Năm 2010 kết thúc chu kỳ cũ và mở đầu chu kỳ mới của các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án... phát triển giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) các bậc học. Nhiều thành tựu cũng như một số hạn chế được đưa ra phân tích, đánh giá từ đó các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục được triển khai, nhất là vấn đề "Ðổi mới quản lý giáo dục" được triển khai quyết liệt.
Năm 2010, ngành GD và ÐT với hơn 22 triệu giáo viên và học sinh, sinh viên trên cả nước tập trung thực hiện đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua mang lại hiệu quả rõ rệt. Ðây là năm thứ tư ngành GD và ÐT thực hiện Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' với sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội cùng chung tay phối hợp thực hiện giáo dục toàn diện học sinh. Các cơ sở giáo dục đã vận dụng sáng tạo nội dung Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'; Cuộc vận động 'Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức và phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả, mỗi giáo viên có một đổi mới dạy học, mỗi cán bộ quản lý có một đổi mới trong công tác quản lý của mình đã bước đầu được triển khai.
Ngoài ra, công tác đổi mới quản lý giáo dục còn được đẩy mạnh thông qua quy hoạch, quản lý nhà nước, nhất là quản lý chất lượng giáo dục ngày càng đi vào thực chất hơn ở tất cả các tỉnh, thành phố. Bộ GD và ÐT tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về GD và ÐT, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh công tác quản lý giáo dục từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong đó, việc phân cấp quản lý có 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có quyết định của UBND cấp tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GD và ÐT. Tất cả các cơ sở giáo dục đã thực hiện 'ba công khai' để người học và xã hội giám sát, đánh giá, bao gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai thu, chi tài chính. Ðặc biệt, Bộ GD và ÐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 tạo cơ sở để các địa phương tích cực, chủ động xây dựng mức học phí phù hợp với thực tế.
Toàn ngành GD và ÐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện như: Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; giáo dục phổ thông tiếp tục đánh giá sâu và điều chỉnh chương trình ở một số môn học; thực hiện tích hợp một số nội dung trong giảng dạy; hướng dẫn dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú trọng dạy thêm cho học sinh yếu kém, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 được thực hiện nghiêm túc, an toàn, khách quan và công bằng. Quy mô phát triển trường lớp của các cấp học, loại hình học tập đều tăng với tổng số 12.357 trường mầm non, 28.407 trường phổ thông, nhất là số lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện và trung tâm học tập cộng đồng đều tăng lên đáng kể. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ giáo viên được đẩy nhanh và đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu kế hoạch, hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện. Giáo dục dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Toàn quốc có 294 trường phổ thông dân tộc nội trú với khoảng 70 nghìn học sinh và 1.736 trường phổ thông dân tộc bán trú với hơn 147 nghìn học sinh. Ðáng chú ý, công tác phổ cập giáo dục và chống mù chữ được chú trọng, tất cả các tỉnh, thành phố. Toàn quốc có 52/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố và tất cả các huyện trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập THCS. Số trẻ đến trường mầm non là 3,4 triệu cháu với số trẻ được tổ chức nuôi bán trú tại trường đạt tỷ lệ 68,9%
Không chỉ trong giáo dục mầm non và phổ thông mà trong giáo dục đại học, cao đẳng, việc đổi mới quản lý nâng cao chất lượng toàn diện cũng được triển khai đồng bộ. Ngành GD và ÐT hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, nhất là các văn bản quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, điều lệ và quy chế hoạt động của các loại hình trường, quy chế đào tạo, quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường... Triển khai phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng theo hướng phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD và ÐT và các bộ, ngành quản lý trường và UBND các tỉnh, thành phố. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của Nhà nước và của các trường và tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của Nhà nước, của xã hội và của bản thân các cơ sở. Triển khai thực hiện 'ba công khai' từ năm học 2009 - 2010, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và trách nhiệm xử lý của các cơ quan chức năng của Bộ. Công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học thực hiện tự đánh giá của các trường đại học và cao đẳng, triển khai từng bước việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng; xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập. Trong đó, năm học 2009 - 2010 có 27 trường đại học, 33 trường cao đẳng thành lập bộ phận chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục, đưa tổng số cả nước có 287 trường đại học, cao đẳng có đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục. Bộ GD và ÐT đã giao cho 23 trường đại học thí điểm đào tạo 35 chương trình tiên tiến với các đối tác là các trường thuộc tốp 200 trường đại học của thế giới. Công tác tuyển sinh bảo đảm nghiêm túc, các trường thực hiện chấm hai vòng độc lập với gần 484 nghìn sinh viên mới được tuyển sinh.
Ðáng chú ý, năm 2010, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ ra rất nhiều những thiếu sót, hạn chế trong giáo dục đại học những năm qua, trong đó có những thiếu sót, hạn chế từ công tác quản lý, mở ngành, quy mô vượt quá năng lực đào tạo. Ðể đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, ngành GD và ÐT đã triển khai đồng bộ Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD và ÐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012. Mặt khác, Bộ GD và ÐT đã thực hiện tạm dừng việc giao trách nhiệm mở ngành trình độ đại học, cao đẳng; tiến hành phân cấp đào tạo và cấp bằng tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo sau đại học; tạm ngừng tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với hai trường đại học; tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ đối với các cơ sở đào tạo sau đại học không bảo đảm điều kiện...
Nhìn lại một năm đẩy mạnh quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục cho thấy: Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm so với kế hoạch và thiếu đồng bộ; công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT vào quản lý GD và ÐT còn chậm. Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý giáo dục quan tâm đúng mức. Mặt khác, trong chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập còn nhiều hạn chế; nhiều nơi, các nhà quản lý giáo dục chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp dẫn đến tình trạng dạy học theo cách 'đọc chép' còn phổ biến. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học sinh yếu kém còn chiếm tỷ lệ khá cao, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn. Với đội ngũ giáo viên hơn một triệu người, trong đó, có gần 348 nghìn giáo viên tiểu học, cho nên phần lớn các địa phương còn thiếu giáo viên tiểu học để đáp ứng yêu cầu dạy học hai buổi/ngày. Ðáng chú ý, ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu, chất lượng chưa tương xứng với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo. Năm 2010, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận.
Việc đổi mới quản lý là điều kiện tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nhưng các cấp quản lý giáo dục nhiều nơi vẫn chưa đổi mới nhận thức về nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, thường xuyên là quản lý chất lượng giáo dục; thiếu bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở và giải quyết kịp thời dứt điểm những vướng mắc, phát sinh. Trong quản lý giáo dục đại học, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chậm phát hiện, xử lý các sai phạm. Hệ thống giáo dục đại học phát triển mạnh về mạng lưới, quy mô, nhưng cơ chế, phương pháp quản lý còn chậm đổi mới, không theo kịp. Vẫn còn cơ chế 'xin cho' trong một số hoạt động giáo dục. Hoạt động liên kết đào tạo không phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên không đi vào chiều sâu, chậm phát hiện những sai sót, vi phạm của các cơ sở giáo dục đại học; hoặc phát hiện nhưng xử lý chưa dứt điểm...
Năm 2010 đã khép lại, cũng là khép lại của một chu kỳ với nhiều chương trình, dự án nhưng vẫn còn những băn khoăn của ngành GD và ÐT, mà trước hết là chất lượng GD và ÐT chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Ðiều đó đòi hỏi thêm những bước đột phá từ đổi mới quản lý, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho GD và ÐT nước nhà.
Theo ND
Các giáo sư của khoa Quản lý Nhà nước và Môi trường (SPEA) thuộc Trường đại học Indiana Bloomington, Mỹ khen ngợi tinh thần ham học hỏi, bản lĩnh và trí tuệ của sinh viên Việt Nam học tập tại trường này.
Đề án đưa ra nhiều mục tiêu lý tưởng nhưng nhiều giáo viên cho rằng sẽ khó thực hiện khi quỹ thời gian để chuẩn bị chỉ trong vòng 9 tháng
(HBĐT) - Cô giáo Mai Thị Xoan, hiệu phó trường tiểu học thị trấn Bo (TT Bo – Kim Bôi) phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các CVĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo như: “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”… và tiếp tục thực hiện chủ đề của năm học là “Đổi mới trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” nên nhà trường đã đạt được thành tích nổi bật. Năm học 2009 – 2010, trường vinh dự được UBND tỉnh trao lá cờ đầu của khối giáo dục tiểu học của tỉnh.
Ðể thích ứng các điều kiện tự nhiên - xã hội, con người cần hình thành được các kỹ năng sống (KNS). Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, lớp trẻ thường chỉ chú trọng trang bị cho mình những tri thức khoa học, ít chú ý việc trang bị các kỹ năng sống. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống có ý nghĩa quan trọng đối với hình thành nhân cách sống tốt cho mỗi người, góp phần phát triển giáo dục toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội. Trụ sở chính của trường đặt tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Đây cơ sở giáo dục đại học tư thục, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Ngày 21/12, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT, các ĐH, CĐ, TCCN, Học viện về việc đảm bảo an ninh, trật tự trường học trong dịp ngày nghỉ lễ, Tết sắp tới.