(HBĐT) - Giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh ta, dịch đã tác động tới mọi mặt đời sống xã hội. Là những người "chép sử của thời đại”, hàng chục phóng viên trên địa bàn tỉnh lao vào những điểm nóng, dấn thân tác nghiệp giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.


Phóng viên Báo Hoà Bình tác nghiệp tại Bệnh viện Dã chiến số 1 về công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: P.V

Giữa tháng 5/2021, cả hệ thống chính trị chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chỉ còn vài ngày là cuộc bầu cử diễn ra, trên địa bàn phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) xuất hiện 3 trường hợp dương tính với vi rus SARS-CoV-2. Hàng chục hộ dân bị phong tỏa, hàng trăm người phải cách ly tập trung phòng, chống dịch. Với quyết tâm đảm bảo mọi người dân đều được thực hiện quyền công dân, Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh chỉ đạo thực hiện hòm phiếu lưu động bỏ phiếu trong khu cách ly y tế, khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa. Cùng với hàng trăm cán bộ, lực lượng tuyến đầu chống dịch căng mình thực hiện nhiệm vụ, những nhà báo, phóng viên Báo Hòa Bình cũng xông pha tại tất cả các điểm bỏ phiếu trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa để ghi lại trọn vẹn không khí, diễn biến của cuộc bầu cử đặc biệt này.

Là một trong những phóng viên đầu tiên vào khu cách ly y tế, nhà báo Đinh Hòa, Phòng Văn hóa - Xã hội (Báo Hòa Bình) nhớ lại: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi ngày bầu cử đã rất cận kề, UBBC tỉnh đã diễn tập hướng dẫn rất kỹ việc bỏ phiếu tại cơ sở cách ly và khu vực phong tỏa. Đội ngũ phóng viên cũng được tham gia diễn tập. Khi vào khu cách ly y tế tôi được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, các biện pháp phòng tránh. Được chứng kiến tận mắt người bệnh cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân trong khu vực cách ly y tế, tôi không khỏi xúc động.

Nhà báo Đinh Hòa không phải là trường hợp duy nhất tại Báo Hòa Bình thường xuyên "ra - vào” trong các khu cách ly tập trung và khu phong tỏa. Thời điểm đỉnh dịch từ sau Tết Nguyên đán 2022, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid -19, vì vậy chiến lược phòng, chống dịch liên tục có sự điều chỉnh để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch. Trước thực tế đó, Báo Hòa Bình đã xuất bản hàng chục tin, bài mỗi ngày về dịch Covid-19.

Nỗi lo càng tăng thêm khi những ngày đầu dịch bùng phát, đa số phóng viên có mặt tại các điểm nóng hầu hết chưa hoặc mới được tiêm một mũi vắc xin. Trong khi chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng lập chốt chặn, lập rào cản khắp nơi, người dân ở yên tại chỗ thì ngược lại, không ít phóng viên lại phải tìm mọi cách để sớm nhất có mặt ở hiện trường điểm nóng.

"Từ những khó khăn, bất cập tại vùng tâm dịch, khu phong tỏa; nỗi vất vả của các y, bác sỹ trong các bệnh viện dã chiến, những đêm trắng của bác sỹ trong khu điều trị F0 nặng; công tác phòng, chống dịch bệnh đối với đối tượng trẻ em; điều trị Covid-19 tại nhà… chúng tôi đều nỗ lực, cố gắng để phản ánh một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và mang đậm hơi thở thực tế” - phóng viên Việt Lâm chia sẻ.

Không thể nhớ bao nhiêu lần vào khu vực cách ly, phong tỏa, những phóng viên mảng y tế cũng không thể quên được những "đêm trắng” để chờ đợi kết quả xét nghiệm ngay trong đêm. Nhà báo Dương Liễu, Báo Hòa Bình chia sẻ: Để xác định một ca dương tính, ngành y tế phải thực hiện xét nghiệm PCR và thường phải làm cả đêm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu dương tính tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly. Vì vậy, để có thông tin nhanh nhất đến với bạn đọc, phóng viên phải chờ tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Mỗi lần như vậy với chúng tôi là những đêm dài, nhiều khi nghe tin tốt mừng rơi nước mắt, cũng rất nhiều lần làm tin, viết bài trong tâm trạng đầy lo âu.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đội ngũ phóng viên đã lựa chọn đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, không ít người phải giấu gia đình, có người phải tự cách ly với vợ con… Họ đã dấn thân để có được những thông tin, hình ảnh chân thực nhất trong cuộc chiến chống dịch. Họ cũng chính là những chiến sỹ trên mặt trận truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Phương Linh

Các tin khác


Bài 5 - Gìn giữ, phát huy những "báu vật" của cha ông

(HBĐT) - Trong kho tàng di sản văn hoá (DSVH) dân tộc Mường, nếu mo Mường được xem là một sáng tạo vĩ đại thì chiêng Mường chính là báu vật của người Mường. Chiêng Mường cùng với sáo ôi, đàn nhị, trống da trâu... đã tạo nên âm nhạc Mường với những nét độc đáo, uyển chuyển và duyên dáng. Ngày nay, nghệ thuật chiêng Mường và âm nhạc dân tộc Mường được bảo tồn, phát huy tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn cao đẹp trong cộng đồng người Mường, đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm cho nền âm nhạc dân gian Việt Nam. Thành tựu đó có được trước hết là nhờ những nghệ nhân xứ Mường đã dành cả cuộc đời gìn giữ, phát huy những "báu vật” của ông cha để lại.

Bài 4 - Nâng niu lời ru đất Mường

(HBĐT) - Dân ca là một loại hình văn nghệ quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hàng ngày của Nhân dân các dân tộc. Lời ca ngọt ngào, sâu lắng, gần gũi đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ. Bằng tâm huyết và niềm đam mê, các nghệ nhân hát dân ca của tỉnh đang ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của những làn điệu dân ca, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại, để nét văn hóa truyền thống của dân tộc sống mãi với thời gian.

Bài 3 - Những người giữ hồn cho dân tộc

(HBĐT) - Tiếng nói, chữ viết là công cụ tư duy và là phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức phản ánh bản sắc của cá nhân và cộng đồng. Đây còn là hồn cốt của mỗi dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số (DTTS) là cấp thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Bài 2 - Nghệ nhân mo Mường và tâm huyết trao truyền di sản

(HBĐT) - "Từ khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”, tôi ý thức sâu sắc rằng vinh dự này phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm của nghệ nhân mo Mường (NNMM) chúng tôi là phải phát huy giá trị của di sản bằng cách gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau. Chỉ khi hoàn thành xong tâm huyết trao truyền di sản, nghệ nhân chúng tôi mới yên lòng về với Mường Ma…” - nghệ nhân Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) trải lòng.

Tôn vinh những nghệ nhân xứ Mường: Bài 1 - Động lực cho những “báu vật nhân văn sống”

(HBĐT) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giá trị di sản văn hoá (DSVH) các dân tộc không bị mất đi mà được bảo tồn, phát huy tạo nên bức tranh đa màu sắc. Công lao trên trước hết thuộc về những nghệ nhân có vai trò nắm giữ, trao truyền. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, họ đang thực hiện sứ mệnh lưu truyền tinh hoa văn hoá truyền thống trong dòng chảy văn hóa Việt.

“3 đỡ đầu” - chắp cánh những ước mơ

(HBĐT) - Xác định "xã hội hóa công tác khuyến học” là yêu cầu cấp thiết nhằm làm chuyển biến nhận thức của xã hội trong việc cộng đồng trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ các em nhỏ đang theo học tại cơ sở giáo dục. Trong khi đó, Yên Thủy là huyện còn khó khăn về kinh tế, học sinh thuộc đối tượng nghèo vượt khó, học sinh khuyến tật vươn lên rất cần được sự chung tay của toàn xã hội. Để có nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng học sinh, Hội Khuyến học (HKH) huyện Yên Thủy đã có những sáng kiến, đột phá đưa sự nghiệp khuyến học có những khởi sắc đó là phong trào khuyến học "3 đỡ đầu” (đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài, đỡ đầu học sinh khuyết tật vươn lên) đang được nhân rộng đã góp phần chắp cánh ước mơ tới trường cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục