(HVĐT) - Hoạt động du lịch của tỉnh đang phục hồi trở lại sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đáng kể, từ quý III/2020, lượng du khách đến thăm quan, du lịch tại các điểm đến Mai Châu, Kim Bôi nhộn nhịp trở lại. Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình, một trong những KDL trọng điểm cũng đón nhận những tín hiệu tốt về thị trường. Các chương trình, hoạt động mang tính chất kích cầu du lịch đã, đang được tỉnh triển khai, thực hiện nhằm xúc tiến quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Hòa Bình.


Khu nghỉ dưỡng Bakhan Village Resort (Mai Châu) hấp dẫn du khách với khung cảnh yên bình, 
giao hòa non nước, mây trời.

Gần đây, nhiều KDL trên địa bàn tỉnh chủ động đưa ra chương trình kích cầu nhằm vượt qua khó khăn. Đơn cử tại Serena Resort Kim Bôi, xã Sào Báy (Kim Bôi) có chương trình ưu đãi được áp dụng từ ngày 1/11 - 31/12 với combo nghỉ dưỡng 2 ngày, 1 đêm chỉ với 950.000 đồng/người; combo tận hưởng ngày an nhiên chỉ với 390.000 đồng/người. Đối với combo 2 ngày, 1 đêm, du khách có kỳ nghỉ dưỡng cùng chuỗi tiện ích hấp dẫn từ nguồn nước khoáng thiên nhiên dồi dào khoáng chất, tốt cho sức khỏe; 1 đêm nghỉ dưỡng tại phòng cao cấp, dùng bữa sáng, bữa ăn chính tại nhà hàng Nón, tắm xông sục tại Serena Spa, miễn phí trà, cafe, nước suối tại phòng nghỉ và sử dụng không giới hạn các tiện ích bể bơi bốn mùa, phòng gym, khu vui chơi trẻ em. Đối với combo dạo chơi trong ngày, du khách được thoải mái khám phá những hoạt động ngoài trời, thưởng thức bữa trưa mang đậm hương vị Tây Bắc, được chế biến bởi những đầu bếp chuyên nghiệp, có không gian vui chơi cho bé và một ngày năng động cùng bể bơi, khu vui chơi trong nhà, ngoài trời.

Tại khu nghỉ dưỡng thuộc KDL Ba Khan (Mai Châu) là Bakhan Village Resort với đầy đủ tiện nghi sang trọng, không gian thoáng đãng, thu hút khách du lịch cũng vừa đưa ra combo chỉ với 1,4 triệu đồng/khách, thời gian 2 ngày, 1 đêm, gồm di chuyển xe ô tô khứ hồi từ Hà Nội - Ba Khan, phòng khách sạn hạng tốt nhất, view đẹp, dùng bữa sáng, bữa chính tại khách sạn, tham gia chương trình thăm quan với hướng dẫn viên địa phương, sử dụng bể bơi, xe đạp. Chương trình được áp dụng đến hết kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2021.

 Cùng với đó, những bản du lịch cộng đồng trên địa bàn vùng cao Đà Bắc bắt đầu đón khách trở lại, chủ yếu là khách nội địa. Du lịch nội địa cũng là một trong những xu hướng sau dịch Covid-19 được mọi người ưa chuộng. Theo chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc, các đoàn khách thường từ 40-60 người, là cán bộ, sinh viên, hoặc các nhóm bạn đến đây để tận hưởng cảm giác thư giãn, khám phá thiên nhiên, vùng đất mà vẫn đảm bảo an toàn khi đi du lịch cùng nhau. Điển hình tại điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong vừa đón đoàn khách gồm 50 bạn trẻ đến từ Diễn đàn Thanh niên và phát triển bền vững 2020 (VYS) đi thực địa. Dịp cuối tháng 11, điểm du lịch này tiếp tục đón đoàn khách 60 người, là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đến thăm quan, trải nghiệm và thực hiện các hoạt động cộng đồng. Mới đây, điểm du lịch cộng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn được đón Đại sứ Ai Len tại Việt Nam cùng đoàn công tác đến thăm hoạt động mô hình. Ngoài ra, tại bản Sưng vẫn có một số đoàn khách lẻ là du khách nước ngoài đã "nằm vùng" ở Việt Nam đến khám phá, trải nghiệm.

Trung tuần tháng 10 vừa qua, Sở VH-TT&DL đã tổ chức sự kiện phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 với chủ đề "Du lịch Hòa Bình an toàn và hấp dẫn". Chương trình thu hút 30 doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội tham gia. Cùng với sự kiện này, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, doanh nghiệp liên kết để tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt, giá ưu đãi, với phương châm cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng. Trung tuần tháng 11, tỉnh tiếp tục tham gia một chương trình lớn tại tỉnh   Phú Thọ là hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với mục tiêu góp phần khôi phục lượng khách du lịch nội địa trong mùa dịch Covid-19. Tại hội nghị này, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó có tỉnh ta đã ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL, những giải pháp từ phía tỉnh và ý thức chủ động từ các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch đang tích cực góp phần vực dậy ngành du lịch trong thời gian gần đây. Tổng lượt khách thăm quan, du lịch năm 2020 ước đạt 1.980.000 lượt, trong đó, khách quốc tế 325.000 lượt, khách nội địa 1.655.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.475 tỷ đồng. Để du khách an tâm tham gia các chương trình du lịch, các điểm đến, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú nghiêm túc thực hiện hướng dẫn về đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ, hình thành các sản phẩm mới, chất lượng, giá cả hấp dẫn, xây dựng chính sách hoàn, hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Đồng thời, chú trọng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế sau dịch Covid-19 như: Du lịch thăm quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf...


Bùi Minh

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục