>> Bài 2 - Quyết tâm mới, hướng đến mục tiêu cao hơn
Đường 435 Bình Thanh - Suối Hoa đưa vào khai thác mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào hồ Hòa Bình.
Với sự tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án quan trọng có sức lan tỏa mở ra lợi thế cạnh trạnh, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo được đưa vào khai thác, tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình chính thức thông xe và đưa vào khai thác, trung tâm TP Hòa Bình chỉ còn cách Thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ xe chạy, mở ra những cơ hội rất lớn thu hút đầu tư vào tỉnh. Hàng loạt các dự án đầu tư đã khởi động và triển khai trên địa bàn vào các lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Dự án đường 435 ( Bình Thanh - Suối Hoa) hoàn thành vượt tiến độ 4 tháng, đã có hàng loạtdự án đầu tư với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành trung tâm du lịch hồ Hòa Bình với các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hưởng thụ các dịch vụ cao cấp, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc, tạo sinh kế bền vững cho đời sống bà con. Nhiều dự án như: Cầu Hòa Bình 2, đường kết nối QL 6 với đường Chi Lăng, đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12B đi quốc lộ 1… được đầu tư xây dựng,đang gấp rút triển khai hoàn thành trong nay mai, góp phần mở ra lợi thế cạnh tranh, phát triển không gian đô thị, thương mại, nông nghiệp, cải thiện dân sinh.
Các công trình phúc lợi vươn tới vùng khó khăn, khỏa lấp khó khăn cách trở, mở ra những cơ hội tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng cho người dân. Các xóm, bản vùng sâu, vùng xa đã chuyển mình thức giấc, người dân được hỗ trợ tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, BHYT, giáo dục. Đồng chí Bùi Văn Phong, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Ngổ Luông (Tân Lạc) thông báo: Tuyến đường liên huyện vùng cao Tân Lạc - Lạc Sơn qua địa bàn xã Ngổ Luông đã được khởi động trở lại, cơ bản thông từ xã Quyết Chiến đến trung tâm xã Ngổ Luông (dài khoảng 12 km). Xã có điều kiện giao thương, phát triển cây su su, loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Sản phẩm ngọn, quả su su cũng như nông sản đặc thù của Ngổ Luông dễ tiêu thụ với giá cả cao hơn. Đà Bắc - huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh cũngđang chuyển mình mạnh mẽ khi tìm thấy hướng phát triển nghề nuôi cá lồng bè, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng.
Các NQ của Tỉnh ủy đã đi vào thực tiễn, tạo chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh. Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nông thôn, tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt khoảng 4,1%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị bền vững. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tại các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong đã hình thành phát triển theo chuỗi giá trị. Tỉnhcó những nông sản có lợi thế như: Cam, bưởi, nhãn, su su, lợn bản địa, gà đồi, cá lòng hồ đã tiếp cận được với các thị trường ngoại tỉnh, thị trường Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá cao. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 43,3% số xã đạt 19 tiêu chí NTM, hoàn thành trước 1 năm so với nhiệm vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc và đứng thứ 3 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, thử thách song lại ghi nhận sự những dấu ấn trong đổi mới trong tư duy, cách làm, tập trung giải quyết những khó khăn, nút thắt cản trở sự phát triển, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các NQ của Đảng với việc hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Hộ nghèo giảm 3,16%/năm, còn 8,56%. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu khó đạt của NQ đại hội XVI như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM... Hòa Bình là tỉnh đi đầu trong thực hiện NQ T.Ư 6 (khóa XII), NQ số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, NQ số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 28,1% (đứng đầu cả nước về giảm đơn vị hành chính cấp xã), bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tin gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với các giải pháp phát triển đô thị, tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đạt về tỷ lệ đô thị hóa - một trong 5 chỉ tiêu khó đạt của NQ Đại hội XVI. Việc sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tiến độ, mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần cơ cấu nguồn cán bộ dồi dào, năng lực phẩm chất tốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Những vị trí chủ chốt được lựa chọn đều là những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín và tín nhiệm cao trong đảng viên và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát triển. Mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa phi vật thế cấp quốc gia; Chính phủ đã chủ trương lập hồ sơ trình UNESCO công nhận mo Mường là di văn hóa phi vật thể nhân loại; tỉnh đã hoàn thành xây dựng bộ chữ Mường, xây dựng tài liệu đưa vào giảng dạy… Những kết quả quan trọng này, tạo hành trang để tỉnh vững bước vào công cuộc đổi mới, vì chất lượng cuộc sống người dân ngày một tốt hơn.
Nhóm PV Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính