Vẻ đẹp nơi sân trường đã tiếp sức cho cô – trò dạy và học tốt hơn
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đa dạng hoạt động của các nhà trường, cùng với truyền thụ tri thức, chính là mục tiêu thiết thực mà các trường học ở Thái Bình hướng tới việc xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực.
Theo ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình: “Mục tiêu cuối cùng là phải thiết lập mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và cộng đồng trong công tác giáo dục học sinh”.
Nhà giáo là tấm gương
Có ý kiến cho rằng: Cái đích của cuộc vận động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực chính là sự phát triển hài hòa cả về nhận thức và nội dung, qua đó thể hiện dấu ấn riêng của mỗi trường học, mỗi địa phương. Bản sắc riêng chính là yếu tố quan trọng để tạo nên niềm kiêu hãnh của mỗi thầy cô giáo, học sinh về nơi mình gắn bó.”
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng - TP Thái Bình cho biết: Nhà trường rất chú trọng trong mục tiêu xây dựng trường học thân thiện trong trường mầm non. Xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường: giáo viên với giáo viên, giáo viên với trẻ, giáo viên với phụ huynh, giữa trẻ với trẻ, trẻ với những người chung quanh; chú trọng xây dựng môi trường xanh, sạch và an toàn (để bảo đảm sức khoẻ và tính mạng cho trẻ). Chú ý cho trẻ tham gia các trò chơi dân gian phát triển trí tuệ; quan tâm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn: kịp thời hỗ trợ và tìm giải pháp hỗ trợ cho giáo viên, học sinh. Đối với trẻ độ tuổi mầm non, việc giao tiếp ứng xử rất quan trọng: cô giáo là tấm gương đầu tiên cho trẻ học tập. Trẻ như một tờ giấy trắng, mọi lời nói, việc làm của giáo viên đều có ảnh hưởng tới trẻ: chúng tôi luôn hướng cho trẻ có lời nói đẹp, hành động tốt.
Thầy giáo Hà Tiến Lương - Hiệu trưởng trường THPT Nam Đông Quan – Đông Hưng – Thái Bình chia sẻ: “Sự thân thiện của giáo viên và học sinh là yếu tố khởi đầu cho mọi mối quan hệ khác trong trường học. Chính nhờ có sự thân thiện đó đã cải thiện tốt môi trường sư phạm trong nhà trường. Chúng tôi đặc biệt xem trọng vấn đề nhân cách và lối ứng xử từ phía giáo viên. Nhân cuộc vận động này chúng tôi nhắc nhở giáo viên phải tạo dựng được mối quan hệ tốt đối với học sinh, đặc biệt là những học sinh có cá tính. Giáo viên đã có chuyển biến, việc hành xử không tốt đối với học sinh giảm đi rất nhiều, đó là quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa học sinh với học sinh cũng tốt lên rất nhiều.
Theo tôi, nói là cuộc vận động, nhưng xét sâu xa nó là cả một quá trình hàng chục năm chứ không phải vài ba năm mà hoàn thiện được. Bắt đầu từ việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, ví như việc sĩ số học sinh theo quy định là 45/1 lớp nhưng nhà trường buộc phải bố trí 50/1 lớp (vì hoàn cảnh không cho phép), giáo viên khó trong quản lý và tổ chức các hoạt động. Trong điều kiện thực tế thì phải dần từng bước chứ không thể hoàn thành mục tiêu một cách nóng vội”.
Thân thiện để nâng cao chất lượng
Thầy Phạm Đức Trưng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đông Hưng Thái Bình cho rằng: “Thân thiện và tích cực trong nhà trường là một trong những nội dung hết sức quan trọng góp phần để nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng học tập của học sinh. Từ giáo viên đến học sinh, phụ huynh học sinh đều nhận thức rõ việc này. Sự thân thiện của thầy và trò từ giảng dạy, giao tiếp, săn sóc: để học sinh từ khá trở thành giỏi, từ trung bình lên khá. Thậm chí học sinh gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được quan tâm để có điều kiện học tập như các em bình thường. Việc chăm sóc học sinh để các em tự giác học tập, đam mê trong học tập chính là bí quyết góp phần nâng cao chất lượng. Khởi nguồn của phương pháp giáo dục này chính từ sự thân thiện giữa thầy và trò. Trên cái nền ấy nhà trường hướng tới phát triển mối quan hệ thân thiện đối với các phụ huynh và địa phương, phát huy sức mạnh của cuộc vận động này bằng việc góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc gần gũi chăm sóc để học sinh vươn lên trong học tập ngay trong từng tiết giảng.
Cô Phạm Thị Kim Liên – Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Bá, TP Thái Bình chia sẻ: “Cái khó nhất của trường là rèn luyện kỹ năng sống, bản thân chúng tôi thực sự cũng lúng túng. Dạy cái gì để học sinh nghe: cái gì của truyền thống cần học sinh phát huy, tiếp cận cái gì của cuộc sống hiện đại. Phát huy tính tích cực của học sinh như thế nào, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong khi tiếp cận với sự biến đổi của cả thế giới (qua internet). Chúng tôi yêu cầu học sinh tự vệ sinh lớp học: điều này giáo dục ý thức và việc giữ gìn vệ sinh môi trường của học sinh. Dạy và học phù hợp với học sinh, phát huy tính tích cực của học sinh. Học sinh bỏ thư vào hòm thư “điều em muốn nói”: Học sinh muốn giao lưu với người nước ngoài, muốn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh. Thầy cô chỉ là người hướng đạo, học sinh chủ động đưa ra kế hoạch và tự tổ chức hoạt động (Thể thao, Nhảy, Tiếng Anh, Múa hát dân gian, Trò chơi dân gian học sinh rất thích: trò chơi và văn nghệ). Phân công học sinh giúp đỡ nhau trong học tập: nuôi lợn siêu trọng- lợn đất tiết kiệm để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Phụ huynh sẵn sàng đóng tiền để thuê lao công dọn dẹp vệ sinh trong trường học để con không phải làm nhưng chúng tôi đề nghị để các em tự làm. Tự biết dọn vệ sinh trường lớp sẽ khiến học sinh yêu lao động, tạo ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Những tiết học về kỹ năng sống không chỉ bổ ích với học sinh mà còn tỏ ra thiết thực với ngay cả các bậc phụ huynh. Có những phụ huynh sau khi tham dự lớp học của TS Khanh về kỹ năng sống đã khóc và nói: “con họ thật thiệt thòi, vì các cháu chưa bao giờ được học những lớp học như thế!”.
Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 9A1 trường THCS Kỳ Bá (ảnh trên) cho biết: Từ khi nhà trường phát động thực hiện cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực em thấy rất vui vì được sống trong môi trường học tập xanh, sạch, đẹp. Điều mới mẻ nhất là việc đổi mới phương pháp dạy học giúp chúng em tiếp thu được nhiều kiến thức hơn, có điều kiện học hỏi - đối thoại với thầy cô hơn, qua đó gắn kết học sinh trong lớp, các lớp, các khối trong khối lại gần nhau hơn, cùng tham gia trò chơi dân gian, hòa đồng thân thiện với nhau hơn, có sự đoàn kết trong toàn nhà trường. Chúng em được học thêm rất nhiều về kỹ năng sống, kiến thức thực tế chứ không phải kiến thức trong sách vở, điều đó giúp chúng em ứng xử hoà đồng, thân thiện với nhau hơn. Em nghĩ rằng điều quan trọng nhất là từ ngôi trường của mình em có cơ hội hoàn thiện bản thân để vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
Theo ND
Giáo sư Ahn Kyong Hwan, ĐH Chosun, Hàn Quốc là một trong 5 người nước ngoài vinh dự được Nhà nước ta mời với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vì những đóng góp lớn lao với Việt Nam.
Một giáo viên đang nằm trong biên chế của trường huyện, bỗng dưng xin chuyển vào dạy hợp đồng cho một trường khác ở TP.Đồng Hới, rồi chỉ một thời gian ngắn lại nghiễm nhiên trở lại biên chế viên chức ở một trường tiếng tăm nhất nhì tỉnh, như chưa hề rời biên chế nhà nước.
Rất nhiều lỗi về nội dung kiến thức lẫn kỹ thuật biên soạn được phát hiện trong “Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra môn ngữ văn cấp THCS” của Bộ GD-ĐT.
Học sinh (HS) tiểu học luôn hiếu động nhưng không phải em nào cũng may mắn được học tập trong một ngôi trường có không gian rộng rãi để thỏa sức nô đùa. Điều này càng trở nên hiếm hoi ở các thành phố lớn.
Nhiều chậm trễ trong việc bù lại học phí cho HS, SV chính sách là lý do khiến thời gian qua đã có nhiều em gửi thư “kêu cứu” đến báo Dân trí. Tìm hiểu của PV cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nhanh 2 Nghị định và Thông tư của Chính phủ.