Ngày 21/10, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Y tế, Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em tàn tật (đơn vị thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hoà Bình. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh và đại diện đơn vị tổ chức trao quà cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đến khám sàng lọc tại chương trình.
Trẻ em khuyết tật khám sàng lọc tại chương trình.
Diễn ra từ ngày 21 - 25/10, chương trình do đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh... thực hiện. Tại chương trình có trên 200 trẻ em khuyết tật trong tỉnh được khám sàng lọc về tiết niệu - nam học, tai - mũi - họng, mắt, chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt, ung bướu. Kết quả sau khám sàng lọc, khoảng 100 trường hợp được chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do mắc các dị tật như: tai - mũi - họng, mắt, chỉnh hình, tiết niệu, ung bướu, răng hàm mặt; trên 20 trường hợp được chuyển lên một số bệnh viện tuyến Trung ương để phẫu thuật và điều trị. Những trẻ em được chỉ định phẫu thuật sẽ được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí, tiền đi lại, sinh hoạt và những chi phí ngoài mức bảo hiểm y tế chi trả.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em tàn tật và các chuyên gia y tế đã trực tiếp kết nối, hỗ trợ cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hoà Bình. Đồng thời nhấn mạnh đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của xã hội với trẻ em, giúp trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Qua đó, mang lại sự tự tin, xoá bỏ mặc cảm, hoà nhập, tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ để thực hiện phẫu thuật cho các trẻ được chỉ định sau hội chẩn; hướng dẫn thực hiện chuyển tuyến đối với những bệnh nhân không phẫu thuật được tại địa phương đi các bệnh viện tuyến trên đảm bảo quyền lợi chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Mong muốn các chuyên gia y tế quan tâm, hướng dẫn, trợ giúp kỹ thuật cho đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian thực hiện phẫu thuật, thời gian chăm sóc sau phẫu thuật cho trẻ…
Dịp này, Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em tàn tật và tổ chức HVNC (Helping Vietnam Children) đã tặng 200 suất quà với tổng giá trị 20 triệu đồng cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đến khám sàng lọc. Ngoài ra, Trung tâm II tặng 4 xe lăn và 6 máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật.
L.N
Tại lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes vừa tổ chức, Ban tổ chức đã vinh danh 45 tổ chức, giải pháp CĐS xuất sắc trong toàn quốc. Vượt qua hàng trăm đơn vị, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã giành giải ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc với giải pháp "Bệnh án điện tử (EMR) thay thế hồ sơ bệnh án giấy". BVĐK tỉnh là đơn vị tiên phong trong thực hiện CĐS của ngành Y tế Hòa Bình.
- Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời tổ chức thực hiện chính sách khi chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Đa số người dân ủng hộ chủ trương thực hiện kê đơn, cấp thuốc dài ngày cho người bệnh mãn tính để giảm thời gian đi lại khám bệnh, giảm thủ tục hành chính.
Bệnh nhân B.Q.V ở huyện Tân Lạc vừa được xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với chẩn đoán máu tụ nguyên phát ngoài màng cứng tuỷ sống cổ. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn. Đáng chú ý, bệnh nhân còn rất trẻ khi mới tròn 15 tuổi.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01, ngày 16/11/2020 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Mai Châu về tăng cường lãnh đạo phòng, chống tảo hôn (PCTH) giai đoạn 2020 - 2025, đến nay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.