(HBĐT) - Thực hiện việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố và sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, số chi bộ đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận giảm khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng đảng viên (ĐV) tại các chi bộ mới sáp nhập, kiện toàn lại tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, hình thành các chi bộ có số ĐV rất đông. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến ngày 15/7/2022, toàn tỉnh có 3.181 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng bộ bộ phận. Trong đó, 138 chi bộ có từ 50 - 100 ĐV (136 chi bộ khu dân cư, 2 chi bộ ở đơn vị sự nghiệp). Đặc biệt, có 3 chi bộ khu dân cư có trên 100 ĐV. Công tác vận hành, tổ chức sinh hoạt chi bộ, triển khai công việc ở các chi bộ có số ĐV đông đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. 

Toàn tỉnh hiện có 3 chi bộ khu dân cư có trên 100 ĐV là chi bộ tiểu khu Liên Phương, trực thuộc Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) với 109 ĐV, chi bộ tiểu khu 12 trực thuộc Đảng bộ thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) với 145 ĐV và chi bộ khu Sào, trực thuộc Đảng bộ thị trấn Bo (Kim Bôi) với 178 ĐV. Số lượng ĐV quá đông đặt ra nhiều thử thách, đòi hỏi đội ngũ cấp ủy, chi bộ phải xoay sở, sáng tạo để tổ chức mô hình hoạt động phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả nhất vai trò lãnh, chỉ đạo toàn diện của chi bộ đảng ở khu dân cư.


Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy, Thường trực Đảng ủy thị trấn Bo (Kim Bôi) nắm bắt tình hình hoạt động tại chi bộ khu Sào - chi bộ đông đảng viên nhất tỉnh. 

Chi bộ khu Sào - khi chi bộ vận hành như đảng bộ

Khu Sào cũ thực hiện việc sáp nhập với phố Bưởi ngày 14/1/2019. Sáp nhập xóm kéo theo việc sáp nhập chi bộ (chi bộ khu Sào). Thời điểm cao điểm nhất, chi bộ khu Sào có 181 ĐV, hiện chi bộ có 178 ĐV. Để vận hành một chi bộ có số đảng viên quá đông như vậy, căn cứ theo Điều lệ Đảng, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên và tình hình thực tế tại khu dân cư, chi bộ khu Sào đã chia thành 8 tổ Đảng.

Đồng chí Lê Thế Minh, Bí thư chi bộ khu Sào cho biết: 2 năm trở lại đây, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chi bộ tiến hành sinh hoạt theo tổ. Nhận thấy mô hình sinh hoạt theo tổ hiệu quả, chất lượng hơn hẳn sinh hoạt tập trung nên hiện mặc dù dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì mô hình sinh hoạt chi bộ hàng tháng theo các tổ Đảng, không tổ chức sinh hoạt tập trung toàn chi bộ. Tổ Đảng ít nhất có 11 đảng viên, tổ đông nhất 33 đảng viên. 2 năm nay, khi các tổ Đảng tổ chức sinh hoạt, mỗi tổ trưởng phải thực hiện nhiệm vụ không khác gì một đồng chí bí thư chi bộ và đồng chí bí thư chi bộ thì thực hiện nhiệm vụ gần như một bí thư đảng bộ. Trước khi các tổ Đảng họp, chi ủy tổ chức cuộc họp chi ủy mở rộng, mời tất cả các đồng chí tổ trưởng tổ Đảng, trưởng đoàn thể của khu tham dự. Hội nghị này sẽ họp bàn, thống nhất xây dựng dự thảo báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ của tháng. Căn cứ nội dung cuộc họp chi ủy mở rộng và các dự thảo báo cáo, tổ trưởng tổ Đảng sẽ triển khai nội dung cuộc họp. Tại cuộc họp của tổ Đảng, ngoài triển khai các văn bản theo quy định, dự thảo báo cáo tháng của chi bộ thì tổ Đảng cũng phải có báo cáo đánh giá hoạt động của tổ, phương hướng… như báo cáo "con” của báo cáo chi bộ.

Chi ủy chi bộ có 3 đồng chí sẽ phân công nhau dự sinh hoạt các tổ Đảng (như mô hình cấp ủy viên của đảng ủy cấp trên về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở). Sau cuộc họp của tổ Đảng có biên bản sinh hoạt tổ (như biên bản sinh hoạt chi bộ) gửi về chi bộ. Sau khi tất cả các tổ Đảng sinh hoạt xong, chi ủy sẽ hội ý, căn cứ vào tình hình dự họp trực tiếp và biên bản sinh hoạt tổ Đảng sẽ hoàn thiện báo cáo chính trị của chi bộ để báo cáo về Đảng ủy thị trấn. Hồ sơ, văn bản, báo cáo rất nhiều. Mô hình hoạt động này tuy vất vả cho cấp ủy, đội ngũ tổ trưởng tổ Đảng nhưng được đánh giá là hiệu quả hơn hẳn so với sinh hoạt tập trung nên hiện vẫn tiếp tục được chi bộ khu Sào duy trì.

Chi bộ tiểu khu Liên Phương - cấp ủy phải mạnh để vận hành chi bộ lớn

Chi bộ tiểu khu Liên Phương hiện có 109 ĐV, trong đó có 108 ĐV chính thức, 1 ĐV dự bị. Có 13 ĐV được miễn sinh hoạt Đảng do tuổi cao, sức yếu; 92% ĐV của chi bộ là cán bộ hưu trí. Thời điểm cao điểm nhất chi bộ có đến 118 ĐV. Chi bộ cũng chia thành 4 tổ Đảng, 1 tổ 21 đảng viên và 3 tổ mỗi tổ 31 ĐV. Tuy nhiên, khác với chi bộ khu Sào, chi bộ tiểu khu Liên Phương tuy chia tổ nhưng chi bộ vẫn sinh hoạt tập trung. Tổ trưởng tổ Đảng có nhiệm vụ quản lý, cập nhật số liệu, dữ liệu ĐV trong tổ. Đồng thời nắm bắt tình hình ĐV, Nhân dân để kịp thời báo cáo cấp ủy cũng như kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ tại tổ Đảng và cụm dân cư của mình. Tổ trưởng có nhiệm vụ, vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện nội dung nghị quyết chi bộ.

Sau thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hiện chi bộ tiểu khu Liên Phương đã tổ chức sinh hoạt chi bộ như bình thường, theo hình thức tập trung toàn thể chi bộ vào ngày mồng 10 hàng tháng tại nhà văn hóa tiểu khu. Đầu giờ chi bộ thực hiện điểm danh, số lượng ĐV tham gia dự họp trung bình đạt từ 85 - 90% tổng số ĐV triệu tập. Thuận lợi lớn nhất đối với chi bộ tiểu khu Liên Phương là ĐV chủ yếu cán bộ hưu trí, trình độ cao, nhận thức chính trị sâu sắc, có am hiểu về các vấn đề chính trị, thời sự, xã hội, do đó mọi chủ trương chi bộ triển khai đều nhận được sự đồng tình cao, ủng hộ, hưởng ứng tích cực trong đội ngũ ĐV. Đội ngũ ĐV của chi bộ đông, dân trí cao, kinh tế ổn định cũng là lực lượng tiên phong đông đảo, hùng hậu, gương mẫu trong khu dân cư. Nhờ vậy mà các phong trào, hoạt động của khu dân cư đều diễn ra sôi nổi, chất lượng, hiệu quả.

Đồng chí Hà Văn Hoàn, Bí thư chi bộ tiểu khu Liên Phương cho biết: Ở một chi bộ đông ĐV thì bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra đó là đội ngũ cấp ủy phải hết sức đoàn kết, tích cực, nhiệt tình với công việc. Bởi việc tổ chức sinh hoạt chi bộ với sự tham gia của hàng trăm ĐV có trình độ không hề đơn giản. Ban chi ủy nói chung, bản thân đồng chí bí thư chi bộ nói riêng phải có sự chuẩn bị rất kỹ cho nội dung sinh hoạt chi bộ. Các văn bản triển khai cần được cô đọng, ngắn gọn, súc tích, đi vào ý chính. Những nội dung công việc đưa ra bàn bạc, triển khai, quyết định phải phù hợp với thực tế địa phương, đúng vấn đề mọi người quan tâm. Muốn vậy thì cuộc họp ban chi ủy trước buổi sinh hoạt chi bộ phải thật sự chất lượng. Ngoài ra, bí thư chi bộ phải sáng tạo, mềm dẻo, linh hoạt trong việc điều hành sinh hoạt chi bộ mới phát huy được năng lực, sở trường, sự đóng góp của mỗi ĐV để xây dựng chi bộ lớn mạnh. Theo tôi, yếu tố quyết định đối với chất lượng hoạt động của một chi bộ đông ĐV đó chính là đội ngũ cấp ủy chi bộ.

Khảo sát thực tế từ 2 chi bộ trên cũng như một số chi bộ đông ĐV khác cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 139 chi bộ có từ 50 ĐV trở lên đã chia thành 405 tổ Đảng, trung bình mỗi chi bộ chia thành gần 3 tổ Đảng. Tuy nhiên, mỗi chi bộ lại có cách thức vận hành, hoạt động khác nhau và thực tế đang đặt ra rất nhiều bất cập, khó khăn trong công tác sinh hoạt chi bộ ở những chi bộ đông ĐV.

(Còn nữa)


Dương Liễu

Các tin khác


Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 2 - Nhận diện “điểm nghẽn”

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.

Gỡ “nút thắt” phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 1 - Đảng viên tiên phong, doanh nghiệp phát triển

(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 3 - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 2 - Thực hiện nghiêm các khâu trong công tác cán bộ

(HBĐT) - Công tác cán bộ (CTCB) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; quan điểm, đường lối của Đảng xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của nhiệm vụ then chốt, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã thực hiện đồng bộ các khâu trong CTCB và đạt  kết quả tích cực.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 1: Sản phẩm cụ thể thực hiện nhiệm vụ chính trị

(HBĐT) - Ban Chấp hành, Ban Thường vụ (BCH, BTV) Tỉnh ủy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đặc biệt quan tâm giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược triển khai dự án. 

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Bài 3 - Nhận diện tội phạm tham nhũng, tiêu cực

 (HBĐT) - Theo đánh giá, những sai phạm liên quan đến tội phạm tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh chủ yếu là ở lĩnh vực quản lý đất đai và đấu thầu, đấu giá. Xuất phát từ thực tế đó, việc chỉ ra, nhận diện rõ hành vi sai phạm chính là một trong những yếu tố quan trọng, cốt yếu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) của tỉnh thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục