôi: Trường mầm non chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1

Vào lớp 1 là bước ngoặt đối với trẻ nên việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các cháu là việc làm vô cùng quan trọng. Với phương châm "hết lòng vì học sinh thân yêu”, bên cạnh đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, 28 trường mầm non trên địa bàn huyện Kim Bôi chú trọng trang bị cho trẻ một số kỹ năng, tư vấn tâm lý, giúp các cháu có tâm thế tốt, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Nâng cao chất lượng nguồn đào tạo các trường quân đội

Năm 2024, các học viện, trường sĩ quan (gọi chung là các trường) trong quân đội tiếp tục tuyển sinh đào tạo cán bộ cấp phân đội trình độ đại học, cao đẳng. Hiện nay, công tác tuyển sinh quân sự đã và đang được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện.

Ngành GD&ĐT huyện Mai Châu: Trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho học sinh

Để khắc phục lỗ hổng giáo dục giới tính cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, huyện Mai Châu đã, đang chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai bằng nhiều hình thức, giúp các em nhận thức được những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; rèn luyện về kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.

29 trường tham gia Cuộc thi sáng tạo sản phẩm giáo dục STEAM huyện Lạc Sơn 

Từ ngày 9-10/5, phòng GD&ĐT huyện Lạc Sơn tổ chức Cuộc thi sáng tạo sản phẩm giáo dục STEAM năm học 2023-2024 nhằm đánh giá các trường về kết quả tổ chức dạy, học các môn học và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của học sinh; chào mừng kỷ niệm 11 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2013-18/5/2024); 94 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).

Trường THPT Mường Bi tăng cường ôn thi tốt nghiệp cho học sinh

Cuối tháng 6, học sinh lớp 12 trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời điểm này, công tác ôn thi tốt nghiệp đang được Trường THPT Mường Bi, huyện Tân Lạc chú trọng nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi quan trọng này.

Khởi công xây dựng công trình nhà lớp học chi trường Bo Trẳm, Trường TH&THCS Ngổ Luông

Ngày 5/5, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình nhà lớp học cho chi trường Bo Trẳm, Trường TH&THCS Ngổ Luông, xã Ngổ Luông (Tân Lạc). Tham dự có đồng chí Bùi Tiến Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục