Trường mầm non Phú Vinh (Tân Lạc) xây dựng môi trường giáo dục "Xanh - an toàn - hiệu quả”.
Cuộc thi được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) chia sẻ: Các trường đã đáp ứng căn bản các tiêu chí cuộc thi theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Đa số trường bố trí không gian lớp học hợp lý, tận dụng không gian để các em hoạt động phù hợp; tạo điều kiện cho học sinh thực hành, trải nghiệm, đảm bảo an toàn. Cuộc thi không tạo áp lực cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường học; các hoạt động được tổ chức thật sự có ý nghĩa, lan tỏa những giá trị: sáng tạo, yêu thương, an toàn và tôn trọng trong nhà trường.
20 trường mầm non, trường TH&THCS trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi với những kết quả nổi bật. Đội ngũ giáo viên đã trăn trở, tâm huyết, sáng tạo trên từng góc lớp, cầu thang, bức tường, góc sân... xây dựng nên không gian trường lớp sống động, tạo sự hứng thú cho trẻ trong học tập, vui chơi. Đó là phòng đọc nhỏ xinh được thiết kế độc đáo đầy nghệ thuật với sách và cà phê cho giáo viên thư giãn ở Trường mầm non Hòa Bình; không gian xanh mướt như resort ở Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Độc Lập (TP Hoà Bình); mộc mạc như homestay ở Trường TH&THCS Bao La (Mai Châu); hiện đại như khu nghỉ dưỡng mini ở Trường mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi).
Với những trăn trở, yêu thương của lãnh đạo các nhà trường, trí tuệ, công sức của cô trò và cha mẹ học sinh đã mang đến các góc hoạt động hấp dẫn cho trẻ Trường mầm non Lạc Hưng (Yên Thủy), Vạn Mai (Mai Châu), Tân Vinh (Lương Sơn)... Những sáng tạo không giới hạn trong không gian cầu thang nhỏ hẹp ở Trường mầm non Sào Báy (Kim Bôi); trong từng công cụ được tận dụng tối đa trên mảng tường lớp học, góc sân của Trường mầm non thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy); trong cách bài trí không gian lớp học khác biệt, hấp dẫn ở Trường mầm non Thanh Hối (Tân Lạc); góc sân Trường mầm non Hào Lý (Đà Bắc) đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mường; khu vườn trải nghiệm xanh tốt trên khu đất từng là đá hộc của Trường mầm non Cao Răm (Lương Sơn); không gian hoạt động liên hoàn cho trẻ ở Trường mầm non Ngọc Sơn (Lạc Sơn); các góc trải nghiệm sinh động, phong phú được sắp xếp trong những ngóc ngách của Trường mầm non Tu Lý (Đà Bắc), Phú Vinh (Tân Lạc) hay tận dụng tối đa sau dãy nhà lớp học của Trường mầm non Yên Bồng (Lạc Thuỷ).
Qua quá trình kiểm tra tại các trường học, Sở GD&ĐT ghi nhận sự thay đổi cơ bản, đó là kết quả từ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô Trường mầm non Ngọc Lương (Yên Thuỷ), Tây Phong (Cao Phong), Bình Cảng (Lạc Sơn). "Nếu có ý tưởng sớm, đủ thời gian, được tư vấn bài bản, chăm chút hơn nữa, các thầy cô sẽ làm được nhiều hơn những gì đang có”, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm cho hay.
Theo Sở GD&ĐT, xây dựng môi trường giáo dục đòi hỏi phải có thời gian, kinh phí, đặc biệt cần có sự tâm huyết của Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên các nhà trường, sự chăm lo, chia sẻ, thấu hiểu của cha mẹ học sinh. Những nỗ lực đó được ghi nhận bằng thành tích của các nhà trường đạt được thông qua cuộc thi. Mặc dù quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế như: nhiều công cụ còn rất mới; học sinh chưa có nhiều cơ hội tương tác, học tập, trải nghiệm với không gian xung quanh mình... nhưng qua cuộc thi đã huy động được sự tham gia của phụ huynh học sinh cùng với nhà trường cải tạo môi trường giáo dục, giúp các em có môi trường học tập tốt nhất. Từ kết quả đạt được thông qua cuộc thi, việc xây dựng trường mầm non "Xanh - an toàn - hiệu quả” và xây dựng không gian trường, lớp học "An toàn - sáng tạo - hiệu quả” cấp tiểu học sẽ được nhân rộng tại các trường học trong thời gian tới.
Hồng Trung