Chúng tôi rời quân cảng Cam Ranh vào cuối giờ chiều khi mặt trời đã chìm dần phía xa xa. Biển về đêm chỉ nghe tiếng sóng vỗ, xung quanh là màn đêm bao phủ. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi bắt gặp ánh sáng từ cách vài hải lý. Lần đầu đi biển nên ai cũng tò mò, nguồn sáng rực đó phát ra từ đâu. "Ngọn hải đăng đảo Đá Lát đấy. Đi biển mà thấy hải đăng là như thấy nhà mình. Những ngư dân ra khơi đánh bắt cứ theo ngọn hải đăng mà đi thì không sợ bị mất phương hướng” - một đồng nghiệp cùng đoàn giải thích với chúng tôi.
Ngoài Trạm Hải đăng Đá Lát, ở quần đảo Trường Sa còn có 8 ngọn hải đăng ở các đảo: Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Song Tử Tây. Cán bộ, chiến sỹ tại các trạm trực 24/24h mỗi ngày. Anh Ngô Văn Chương, Trạm trưởng Trạm Hải đăng An Bang cho biết: Hàng ngày, vào thời gian quy định cụ thể, chúng tôi thông tin về các hoạt động của tàu thuyền và sự thay đổi của thời tiết trên biển để trung tâm ở đất liền nắm bắt và dự báo, cảnh báo kịp thời cho tàu thuyền qua lại khu vực.
Hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật, tắt khi trời tối. Đèn phát ánh sáng trắng, mỗi chu kỳ chớp kéo dài 10 giây. Khi năng lượng yếu thì phải dùng máy nổ, máy phát điện vận hành trong mọi điều kiện, kể cả mưa bão kéo dài. "Giữa biển cả, khí hậu rất khắc nghiệt nên công tác bảo trì, bảo dưỡng để vận hành hải đăng là rất quan trọng. Các thiết bị phải được bảo quản hàng ngày, thiết bị sạch thì mới hấp thụ tốt năng lượng và làm cho đèn sáng hơn, tàu thuyền dễ nhận biết hơn dù cách xa cả chục hải lý” - anh Chương chia sẻ.
Cũng như những người lính đảo ở Trường Sa, những "người giữ đèn” gắn bó với đảo, yêu đảo và làm công việc thầm lặng giữa biển khơi với niềm vinh dự, tự hào. Có những người đã công tác ở tất cả các trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa.
Góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo
Anh Vũ Duy Minh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa đã dành nửa cuộc đời gắn bó với những ngọn hải đăng. Hơn 20 năm công tác thì có đến quá nửa thời gian anh cùng đồng nghiệp đón Tết ở đảo xa. "Nơi biển cả khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống của anh em tại các trạm hải đăng cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong những ngày Tết, ai cũng muốn được sum họp với gia đình. Thế nhưng, chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ làm hoa tiêu soi đường cho các phương tiện trên biển, cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của dân tộc” - anh Minh tâm sự.
Tại Trạm Hải đăng An Bang, chúng tôi gặp anh Lê Tuấn Anh, 30 tuổi, quê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình). Qua trò chuyện được biết, ngoài nhiệm vụ giữ đèn, công việc giữa trùng khơi này đã cho các anh cơ hội được gặp gỡ những ngư dân vươn khơi, bám biển, coi biển là nhà. Vì thế, nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào.
Giữa ngàn khơi bao la, Tuấn Anh, anh Minh, anh Chương và những "người giữ đèn" khác đang ngày đêm thầm lặng làm nhiệm vụ để mỗi ngọn hải đăng mãi mãi là mắt thần canh biển, đảo phía đường biên Tổ quốc. Chia tay các anh, tạm biệt những ngọn hải đăng sừng sững giữa trùng khơi, chúng tôi hiểu rằng, ánh sáng không bao giờ tắt đó không chỉ làm nhiệm vụ hoa tiêu soi đường, mà còn là lời khẳng định vững chắc về chủ quyền biển, đảo của nước ta ở Biển Đông.
Thấy hải đăng là thấy nhà. Ảnh: Trạm Hải đăng đảo Đá Tây.
Viết Đào