Tình hình bệnh tay - chân - miệng đã có chiều hướng giảm.

Tình hình bệnh tay - chân - miệng đã có chiều hướng giảm.

Vừa qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn tại điểm cầu Hà Nội, Bộ Y tế đã họp trực tuyến với 8 địa phương trọng điểm về bệnh tay - chân - miệng (TCM). Tại cuộc họp, các địa phương cùng các chuyên gia đều cho rằng chưa cần thiết phải công bố dịch TCM…

 
Địa phương đề nghị không công bố dịch

Ngay khi bắt đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã yêu cầu các tỉnh trọng điểm khu vực phía Nam là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa VũngTàu, Bến Tre, Tiền Giang và 2 tỉnh thành phía Bắc là TP. Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa báo cáo tình hình bệnh TCM để Bộ Y tế xem xét kỹ trước khi quyết định công bố hay không công bố dịch. Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, TS.BS. Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh TCM bùng phát tại thành phố vào cuối tháng 3 và đỉnh cao nhất của bệnh là tuần thứ 23-25, với hơn 500 ca mắc/ tuần; ngày có số mắc nhập viện cao nhất lên đến 101 ca/ngày; bệnh tập trung ở quận 7, quận 8, Bình Tân và quận Tân Phú... Tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng giảm, còn khoảng 230 ca/tuần. Trong 4 ngày gần đâynhất, mỗi ngày chỉ còn 50 ca nhập viện. Cũng theo BS Thanh, để chủ động và nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống bệnh TCM, TP. Hồ Chí Minh đã xuất trên 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy thở, dịch truyền và cấp xuất đến thời điểm này khoảng 70 tấn chloramin B cho các quận, huyện. “Từ thực tế của bệnh TCM, chúng tôi nhận thấy, bệnh đang có xu hướng giảm. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế và các bệnh viện đã họp xem xét và nhận thấy TP.Hồ Chí Minh chưa phải công bố dịch. Trên cơ sở đó, Sở đã báo cáo UBND thành phố và UBND cũng quyết định chưa công bố dịch”- bác sĩ Phạm Việt Thanh cho biết.

Đại diện tỉnh Đồng Nai, địa phương có số ca mắc TCM nhiều thứ hai ở khu vực phía Nam (sau TP.Hồ Chí Minh) với 3.681 ca mắc, 17 trường hợp tử vong cho biết, mấy tuần trước đây, ngày nhiều nhất toàn tỉnh có tới 50 trường hợp mắc bệnh, nay số ca mắc đã giảm một nửa nên tỉnh chưa có chủ trương công bố dịch. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đã tạm trích kinh phí trên 1 tỷ đồng để bước đầu phục vụ công tác phòng chống dịch TCM tại địa phương.

 
Cũng tương tự như 2 tỉnh, thành trên, báo cáo khá chi tiết diễn biến của bệnh TCM từ các tỉnh trọng điểm về bệnh tại hội nghị cho thấy, tình hình bệnh đã có chiều hướng giảm trong 3 tuần gần đây, cá biệt có tỉnh 6 tuần trở lại đây số người mắc bệnh TCM có xu hướng giảm. Tại các địa phương, công tác phòng chống dịch và các giải pháp phòng chống dịch bệnh TCM khá hiệu quả… Do đó, tất cả 8 tỉnh, thành trọng điểm đều cho rằng chưa thấy cần thiết phải công bố dịch tại địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế đến ngày 23/8, cả nước đã ghi nhận trên 35.623 trường hợp mắc bệnh TCM tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 83 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành...Số mắc gia tăng liên tục từ tháng 5/2011, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc.

Để chủ động phòng chống bệnh TCM cho trẻ em, chiều ngày 22/8 Bộ Y tế đã ra thông điệp truyền thông phòng, chống bệnh TCM.

Tuyệt đối không được lơ là và coi thường diễn biến phức tạp của dịch TCM trong thời gian tới

Là một trong những bệnh viện tham gia điều trị bệnh TCM của khu vực phía Nam, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, phác đồ điều trị bệnh TCM do Bộ Y tế ban hành mới đây thích ứng cho công tác điều trị. Tuy nhiên, ngay trong ngày 19/8, Sở Y tế thành phố đã điều động chuyên gia của các Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Bệnh viện Nhiệt đới để họp và lên phương án sẵn sàng ứng phó với tình hình khẩn cấp khi bệnh nhân mắc TCM có thể gia tăng hơn nhiều lần so với hiện nay. Cũng theo đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1, với kinh nghiệm điều trị, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với BV Nhi Đồng 2 sẽ tiếp tục tập huấn sâu về điều trị bệnh cho các cán bộ y tế chuyên khoa cả nước về điều trị bệnh TCM.

Phân tích của PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW tại cuộc họp cho biết, trong 182 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại Viện từ đầu năm đến nay có 40% dương tính với chủng EV71 và chủng virut EV71 ghi nhận ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn là phân týp từ C1 đến C5 chưa có sự biến đổi virut học. Bên cạnh đó chúng ta cũng cơ bản kiểm soát được bệnh TCM. “Đối chiếu với Quyết định 64 của Thủ tướng thì tình hình hiện nay về bệnh TCM chưa đủ điều kiện để công bố dịch” - Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển khẳng định.

 Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng tại BV Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuân Nguyễn

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhất trí với ý kiến của các địa phương có số mắc TCM cao, hiện chưa có địa phương nào có đủ điều kiện để công bố dịch TCM trên địa bàn và yêu cầu các địa phương thực hiện báo cáo giám sát tình hình dịch TCM hằng ngày theo quy định công tác phòng chống dịch nhóm B; tuyệt đối không được lơ là và coi thường trước diễn biến hết sức phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong thời gian tới. Từ thực tế của công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, chính quyền các địa phươngtrọng điểm về bệnh TCM đã dành kinh phí, đã cùng vào cuộc với ngành y tế tham gia phòng, chống bệnh. Tuy nhiên các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm tinh thần Nghị quyết 18 của Quốc hội về việc phải dành kinh phí ít nhất 30% ngân sách cho công tác y tế dự phòng, có như thế mới nâng cao hiệu quả của công tác y tế dự phòng.

Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Bộ Y tế về diễn biến của dịch TCM tại địa phương mình. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh TCM, coi đây là nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm 2011. Trước ngày 25/8, các địa phương phải gửi kế hoạch phòng, chống bệnh TCM cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia trong đó có nhiệm vụ của các cấp chính quyền và ban ngành, đoàn thể. Cục Y tế dự phòng báo cáo ngay những địa phương không gửi kế hoạch, không minh bạch số mắc, số tử vong do bệnh TCM để Bộ Y tế báo Thủ tướng Chính phủ hàng tuần…
 

Thông điệp truyền thông phòng, chống bệnh TCM

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do virus EV71 gây ra, hiện chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
 
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Trẻ ốm phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Thu gom xử lý phân bằng chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp. Luộc sôi hoặc ngâm dung dịch cholramin B (0,5%) quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt

2. Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát.

3. Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng.

4. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloramin B.

5. Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 
 
                                                               Theo SKĐS

 

Các tin khác


Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài 1: Nguy cơ thường trực

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp tại các địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thậm chí có người đã tử vong.

Lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật trong phổi của bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Hiện tại, sức khoẻ của bệnh nhân tạm ổn định và đang được tiếp tục điều trị, chăm sóc. 

Những lá thư khen ngợi - lời tri ân của người bệnh đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được nhiều thư khen của người bệnh và người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Những lá thư cảm ơn mộc mạc, lời tri ân chân tình là động lực giúp đội ngũ y, bác sỹ vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực, quyết tâm hơn trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục