(HBĐT) - Lắng nghe ý kiến Nhân dân trên tinh thần cầu thị, tiếp thu; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân... Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, huyện Lạc Sơn đã đã từng bước xây dựng phong cách lãnh đạo"gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc từ cơ sở” của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở... 



Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Lạc Sơn kiểm tra tiến độ công trình xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng.

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có những lúc tưởng chừng như phải chấp nhận chậm tiến độ do những khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, với cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt là tinh thần gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, huyện Lạc Sơn đã gỡ từng nút thắt, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp tiến độ...

Dân nghe Đảng: xây dựng cuộc sống ấm no

Một chiều cuối thu. Trời vừa tắt nắng. Tôi cùng đồng chí Bùi Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Phú dạo bước qua các khu tái định cư Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Màu hồng của ánh hoàng hôn phản chiếu với màu sơn xanh, đỏ, tím vàng của những căn biệt thự tiền tỷ làm chúng tôi ngỡ như đang lạc vào khu phố sầm uất ở một thành phố trẻ nào đó mà không nghĩ đây chính là một vùng nông thôn miền núi trước kia vốn nghèo và lạc hậu.

Hướng về những ngôi nhà đẹp lộng lẫy ở khu tái định cư Đồng Xe, đồng chí Chủ tịch xã cho biết: Bây giờ bà con rất yên tâm, phấn khởi, có nhà cửa đàng hoàng, kiên cố, đường xá đi lại sạch sẽ, hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn. Nhà văn hóa, sân chơi thể thao, nhà thờ thành hoàng được xây dựng khang trang. Đời sống người dân đã ổn định, về nơi ở mới bà con được cung cấp nước sạch và hệ thống điện chiếu sáng miễn phí. Không giống như trước kia, mỗi gia đình phải sống trong những căn nhà đơn sơ, xiêu vẹo trên những sườn đồi hiu quạnh. Ở đấy đất vườn tuy nhiều hơn nhưng cũng không đem lại hiệu quả kinh tế gì ngoài việc trồng mấy luống rau, cây ăn quả, nuôi ít lợn, gà. Thu nhập chẳng đáng là bao. Cuộc sống nghèo khổ vẫn đeo bám dai dẳng bao đời nay. Giờ đây, diện tích đất vườn tuy không nhiều nhưng vẫn có chỗ để trồng rau và chăn nuôi đủ cải thiện bữa ăn. Trong khi đó diện tích đất ruộng của bà con không bị ảnh hưởng, lương thực đảm bảo như trước kia. Các hộ ở sát nhau thế này đã giúp tình làng, nghĩa xóm càng được thắt chặt theo đúng bản sắc, phong tục, tập quán của dân tộc.

Dừng lại bên một góc tường bao của khu tái định cư xóm Nhụn, xã Yên Phú, nơi đang có hiện tượng sụt lún do đất nền chưa ổn định, đồng chí Chủ tịch UBND xã nói: "Vừa rồi chỗ này bà con có nhiều ý kiến đề nghị lên xã, nhất là việc sụt lún đất nền không đảm bảo xây dựng nhà ở. Đường vào khu tái định cư còn nhếch nhác, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng gặp khó khăn, thiếu điện, thiếu nước phục vụ sinh hoạt. Chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra, lắng nghe ý kiến phản ánh của bà con để có những đề xuất với chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công khắc phục kịp thời, không để bà con phải băn khoăn lo lắng”.

Đảng nghe dân: gỡ nhiều nút thắt, mâu thuẫn từ cơ sở

Nói về dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, đây là công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, có dung tích khoảng 95 triệu m3, diện tích mặt nước và phạm vi ảnh hưởng gần 900ha. Có 652 hộ dân phải di dời tái định cư đến nơi ở mới tập trung.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vấp phải những khó khăn, vướng mắc. Hàng trăm hộ dân phản ứng không tham gia các cuộc họp để nghe thông qua chủ trương đầu tư cũng như phương án di dời tái định cư, bởi cho rằng đây chỉ là dự án trên giấy tờ chưa biết lúc nào mới được triển khai, vì thế họ tiếp tục trồng cây lâu năm trên diện tích đất của mình đang có. Sau khi dự án được khởi công, nhiều hộ lại nghe theo một số phần tử xấu lôi kéo, kích động dẫn đến có đơn thư khiếu kiện, khiếu nại yêu cầu mức đền bù cao hơn so với mức quy định của Nhà nước, đồng thời không chịu di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nhiều gia đình còn tranh thủ cả ngày lẫn đêm trồng cây lâu năm trên đất vườn, đất đồi; tự sơn sửa nhà ở, xây dựng gấp các công trình bằng vật liệu kiên cố nhằm mục đích kiếm lời từ tiền đền bù của Nhà nước.

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Sơn đã quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện và xã với các hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư. Bằng tinh thần cầu thị, cởi mở, tôn trọng nhân dân, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đã lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến, đề xuất của người dân. Những vấn đề mà người dân phản ảnh đã được giải thích một cách tường tận, cặn kẽ. Đồng chí Bùi Văn Hành, nguyên Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ tập trung làm sao để trả lời, làm rõ cho người dân hiểu đúng, hiểu đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình và các chính sách của Nhà nước. Do vậy, trong rất nhiều cuộc đối thoại, trò chuyện, mỗi cán bộ từ huyện đến cơ sở khi đứng trước dân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực hết sức giải trình đối với những vấn đề Nhân dân chưa hiểu đúng, chưa hiểu đủ. Tất cả các nội dung mà nhân dân hỏi đều được trả lời, giải thích rõ ràng, thấu tình đạt lý.

Từ phương thức làm việc này, lãnh đạo huyện Lạc Sơn đã kịp thời tìm ra những giải pháp hợp lý có lợi nhất cho người dân. Sau khi cuộc gặp gỡ, đối thoại thành công, các hộ đã chấp nhận di dời đến khu tái định cư để nhường lại mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án. Tiêu biểu như hộ các ông: Bùi Văn Sịnh, Bùi Văn Mạnh, xóm Đá Mới, xã Yên Phú; Bùi Văn Nất, xóm Kén, xã Văn Nghĩa là những hộ tiên phong trong việc di dời nhà cửa, mồ mả đến nơi ở mới. Ngay sau những người "tiên phong”, huyện đã vận động thu hồi, GPMB được 897ha đất, đạt 100% kế hoạch và vượt chỉ tiêu về thời gian. Đồng thời với đó, huyện tổ chức họp dân bốc thăm nhận phân lô tại khu tái định cư cho 549 hộ thuộc diện di dời, tái định cư. Trong đó, xã Văn Nghĩa có 239 hộ, xã Yên Phú 169 hộ và xã Bình Hẻm 141 hộ. Các hộ cũng chuyển hơn 1.800 ngôi mộ đến vị trí phù hợp. Giải quyết dứt điểm công tác GPMB đối với công trình hồ chứa nước Cánh Tạng. Nhờ đó, đến nay đơn vị thi công đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc. Cuộc sống của bà con ở các khu tái định cư cơ bản đi vào ổn định.

Theo đồng chí Bùi Văn Lịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn thì: Ngoài công trình dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, từ năm 2016 đến nay, huyện đã thực hiện thu hồi đất bồi thường GPMB cho 51 công trình, dự án. Trong đó, huyện đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng 47 dự án; đang tiếp tục triển khai 1 dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và 3 dự án thuộc nhóm dự án thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Toàn huyện có 3.889 hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất đã được bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí trên 934 tỷ đồng.

Có được kết quả thuận lợi như vậy chính là nhờ công tác tuyên truyền, vận động của Đảng bộ, chính quyền các cấp với phương châm "Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” thông qua hình thức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Nhờ làm tốt công tác này nên các nhà đầu tư thấy đây là mảnh đất yên lành, màu mỡ và rất yên tâm khi bỏ vốn đầu tư vào địa bàn.          

(Còn nữa)
                              

Bùi Công Nhắn 

Trung tâm VHTT-TT Lạc Sơn


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục