Kể từ khi xuất hiện (năm 2019), vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và tạo ra nhiều đột biến. Các đột biến giúp vi-rút dễ dàng bám dính vào các thụ thể tế bào người, từ đó xâm nhập, lây nhiễm nhanh hơn và thay thế cho biến chủng lưu hành trước đó. Trong xu thế đó, Omicron là biến thể gây bệnh phổ biến nhất hiện nay. Biến thể này đã có nhiều đột biến và hình thành nhiều nhánh phụ, gồm BA.1, BA.2, BA.3 và gần đây nhất là BA.4 và BA.5. Hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 được đề cập cùng nhau bởi vì các đột biến trong gien protein đột biến của chúng giống hệt nhau, mặc dù chúng khác với các đột biến được tìm thấy ở những nơi khác.
Biến chủng mới BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 1/2022, sau đó lan sang nhiều quốc gia trên thế giới. BA.5 mang nhiều thay đổi trên protein gai ở đột biến L452R, F486V khiến độ bám của vi-rút vào tế bào của vật chủ nhanh và dễ dàng hơn. Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch Covid-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu. Tại nhiều quốc gia, hai biến thể này đã chiếm ưu thế, gây ra những lo ngại làn sóng lây nhiễm mới.
Theo thông báo của Bộ Y tế, Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 trong cộng đồng (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ), các ca nhiễm có thể tiếp tục tăng. Mặt khác, kháng thể bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian chưa tính đến một số đối tượng chưa tiêm đủ liều làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Ngày 4/7/2022, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận bốn trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, gồm 3 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.4 và một trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5. Đây là những mẫu bệnh phẩm tầm soát ngẫu nhiên từ ngày 13 đến 22/6 là người dân Việt Nam trong cộng đồng, hiện có sức khỏe ổn định. Lưu ý rằng, số lượng người bệnh được lấy mẫu làm giải trình tự rất ít, khi xác định được các trường hợp mang biến thể mới này thì cộng đồng thực tế đã có nhiều trường hợp nhiễm.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3, tuy nhiên đang có sự tăng trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Ngày 20/7, ghi nhận 1.161 ca mắc Covid-19, cao nhất trong 47 ngày qua. Số mắc tăng trong thời gian qua là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc thời gian tiêm vắc-xin đã rất xa, người dân chủ quan không áp dụng biện pháp phòng dịch khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương. Người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vắc-xin suy giảm thì sẽ nhiễm lại. Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng thoát được miễn dịch do những lần nhiễm cũ; những người đã mắc các chủng trước đây như alpha, delta hay biến thể phụ Omicron BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là việc đeo khẩu trang, trong khi khẩu trang vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là cần thiết, nhất là khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Đặc biệt, khi vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người có triệu chứng thì càng cần phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, những người có triệu chứng cũng cần tuân thủ đeo khẩu trang tuyệt đối để tránh lây tiếp cho người khác, nhất là nhóm nguy cơ như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh lý nền.
Đến thời điểm này, đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã qua được bốn tháng, cũng là thời điểm mà hiệu lực của vắc-xin bắt đầu suy yếu. Trong khi đó biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Để không tạo ra một lỗ hổng miễn dịch, tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 vẫn là yếu tố then chốt. Tuy nhiên không phải ai cũng có nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại bởi theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi cả nước ước đạt 69,9%, nhiều địa phương thậm chí chưa đạt 50%, tiêm nhắc mũi 4 cả nước mới đạt 30%; đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, có đến 25 tỉnh, thành phố thậm chí không đạt 10%.
Biến thể phụ BA.5 dù chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của nó mạnh hơn nhưng khi tốc độ lây lan nhanh cộng thêm hiệu lực của vắc-xin suy yếu sau từ 4 đến 6 tháng mà không được nhắc lại, tỷ lệ tiêm vắc-xin nhắc thấp sẽ tạo ra những lỗ hổng phòng dịch để dịch dễ dàng tấn công trở lại gây quá tải hệ thống y tế và nguy cơ tỷ lệ tử vong sẽ tăng.
Theo nghiên cứu "Antibody evasion by SARS-CoV-2 Omicron subvariants BA.2.12.1, BA.4 và BA.5” của Wang và cộng sự đăng trên tạp chí Nature cho thấy biến thể BA.4 và BA.5 có khả năng kháng lại các loại vắc-xin RNA bao gồm cả vắc-xin của Pfizer và Moderna. Sự nguy hiểm của biến thể này ở điểm tốc độ lây lan của chúng rất nhanh, khả năng cao là sẽ thay thế biến thể BA.1 và BA.2 hiện tại. Theo những công bố của Tổ chức Y tế thế giới, việc gây bệnh nặng và khiến cho các ca tử vong tăng lên của BA.5 không bằng Delta song chúng lại có khả năng tấn công, gây lây nhiễm cho những người từng mắc Omicron và những biến chủng trước đó. Điều này có nghĩa, nếu một người từng mắc các biến chủng của Omicron, người đó vẫn không có khả năng miễn dịch với các biến chủng mới này. Chính vì vậy, vi-rút rất có thể gây ra một làn sóng dịch khác. Các chuyên gia cho rằng, chúng còn sẽ tiến hóa nhiều hơn khiến nhiều người có thể mắc bệnh tới ba hoặc bốn lần cùng với những triệu chứng kéo dài không dứt.
Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh châu Âu đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm. Các mũi nhắc lại là rất cần thiết bởi miễn dịch tạo bởi các mũi tiêm cơ bản sẽ bị suy giảm hiệu quả trong vòng 6 tháng đặc biệt là khi biến thể mới xuất hiện.
Các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi-rút SARS-CoV-2. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng. Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng lượng kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc tình trạng nặng phải nhập viện, nhất là khi các biến thể mới có thể liên tục xuất hiện trong tương lai.
Tổ chức Y tế thế giới đã đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát. Một số quốc gia trên thế giới siết lại hoạt động kiểm soát dịch như rà soát hộ chiếu vắc-xin, kiểm soát xét nghiệm, truy tìm và xác minh biến thể mới… Tại Việt Nam, việc đưa ra chiến lược mở, không coi Covid-19 là bệnh lưu hành địa phương nhưng tạo điều kiện tối đa cho mở cửa và phát triển kinh tế đã giúp nền kinh tế hồi phục đà tăng trưởng. Để những cố gắng đó không là vô ích, sự vào cuộc của người dân trong việc dự phòng và khống chế dịch là hết sức quan trọng. Trong đó, việc tiêm đủ mũi vắc-xin có vai trò then chốt, tiếp theo là giữ sức khỏe cho bản thân và người khác, tránh đến nơi đông người, nếu thấy có bất thường về sức khỏe hoặc tiếp xúc với người đã xác định dương tính.
TheoNhanDan