Bộ Y tế cho biết, thời điểm hiện nay là cao điểm dịch sốt xuất huyết, số mắc gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại miền Trung.
Điều trị
cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang.
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 16/6, cả nước ghi nhận
hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ. Con số này tăng thêm
khoảng 8.000 ca so với 1 tuần trước đó.
Dự báo số mắc mới sốt xuất huyết đang trong xu hướng tăng, đặc biệt là tại các
tỉnh thành phía Nam (hiện mỗi tuần có thêm 6.000 - 8.000 ca mắc mới).
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn
biến phức tạp và hiện chưa đạt đỉnh. Cụ thể, qua biểu đồ diễn tiến ca mắc theo
tuần, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu
năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so
với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người
lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Lý giải về việc này, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám,
chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: "Qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên
nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh
nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi
chuyển nặng mới nhập viện".
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, sốt xuất
huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa 3 yếu tố: thứ nhất là tác nhân gây
bệnh ở đây là virus sốt xuất huyết; thứ hai là véc tơ tức là muỗi vằn và thứ ba
là khối cảm thụ, tức là con người. "Đối với vec tơ truyền bệnh là muỗi
vằn, chúng ta phải kiểm soát các vật dụng chứa nước và chứa đồ linh tinh khiến
cho loăng quăng và bọ gậy phát triển", Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cho
biết.
Trong
thời gian qua, để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan
rộng, kéo dài, ngay từ cuối tháng 4/2022, Bộ Y đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND
các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.
Tiếp sau đó, giữa tháng 5/2022, Bộ Y tế lại có công điện gửi Chủ tịch UBND các
tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2022,
trong đó nhấn mạnh đến dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh
truyền nhiễm khác.
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã liên tiếp có 2 văn
bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện đầu ngành đề nghị tăng cường
phòng chống sốt xuất huyết.
Đối với các địa phương, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành
thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt
xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt
xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh
sốt xuất huyết".
Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện trên thành lập ngay các đoàn công
tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các
tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập
trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất
huyết.
Các viện tổ chức phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất
huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ
trách; Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng,
chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các viện hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh
nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh
bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và
phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của
Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch
diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết,
phối hợp thực hiện.
Song song với chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai mạnh mẽ công
tác truyền thông cao điểm trong tháng 6-7/2022 hưởng ứng ngày ASEAN phòng,
chống sốt xuất huyết, các đơn vị vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa
nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và
diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết...
Các viện
phải tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ
thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông
cho cán bộ y tế dự phòng.
Cùng với đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất
huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19 cho gần 1.000 y bác sĩ. Đồng thời
yêu cầu các bện viện tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue
đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ
cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có
diễn biến nặng lên.
Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về điều trị sốt
xuất huyết cho các nhân viên y tế để nâng cao hiệu quả điều trị sốt xuất huyết.