Với chủ trương “nâng đầu yếu kém”, nhiều địa phương đã có những “cú nhảy ngoạn mục” trong tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. 40 tỉnh có hệ THPT đỗ tốt nghiệp trên 90%, trong khi năm 2009 chỉ có 10 tỉnh.

 

Năm 2007, khi tỉ lệ tốt nghiệp tụt xuống mức thê thảm, việc đặt ra vấn đề thi “hai trong một” (kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả chung để công nhận hoàn thành tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) vẫn khiến rất nhiều người nghi ngại.

Bây giờ, sau ba năm, kết quả đậu tốt nghiệp lại tăng đột biến. Liệu với kết quả này, có thể áp sát được mục tiêu tổ chức kỳ thi “hai trong một” nữa không?

Trái quy luật

Năm 2007, khi tỉ lệ tốt nghiệp (đợt 1) THPT của tỉnh Nghệ An tụt xuống đến 45%, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An lúc đó đã nói: “Cái được lâu dài là lấy lại niềm tin vào sự trung thực của giáo dục, niềm tin đó sẽ giúp chúng ta lấy lại động cơ dạy và học, sự quan tâm đúng mức của cha mẹ học sinh”.

Nhưng vị lãnh đạo này cũng nói: “Từng là thầy giáo và trực tiếp làm việc trong ngành giáo dục, tôi và đồng nghiệp đều hiểu khi làm thực chất, việc nâng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên không dễ, nhất là khi động vào “lô cốt” học sinh yếu kém”.

Nếu nỗ lực hết sức mình với nhiều giải pháp khác nhau cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cả xã hội thì trong một năm sẽ có thể nâng được tối đa tỉ lệ tốt nghiệp là 10%. Nhưng kiên trì khoảng 5-7 năm, 10 năm, chất lượng dạy học từ bậc tiểu học cũng có thể “rung rinh” chuyển theo hướng tích cực.

Những cú nhảy ngoạn mục

Tỉnh Sơn La từ vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2009 đã nâng tỉ lệ tốt nghiệp từ 39% lên 92,43% (tăng 52%); Yên Bái từ 72,74% lên 98,51% (tăng gần 26%), Hà Tĩnh tăng từ 73% lên 98% (tăng 25%)... Ở hệ giáo dục thường xuyên, nơi lâu nay vẫn nhức nhối vì những bất cập về điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục, kể cả ở những đô thị lớn thì sự gia tăng về tỉ lệ tốt nghiệp năm nay lại càng rõ rệt: Sơn La tăng 68%, Thanh Hóa tăng 44,36%, Hà Tĩnh tăng 55%, Ninh Bình tăng 40%, Hà Nam tăng 46,46%, Hà Giang tăng 59,6%, Yên Bái tăng 50,67%, Kon Tum tăng 30,5%...

10% là tỉ lệ mà người làm giáo dục dự tính. Thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), một trường có đầu vào rất thấp - thừa nhận: một năm nâng 5-10% là một cố gắng quá lớn đối với những nơi có nhiều học sinh yếu kém.

Thầy Lâm cho rằng để cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và nâng tỉ lệ tốt nghiệp lên cao được như hiện nay, cần phải có sự kiên trì làm thay đổi chất lượng giáo dục từ bậc học thấp, mà như thế thì cần nhiều năm chứ không thể trong ba năm (từ 2007-2010) có thể làm được.

Khó vực dậy niềm tin

Một cán bộ quản lý từng có những năm hồ hởi với “hai không” chia sẻ: “Thấy tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh lần lượt công bố mà buồn. Buồn vì những ai từng làm nghề dạy học đều biết rõ đâu là con số thật, đâu là giả.

Nhớ lại năm 2007, dù đứng trước khó khăn nhưng những người làm giáo dục đã đón nhận phản hồi từ phía người dân một cách tích cực. Họ tin tưởng vào sự chấn hưng giáo dục, bắt đầu từ việc ngăn chặn tiêu cực thi cử. Nhưng tiếc là điều đó đã không được duy trì. Việc vực lên một tỉ lệ tốt nghiệp thì dễ nhưng vực dậy niềm tin thì khó”.

Phân tích về những cản trở để đi đến sự trung thực, đại diện ngành giáo dục một số địa phương đã thành thật nói: “Để có kết quả không trung thực, yếu tố có thể tác động nhiều nhất là khâu ra đề và khâu coi thi”.

Khi nói đến áp lực thành tích, có giám đốc sở GD-ĐT đã cho rằng: “Chính phủ cần triệu tập cuộc họp các chủ tịch tỉnh để cố gắng thay đổi quan điểm, cách nghĩ của họ”.

Chống bệnh thành tích là con đường dài và gian nan chứ không thể thành công được theo kiểu làm phong trào.

Và... “2 trong 1”

Không có kết quả thực chất, không thể vực dậy được niềm tin, làm sao có thể thực hiện một kỳ thi “hai trong một”. GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng: “Tổ chức một kỳ thi cồng kềnh, tốn kém, căng thẳng nhưng chỉ để “đánh trượt” vài phần trăm số học sinh thì kỳ thi đó không có nhiều giá trị, quá tốn kém”.

Nói về kỳ thi “hai trong một” với kết quả tốt nghiệp hiện nay, đại diện nhiều trường đại học cũng lắc đầu lo lắng. TS Nguyễn Phục Vụ, Trường ĐH Mỏ địa chất, bày tỏ: “Với mục tiêu đào tạo nhân lực có chất lượng, không trường nào muốn sử dụng kết quả thi thiếu thực chất để tuyển những sinh viên có chất lượng đầu vào thấp”.

Có lẽ quan điểm của bộ về vấn đề này cũng thể hiện rõ qua những việc bộ đã và đang làm. Với kết quả tốt nghiệp cao ngất ngưởng, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trả lời: “Bộ chưa đặt ra vấn đề thi hai trong một”.

Thêm một lần nữa, dự định “hai trong một” lại bị treo và những người có trách nhiệm vẫn né tránh một sự thừa nhận là nó không thể khả thi khi bệnh thành tích chưa bị đẩy lùi.

                                                                            Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Cần chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 từ sớm, không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp phiên đầu tiên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024

Ngày 16/5, Sở GD&ĐT tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ XVI, năm 2023 và tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Nhiều bất cập với giáo viên được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo

Tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, thực tế đội ngũ nhà giáo còn có một số bất cập.

Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới

Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.

Những lưu ý trong tuyển sinh

Hiện nay, các trường đại học bắt đầu triển khai các phương thức xét tuyển sớm trong tuyển sinh năm 2024. Để hạn chế các sai sót, tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra các lưu ý để thí sinh, trường đại học và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt nhất.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục