(HBĐT) - Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch, xây dựng nông thôn mới (NTM) đang là hướng đi đầy triển vọng. Những năm gần đây, nhiều địa phương và các doanh nghiệp, HTX, trang trại trong tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn (NN, NT). Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác, giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu cho tổ chức, cá nhân và đóng góp cho kinh tế địa phương, mà đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nhiều miền quê.


Hồ Hoà Bình có nhiều hòn đảo lớn, nhỏ được ví như vịnh Hạ Long, làm say lòng du khách.

Vùng đất giàu tiềm năng

Loại hình du lịch NN, NT dựa chủ yếu vào việc khai thác những giá trị cốt lõi của hoạt động sản xuất nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa cộng đồng nông thôn để trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đối với tỉnh ta, đó là tiềm năng lớn cần được đánh thức, bởi địa hình của tỉnh được chia thành nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau. Khu vực núi cao thuộc các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc có khí hậu mát quanh năm. Khu vực xung quanh hồ thủy điện Hòa Bình khí hậu tương đối mát mẻ, mưa nhiều. Ở khu vực đồi thấp phía Nam có khí hậu đặc trưng vùng nhiệt đới gió mùa. Từ đặc điểm này đã giúp tỉnh có nhiều vùng sinh cảnh nông thôn đặc thù, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới. Riêng vùng núi cao có thể phát triển cây trồng nguồn gốc ôn đới mà ít địa phương trong cả nước có được.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 88.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, đất trồng cây ăn quả có múi tập trung đạt 4,7 nghìn ha; cây mía tím, mía ép nước trên 6,5 nghìn ha; diện tích rau các loại trên 11 nghìn ha. Tỉnh có diện tích mặt nước khá lớn, nhờ đó đã phát triển trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu ở vùng hồ Hòa Bình. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đã hình thành nhóm sản phẩm chủ lực, có tiếng, tác động chi phối thị trường, như: cam Cao Phong, Lạc Thủy; bưởi Tân Lạc, Yên Thủy; cam, bưởi Mường Động; tôm, cá sông Đà; mía tím Hòa Bình... Những vùng sản xuất tập trung, ngút ngàn cây trái của các trang trại, gia trại, nhà vườn, HTX đã làm mê đắm, cuốn hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Phát huy thế mạnh của vùng trồng cam nổi tiếng, những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo kết hợp giữa sản xuất và du lịch. Với loại hình này không thể không nhắc đến HTX 3T nông sản Cao Phong ở thị trấn Cao Phong (3T Farm). Đến thăm các nhà vườn vào vụ thu hoạch, du khách bị lôi cuốn bởi những vườn cam vàng ruộm, trĩu quả; được thảnh thơi thưởng thức những trái cam ngọt thơm, mọng nước; là điểm lý tưởng để lưu lại những bức ảnh đẹp và tìm hiểu quy trình sản xuất sạch. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Với hướng đi của mình, HTX đã được đón nhiều khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm tại vườn và để lại ấn tượng đẹp. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là cơ hội tiếp cận khách hàng có mức thu nhập khá trở lên, HTX luôn thực hiện tốt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, đặc biệt đã chọn 20% diện tích canh tác để dịch chuyển sang hướng hữu cơ, không dùng thuốc diệt cỏ, phương châm là sản xuất đi đôi với bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ thiên nhiên. Với cách làm này, 3T Farm đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Tìm hiểu về du lịch NN, NT của tỉnh không thể bỏ qua thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống với dân số trên 85 vạn người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,31% với các dân tộc chính là Mường, Thái, Tày, Dao, Mông còn mang đậm bản sắc văn hoá tốt đẹp, phong tục tập quán đặc trưng được giữ gìn, phát huy. Chính từ các làng, bản xinh xắn, ấm cúng, giàu bản sắc của đồng bào đã hình thành loại hình du lịch hấp dẫn du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài, bởi đã tạo ra sự khác biệt rất lớn của sản phẩm du lịch nông thôn với du lịch đô thị. Hiện, toàn tỉnh có nhiều bản du lịch cộng đồng nổi tiếng và trên 150 homestay du lịch cộng đồng.

Song song với đó, Hoà Bình được thiên nhiên ưu đãi với địa hình núi đá vôi trùng điệp, tạo nên nhiều hang động đẹp, như: quần thể hang núi Đầu Rồng (Cao Phong), quần thể hang động chùa Tiên (Lạc Thuỷ); động Ngòi Hoa, Nam Sơn (Tân Lạc), động Trung Sơn (Lương Sơn). Tỉnh còn giữ gìn được những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, như các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Hang Kia - Pà Cò… Đặc biệt, vùng hồ Hoà Bình có 47 hòn đảo lớn, nhỏ, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình đã tạo không gian được ví như vịnh Hạ Long. Từ thế mạnh này đã mở ra những tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm rất được ưa thích, nhất là với các bạn trẻ và khách nước ngoài.

Hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hiện nay, hệ thống loại hình, sản phẩm du lịch NN, NT từng bước được các địa phương khai thác, mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng đã đáp ứng nhu cầu thăm quan của du khách, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch NN, NT đã tác động tới ý thức xây dựng môi trường văn minh, xanh - sạch - đẹp, cũng như bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nhằm tạo sự khác biệt để thu hút khách du lịch. Minh chứng rõ nét cho nhận định này là trong nhiều năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh đã duy trì tốt nhiều lễ hội truyền thống, phục dựng một số lễ hội đặc trưng của dân tộc như: Khai hạ Mường Bi; lễ hội đền Chúa thác Bờ, huyện Cao Phong - Đà Bắc; lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy); lễ hội Xên Mường (Mai Châu); lễ hội Gàu Tào của đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); lễ hội Cầu Mường của dân tộc Tày, huyện Đà Bắc...


Với cách làm du lịch cộng đồng mang đặc trưng riêng, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả nước.

Ở khu vực nông thôn, hoạt động du lịch gắn với NN, NT, xây dựng NTM đã góp phần tạo thành sản phẩm du lịch phong phú. Mới đây, tại Hội thảo "Thực trạng và tiềm năng phát triển mô hình du lịch NN, NT" do Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức tại tỉnh ta, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 57/131 xã đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 39 khu dân cư kiểu mẫu; TP Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM; huyện Lạc Thủy đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đạt chuẩn NTM năm 2020. Toàn tỉnh đã xây dựng và làm thủ tục công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên cho 58 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm du lịch. Những kết quả đó đã tạo nên các vùng quê đáng sống với cảnh quan nông thôn tươi đẹp, cùng những sản vật nông nghiệp đặc trưng, đa dạng, níu chân khách thập phương, như: bản Lác - Mai Châu, điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong - Đà Bắc; vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy; vùng nuôi cá lồng tập trung trên hồ Hòa Bình. Bên cạnh đó là lễ hội cây ăn quả có múi, lễ hội cam Cao Phong; các trang trại, HTX kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm... và 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích cấp tỉnh, nhiều công trình văn hóa, danh thắng, làng nghề truyền thống trải rộng trên khắp địa bàn tỉnh đã cho thấy Hòa Bình là điểm đến lý tưởng, có thể phát triển du lịch bền vững, nhất là trong lĩnh vực du lịch NN, NT.

Mặc dù bước đầu đã tạo được dấu ấn, song thực tế cho thấy, loại hình du lịch NN, NT của tỉnh mới là tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư có quy mô lớn, chất lượng cao để có thể trở thành sản phẩm chủ đạo, khả năng cạnh tranh cao. Du lịch cộng đồng được khai thác ở nhiều địa phương, song đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu đồng bộ. Nhiều bản du lịch ở xa trung tâm huyện, xã, giao thông đi lại khó khăn. Trong lĩnh vực du lịch nói chung, du lịch NN, NT nói riêng, tỉnh chưa thu hút được nhà đầu tư lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Sản phẩm du lịch nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu thăm quan, ăn nghỉ của khách ở mức đơn giản. Giá trị cốt lõi của nông nghiệp địa phương, bản sắc văn hóa truyền thống trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được khai thác chuyên nghiệp...

Để đánh thức tiềm năng du lịch NN, NT của tỉnh phát triển bền vững, xứng tầm, thiết nghĩ, các địa phương cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh để thu hút đầu tư. Có chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo dựng cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Song, sự phát triển không thể tách rời mục tiêu xây dựng NTM và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng...

 

Cần lựa chọn, quy hoạch những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp

Xã Hòa Sơn (Lương Sơn) cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km. Trên địa bàn xã có một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt có tiềm năng để đón khách du lịch tới nghỉ dưỡng cuối tuần. Tuy nhiên, các chủ trang trại còn nhiều trăn trở, chưa dám đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Toàn xã mới có duy nhất trang viên Đồng Gội tổ chức đón khách du lịch. Chủ của trang viên đã đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, chuồng trại để phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Những vườn rau hữu cơ bốn mùa xanh tốt với đủ các loại: rau muống, rau cải, mồng tơi, quả đậu… Trong chuồng là gà, lợn; dưới ao là cá, vịt…

Từ hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp của trang viên Đồng Gội, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích bà con phối hợp trang viên để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, các HTX, chủ trang trại còn thiếu vốn, chưa yên tâm về hiệu quả của mô hình du lịch NN, NT. Do vậy, để du lịch nông nghiệp phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, các cấp, ngành cần quy hoạch, lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển, trên cơ sở đó định hướng, có chính sách hỗ trợ giúp trang trại, HTX đầu tư làm du lịch nông nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp; lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả, các sản phẩm OCOP độc đáo, mang đặc trưng địa phương phục vụ cho phát triển du lịch. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn để tránh sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm.

Nguyễn Đình Hiến

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (Lương Sơn)

 

 

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Để thu hút khách du lịch, HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia đã tổ chức cho du khách khám phá bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông, tham gia trải nghiệm làm nông dân tại trang trại rộng hơn 15 ha của HTX. Tại đây, du khách được tự tay trồng rau, chăm gà, hái mận, hái cam… Hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp giúp HTX thu hút nhiều khách du lịch. Đặc biệt, khách nước ngoài rất thích tham gia làm nông nghiệp cùng người dân địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, thành viên và người lao động của HTX chủ yếu là nông dân. Họ chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có kỹ năng phục vụ du khách chuyên nghiệp. Vì vậy, để phát triển mô hình du lịch NN, NT rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành tạo điều kiện mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch, từ việc chào hỏi, đón khách, đến giới thiệu sản phẩm du lịch; kỹ năng tư vấn, hướng dẫn du khách làm nông dân. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông thu hút khách du lịch; bổ sung kiến thức về văn hóa bản địa. Trang bị cho nông dân kiến thức về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm thu hút, tạo sự hài lòng cho du khách.

Giàng A La

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (Mai Châu)

  

Bình Giang


Các tin khác


Thăm những người con đất Mường yên nghỉ nơi "đất lửa" Quảng Trị

(HBĐT) - Những ngày tháng 9, cùng đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình đến thăm những người con của đất Mường đã ngã xuống tại nơi "đất lửa” Quảng Trị, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác bồi hồi, xúc động khi lần thứ hai trở lại nơi đây.

Những con đường nối niềm vui

(HBĐT) - Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, niềm vui lớn đã đến với cán bộ, Nhân dân các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc). Tuyến đường 435 đi qua các xã chính thức được thông xe kỹ thuật, trước thời hạn 4 tháng. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần tạo sự lan tỏa thu hút đầu tư trên địa bàn, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Gửi trọn niềm tin vào Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

(HBĐT) - Đếm từng ngày tới thời điểm khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được tổ chức tại TP Hòa Bình - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Những ngày này, khắp thành phố đâu đâu cũng rợp bóng cờ hoa, không khí dịu mát của trời thu như muốn hòa quyện với lòng người phấn chấn hướng tới đại hội.

Rộn rã chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

(HBĐT) - Chỉ còn ít giờ nữa, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ long trọng diễn ra. Công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có các hoạt động tuyên truyền, cổ động, chỉnh trang đô thị đang rốt ráo hoàn tất những phần việc sau cùng.

Sức vươn thành phố bên sông Đà

(HBĐT) - Trong bối cảnh mới, TP Hòa Bình đang tự tin hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại II, mang bản sắc riêng có bên sông Đà, phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, bản sắc, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cửa ngõ vùng Tây Bắc.

Đề án số 03 - Đảng vững, dân tin

(HBĐT) - Cùng với tinh thần phát huy nội lực của cấp ủy, chính quyền và người dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) trong xây dựng cuộc sống mới, các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo Đề án số 03 thường xuyên bám sát cơ sở và có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng hệ thống chính trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn.
Bài 3 - Ấm lòng người dân bản Mông

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục