Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào dạy học từ năm học 2020-2021 theo hình thức cuốn chiếu, sau 4 năm đã thu được những kết quả bước đầu. Năm học mới 2024-2025, Chương trình sẽ được triển khai cho khối lớp 5, 9 và 12 là những khối lớp cuối cùng để ngành Giáo dục hoàn thành đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Giờ thể dục của học sinh Trường tiểu học Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh XUÂN TIẾN)
Phát huy sự chủ động, sáng tạo
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) khi bắt đầu triển khai gặp phải không ít thách thức nhưng dần được điều chỉnh phù hợp. Nội dung, phương pháp dạy học đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh, giúp thay đổi từ gốc, chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quá trình dạy học, các thầy, cô giáo và học sinh, cũng như các nhà trường tích cực chủ động nhiều giải pháp đổi mới theo yêu cầu của chương trình.
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lống 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An dù thuộc vùng khó khăn nhưng khi triển khai đã nỗ lực, bắt nhịp tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình. Cô giáo Nguyễn Thị Vân, giáo viên nhà trường chia sẻ, từ khi thực hiện Chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu từ lớp 1 đến nay, các em học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Mặc dù học sinh dân tộc thiểu số vốn nhút nhát nhưng giờ đây, các em đã dám thể hiện quan điểm của mình và chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập. Thầy giáo Trịnh Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lống 1 thì cho biết, sau bốn năm thực hiện Chương trình mới cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, chất lượng giáo dục được nâng lên. Nhà trường có 100% học sinh là người H’Mông nhưng tỷ lệ các em đọc, viết kém giảm rõ rệt; tính toán nhanh hơn, mạnh dạn, siêng năng phát biểu trong học tập và giao tiếp với thầy cô, bạn bè…
Trong khi đó, tại Trường THPT Lạc Thủy C, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, cô giáo Bùi Thị Hạnh, giáo viên dạy môn Địa lý chia sẻ điều tâm đắc nhất khi dạy học là Chương trình mới không bị bó buộc nên giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo trong bài giảng, được linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp như dạy học theo dự án, đóng vai hay thảo luận nhóm... Vì vậy, sau giờ học, các em vừa tự chiếm lĩnh kiến thức môn học, vừa được thực hành cũng như vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Hoàng Ngọc Ánh cho biết, quá trình triển khai Chương trình mới, chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Các mô hình đổi mới sáng tạo giáo dục được triển khai hiệu quả ở hầu hết các trường; gắn hoạt động trải nghiệm sáng tạo với thực tiễn sản xuất, nông nghiệp, du lịch, văn hóa của địa phương góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Đáng chú ý, dù còn khó khăn nhưng 100% học sinh của tỉnh được học các môn học bắt buộc Tiếng Anh, Tin học theo yêu cầu của Chương trình mới, tạo nên những đổi thay đáng kể trong nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Đánh giá công tác triển khai Chương trình mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sâu sát với cơ sở, địa phương trong quá trình thực hiện chương trình; kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dạy học tích hợp và thiếu giáo viên ở các môn học mới. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thì cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
Đổi mới theo chiều sâu
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng quá trình triển khai Chương trình mới cũng cho thấy chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều khi thực hiện các nhiệm vụ đổi mới, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Một số giáo viên hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, thiếu nhạy bén với việc đổi mới cách tổ chức dạy học; năng lực ứng dụng công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Trong khi đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành.
Vì vậy, năm học 2024-2025, khi triển khai đồng bộ việc dạy học theo Chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12, ngành giáo dục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Toàn ngành chủ động rà soát và phát triển Chương trình mới bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục. Các thầy, cô giáo lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học để tổ chức các hoạt động học tập của học sinh bảo đảm chất lượng; trong đó, dành nhiều thời gian cho học sinh khai thác sử dụng sách giáo khoa, thực hành, thí nghiệm để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua thực hiện nhiệm vụ được giao và hoàn thành sản phẩm học tập cụ thể theo yêu cầu của giáo viên. Đối với các nhà trường, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học (trong và ngoài lớp học, trong và ngoài khuôn viên nhà trường), khuyến khích các hình thức dạy học nhằm khơi gợi hứng thú học tập của học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá…
Từ góc độ triển khai thực tiễn tại địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn cho biết, địa phương sẽ tập trung nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo cho đội ngũ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cho giáo viên các cấp học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, ngành giáo dục tỉnh triển khai rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp bảo đảm các điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, tỉnh chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình mới…
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, qua lộ trình 4 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành giáo dục đã vượt qua, đạt được nhiều kết quả tích cực. Quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình mới đã phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh việc giao thêm quyền tự chủ cho lãnh đạo trường học, giáo viên thì hình thức hỗ trợ, giám sát cũng cần được các cấp quản lý tăng cường nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình. Các tỉnh khó khăn cần áp dụng Chương trình mới một cách chủ động và tích cực hơn, có kế hoạch để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, lâu dài, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024-2025 có nhiều hoạt động mang tính chất tổng kết đối với các cấp học, cho nên cần có đánh giá lại quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ hệ thống sách giáo khoa đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… để từ đó bước vào giai đoạn đổi mới theo chiều sâu được tốt hơn.
Theo Báo Nhân Dân
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 4 hình thức đào tạo liên kết trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sử dụng điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai các phong trào thi đua, đồng thời có nhiều chính sách chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), từ đó gặt hái nhiều thành quả quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Chăm lo cho thiếu nhi là chăm lo cho thế hệ măng non tương lai của đất nước”. Thấm nhuần lời dạy của Người, tỉnh Hoà Bình không ngừng chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BV, CS&GDTE) bằng những hoạt động thiết thực. Trẻ em trên địa bàn tỉnh được chăm lo ngày một tốt hơn.
Những năm qua, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh chú trọng làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm phát triển quy mô nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh là người dân tộc thiểu số được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt.