Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên (HSSV). Trong những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày một khang trang.
Tại Trường TH&THCS Dũng Phong, xã Dũng Phong (Cao Phong), cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường quan tâm đến công tác YTHĐ để chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho giáo viên và học sinh. Cô giáo Đinh Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, nhà trường đã kiện toàn Ban CSSK học sinh theo đúng quy định. Nhân viên YTHĐ phối hợp Tổng phụ trách đội thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh luôn sạch sẽ. Nhà trường có Phòng Y tế, nhân viên y tế trực hàng ngày thực hiện sơ cứu trường hợp học sinh bị bệnh thông thường, tai nạn thương tích và chuyển tuyến những học sinh bị ốm nặng, thông tin liên lạc với gia đình học sinh khi cần thiết. Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo nhân viên y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ đầu năm học cho học sinh, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đảm bảo. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia, có ý thức tìm hiểu thêm về bệnh tật học đường, bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, công tác CSSK ban đầu cho học sinh nhà trường được đảm bảo.
Theo thống kê, ngành GD&ĐT toàn tỉnh có 520 cơ sở giáo dục, gồm 222 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 27 trường THCS, 194 trường TH&THCS, 36 trường THPT, 11 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT, 1 trường cao đẳng sư phạm, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 1 trường phổ thông liên cấp tư thục và các cơ sở giáo dục khác. Thực hiện chỉ đạo của ngành, 100% đơn vị, trường học trong năm học đều kiện toàn Ban CSSK học sinh trong nhà trường; xây dựng kế hoạch hoạt động YTHĐ và tổ chức thực hiện, lưu hồ sơ theo quy định. 100% nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế và tổ chức khám chuyên khoa cho học sinh theo quy định. Các nhà trường quan tâm tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất như: Phòng Y tế, công trình nước sạch, nhà vệ sinh; đảm bảo danh mục trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu; vệ sinh môi trường, vệ sinh trường học, phòng học, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, thiết bị, ánh sáng, xử lý rác... theo Thông tư liên tịch số 13, ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ GD&ĐT.
Nhờ đó, công tác CSSK, phòng chống dịch bệnh trong trường học được đẩy mạnh. Các trường tổ chức hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống một số dịch bệnh, bệnh tật học đường, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế (BHYT), kỹ năng sống và tuyên truyền về hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe... Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo đảm an toàn thực phẩm. 100% trường học tổ chức ăn bán trú triển khai các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh.
Toàn ngành không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các nhà trường. Hàng năm, Sở GD&ĐT chủ động, tích cực phối hợp BHXH tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, trường học trong việc triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 95,2%; năm học 2022 - 2023 đạt 93,7%; năm học 2023 - 2024 đạt 96,2%, phấn đấu đến năm 2025, 100% HSSV tham gia BHYT.
Xác định nhà trường là nơi tập trung nhiều học sinh, sinh hoạt, học tập trong khoảng không gian hạn chế của trường học và phòng học. Đây là những yếu tố nguy cơ xảy ra các loại tai nạn thương tích, bệnh tật phát sinh, lây nhiễm. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh được ngành GD&ĐT tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Hương Lan