Không ít học sinh chưa đến tuổi vào lớp 1 nhưng đã đọc thông viết thạo, có khả năng ghi nhớ đặc biệt... Với những trường hợp này, nhiều phụ huynh liền nghĩ đến việc xin cho con được học vượt lớp, học trước tuổi cho phù hợp với khả năng con mình. Nhưng để học sinh diện này được phép học trước tuổi, vượt lớp, phải làm thế nào?

Học sinh giỏi năm học 2009-2010 ở Trường tiểu học Hanh Thông, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tâm lý các bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình học giỏi - Ảnh: H.HG.

Nhân Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định cho phép học sinh được học trước tuổi, vượt lớp, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông LÊ TIẾN THÀNH, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ông Thành nói:

- Luật giáo dục đã quy định tuổi của học sinh tiểu học từ 6-14 (tính theo năm), trong đó học sinh vào lớp 1 năm 6 tuổi. Tại điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành có quy định “Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”.

Có nghĩa những học sinh trong trường hợp này có thể từ lớp 1 học vượt lên lớp 3, lớp 4. Tuy nhiên, ở đầu vào lớp 1 vẫn phải đảm bảo đúng 6 tuổi như quy định của luật. Bộ GD-ĐT không cho phép học sinh không đủ 6 tuổi vào lớp 1. Và dù đã có quy định với trường hợp “phát triển sớm về trí tuệ” nhưng quan điểm của Bộ GD-ĐT vẫn không khuyến khích việc học trước tuổi, vượt lớp, nhất là ở bậc tiểu học, vì quyền lợi và trách nhiệm lâu dài trong suốt quá trình học tập của học sinh.

“Ở các bậc học cao, người học có thể tiết kiệm thời gian học nhờ năng lực tốt và nên có những cơ chế đặc biệt để nuôi dưỡng nhân tài; nhưng ở các bậc học dưới, không nên chạy theo kiểu học “rút ngắn tuổi thơ”. Thế nên tôi vẫn nhấn mạnh việc học vượt lớp, trước tuổi cần phải xem xét trên quyền lợi của trẻ”.

Vụ trưởng LÊ TIẾN THÀNH

* Vì sao Bộ GD-ĐT đã quy định cho phép học vượt lớp, trước tuổi nhưng lại không khuyến khích các trường hợp này?

- Việc quy định độ tuổi tương ứng với các chương trình học phải dựa trên cơ sở đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Vì vậy, nếu khuyến khích và sa đà vào việc “cho học trước tuổi, vượt lớp” rất có thể sẽ khiến học sinh như trái non bị ép chín.

Lát cắt giữa 5 và 6 tuổi với trẻ rất quan trọng. Nếu học sớm một năm trẻ sẽ bị rút ngắn tuổi thơ, bị “già sớm”, hiệu quả học tập chưa chắc đã tốt hơn mà trẻ lại bị thiệt thòi. Thiệt thòi đó không chỉ mang tính thời điểm mà có thể tác động đến cả quá trình học tập và đời sống của các em học sinh.

Vì thế, dù cho phép nhưng các bậc phụ huynh phải vô cùng thận trọng với việc học trước tuổi, vượt lớp của con.

* Theo quy định, những học sinh có thể lực tốt, phát triển sớm về trí tuệ có thể được phép học vượt mấy lớp, thưa ông?

- Việc này tùy thuộc năng lực tiếp thu và kiến thức của học sinh có được, đủ để học sinh học vượt lớp nhưng vẫn đáp ứng tốt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành.

Trên thực tế đã có những nghiên cứu cho thấy học sinh có trí tuệ phát triển đặc biệt có khả năng vượt ba lớp, riêng môn toán có khả năng vượt đến bảy lớp. Nhưng trường hợp như vậy không nhiều. Xét ở một khía cạnh nào đó, cho dù những học sinh đặc biệt này có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình học khi vượt lớp nhưng vẫn sẽ bị thiệt thòi ở một số mặt khác, ví dụ như việc hình thành nhân cách, sự phát triển thế giới nội tâm, những nhu cầu khác của cuộc sống... Nên khi quyết định cho học sinh học vượt lớp cần phải cân nhắc nhiều yếu tố.

* Như vậy làm cách nào xác định học sinh “phát triển sớm về trí tuệ”? Phụ huynh có con trong diện này phải làm gì để được cho phép?

- Để xác định phải có một hội đồng đánh giá năng lực của học sinh. Theo quy định trong điều lệ, hội đồng đánh giá học sinh sẽ bao gồm đại diện ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh, cô giáo chủ nhiệm lớp học sinh đang học, cô giáo chủ nhiệm lớp trên (mà học sinh sẽ chuyển đến), nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội...

Tuy nhiên, trên thực tế việc lập một hội đồng để “đo trí tuệ” học sinh làm cơ sở cho hiệu trưởng nhà trường cho phép học vượt lớp, trước tuổi là rất khó. Những người càng có trách nhiệm với học sinh càng khó quyết định. Vì quyết định cho một học sinh học vượt lớp là phải có trách nhiệm với cả quá trình phát triển sau này của học sinh.

Trong vấn đề này, vai trò của cha mẹ là quan trọng nhất, vì họ mới là người hiểu rõ nhất và theo dõi được lâu dài về sức khỏe, năng lực của học sinh. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ, nếu chắc chắn con mình có khả năng học vượt lớp, học trước tuổi thì có thể có đơn đề nghị với nhà trường. Căn cứ vào đơn đề nghị, nhà trường sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá.

* Trong thực tế có những đứa trẻ mới 4-5 tuổi, thậm chí 3 tuổi đã biết đọc, biết viết, biết làm toán và dư luận cho rằng đó là những “thần đồng”. Vậy những cháu bé như vậy có khả năng và nên cho học vượt lớp?

- Chúng ta không nên lạm dụng khái niệm “thần đồng”. Nhiều năm gần đây, việc trẻ chưa đến 6 tuổi biết đọc thông viết thạo, biết làm các phép tính đơn giản khá nhiều, có thể do bố mẹ dạy học hoặc thuê người dạy, có thể do tiếp xúc với thế giới xung quanh và tự tiếp thu, nhưng như thế chưa phải là “phát triển sớm trí tuệ”. Dĩ nhiên, những đứa trẻ “biết sớm” nhiều khả năng là những đứa trẻ thông minh, trí nhớ tốt, óc quan sát tốt. Nhưng nếu vin vào đó để nôn nóng cho con học vượt lớp thì vô hình trung có thể làm triệt tiêu những mầm non khỏe mạnh.

Ở các bậc học trên, năng lực của học sinh được phân hóa rõ hơn, việc đánh giá năng lực của mỗi cá nhân học sinh cũng có cơ sở thực tiễn đáng tin cậy hơn thì việc quyết định cho học vượt lớp, trước tuổi bớt nhầm lẫn hơn, thế nhưng cũng nên thận trọng. Một học sinh lớp 11 giỏi toán được bổ sung kiến thức để đi thi học sinh giỏi lớp 12 khác hẳn những học sinh học vượt lớp, phải “vượt” ở 13 môn học và phải tự lấp đầy những khoảng trống về kiến thức đời sống để sống cùng thế hệ lớn hơn mình.

                                                                             Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Sinh viên tự cứu mình trong mùa bão giá

Đối với sinh viên, mỗi lần tăng giá là mỗi lần khổ. Do vậy, để đối phó với tăng giá, các bạn đã tự tìm ra nhiều cách để cứu lấy mình.

Tư vấn tuyển sinh 2011: Có nên thi thử nhiều lần?

Ghi trong hồ sơ ĐKDT ghi theo nguyên quán hay nơi ở hiện tại? ĐH Dầu khí có ưu tiên cộng điểm cho con em trong ngành? Thi thử 5 lần rồi điểm vẫn thấp có nên thi thử nữa không? Có xác nhận được nơi cơ quan thay hộ khẩu không?

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó huyện Yên Thuỷ

(HBĐT) - Ngày 31/3, tại Huyện uỷ Yên Thuỷ, đồng chí Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và đại diện Công ty TNHH Vinafor Tân Hoà An trao 20 xuất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Mỗi xuất học bổng trị giá 1 triệu đồng. Cùng dự có đại diện Sở KH&CN, huyện uỷ, UBND, các ban, ngành, đoàn thể, thầy cô giáo các trường của huyện Yên Thuỷ…

Ưu tiên nữ sinh ở nội trú

Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo về Quy chế công tác học sinh, sinh viên nội trú các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Về đối tượng ưu tiên tiếp nhận ở nội trú sẽ ưu tiên học sinh, sinh viên nữ.

300 đội tham dự Ngày hội Robocon Việt Nam 2011

Trong Ngày hội Robocon Việt Nam 2011, dự kiến có gần 300 đội tới từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối kỹ thuật tham dự, với 3 vòng loại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, diễn ra từ 2/4 đến 10/4/2011.

Ôn thi sao cho hiệu quả

Ôn thi là thời gian khó khăn và "khổ sở" nhất. Bởi vì, trong một giai đoạn ngắn học sinh phải tiếp thu, sắp xếp với một khối lượng kiến thức lớn, nhiều môn. Vậy, làm thế nào để ôn thi có hiệu quả nhất trong thời gian nước rút?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục