(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thủy lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đề ra một số giải pháp quan trọng, trong đó có 3 giải pháp mang tính đột phá chiến lược, đó là: hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật cả về số lượng, chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng; phát triển nguồn nhân lực; hoàn hiện thể chế, trọng tâm là cải cách hành chính. Nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện các đột phá đã giúp huyện thực hiện đạt 9/17 chỉ tiêu KT-XH, tạo đà cho việc tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết trong nửa cuối nhiệm kỳ đầy thử thách, khó khăn trước mắt.
Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thủy lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2024 trở thành huyện nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đề ra một số giải pháp quan trọng, trong đó có 3 giải pháp mang tính đột phá chiến lược, đó là: hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật cả về số lượng, chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng; phát triển nguồn nhân lực; hoàn hiện thể chế, trọng tâm là cải cách hành chính. Nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện các đột phá đã giúp huyện thực hiện đạt 9/17 chỉ tiêu KT-XH, tạo đà cho việc tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết trong nửa cuối nhiệm kỳ đầy thử thách, khó khăn trước mắt.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Yên Thủy đã khởi công xây dựng 59 công trình với tổng mức đầu tư hơn 602 tỷ đồng. Đến nay có 31 công trình được bàn giao đưa vào sử dụng, qua đó góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy KT-XH địa phương có những bước phát triển nhanh, bền vững.
Tập trung xây dựng thị trấn Hàng Trạm trở thành đô thị văn minh
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thủy đề ra một số mục tiêu cụ thể trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đó là mở rộng không gian và hoàn thiện tổ chức thị trấn Hàng Trạm; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống mạng lưới điện và thủy lợi.
Trước tiên là việc mở rộng không gian và hoàn thiện tổ chức thị trấn Hàng Trạm. Thực hiện Nghị quyết số 830, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên gần 30 km2 và dân số 6.086 người của xã Yên Lạc được sáp nhập vào thị trấn Hàng Trạm. Sau sáp nhập, thị trấn Hàng Trạm có diện tích tự nhiên 32,14 km2, quy mô dân số gần 12.000 người, gồm 17 khu dân cư, trong đó có 8 khu dân cư nông nghiệp. Đồng chí Lã Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm cho biết: Thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/HU, ngày 15/8/2020 của Huyện ủy Yên Thủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND huyện đã ban hành kế hoạch chỉ đạo phát triển hạ tầng thị trấn Hàng Trạm theo quy hoạch mở rộng thị trấn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, thuỷ lợi, nâng cao công suất, chất lượng điện phục vụ Nhân dân. Trong giai đoạn vừa qua đã triển khai hoàn thiện hạ tầng một số khu đấu giá đất, khu nhà ở đô thị theo quy hoạch như: khu đấu giá đất Trại Ong, khu nhà ở Đồng Băng, khu dân cư khu phố 10... Tiến hành nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội thị đảm bảo tiêu chí đô thị văn minh như: đường nội thị khu phố 6, 7, 8, thị trấn Hàng Trạm; đường từ ngã ba Hàng Trạm ra đường Hồ Chí Minh; đường quốc lộ 12B đi trường THPT Yên Thủy A; đường nội thị khu phố Yên Phong - Đông Yên; đường nội khu phố Hàng Trạm đi quốc lộ 12B; đường liên khu phố Thanh Bình - Thống Nhất; đường quốc lộ 12B đi bến xe trung tâm huyện… Kết quả, đến nay thị trấn đạt 5/9 tiêu chí đô thị văn minh, còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; thông tin, truyền thông đô thị đang tập trung thực hiện.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển KT-XH
Để thực hiện hiệu quả giải pháp mang tính đột phá quan trọng này, huyện Yên Thủy đã lồng ghép các nguồn lực nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn. Từ năm 2020 - 2022 đã đầu tư nâng cấp, cải tạo gần 90 km đường giao thông với tổng mức đầu tư 248 tỷ đồng, trong đó huy động từ Nhân dân gần 14 tỷ đồng. Năm 2023 tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông theo kế hoạch với tổng chiều dài 54,6 km, tổng mức đầu tư 136 tỷ đồng, trong đó huy động từ Nhân dân 20,4 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 100% đường huyện, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá đạt chuẩn, 89% đường trục thôn, xóm, 70% đường ngõ xóm được cứng hoá bằng bê tông xi măng, 68% đường trục chính nội đồng được cứng hoá, không lầy lội vào mùa mưa.
Giai đoạn 2020 - 2023, huyện đã khởi công xây dựng 59 công trình với tổng mức đầu tư hơn 602 tỷ đồng (có 31 công trình được bàn giao đưa vào sử dụng), gồm: 21 công trình giao thông; 1 công trình thủy lợi; 24 công trình giáo dục được cải tạo, nâng cấp và xây mới; 3 công trình sân vận động; 3 công trình nhà văn hóa; 2 công trình trụ sở làm việc; 1 công trình khuôn viên UBND huyện; 1 quảng trường trung tâm huyện; 1 trung tâm văn hóa và truyền thông; 1 trung tâm hành chính công huyện; 1 dự án di dân tái định cư cho 34 hộ tại xã Lạc Sỹ.
Ngoài ra, huyện đã thực hiện rà soát, đề xuất các nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện trên địa bàn. Từ năm 2020 - 2022, trên địa bàn huyện có 19 công trình lưới điện được triển khai, tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng, hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng 17 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 2.160 kVA, nâng cấp, cải tạo 6,3 km đường dây 35 kV, 16 km đường dây 0,4 kV. Năm 2023 tiếp tục triển khai 13 công trình TBA với tổng công suất 2.380 kVA, tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng. Toàn huyện có 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tình hình cung ứng, sử dụng điện đảm bảo an toàn.
Huyện cũng tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình kênh mương, hồ đập, mở rộng diện tích tưới tiêu đảm bảo nước cho diện tích canh tác, đồng thời chủ động phòng chống bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của Nhân dân, nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch. Phát triển nông nghiệp theo hướng sử dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất hiệu quả, tiết kiệm nước, tài nguyên. Sử dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước trên địa bàn. Phấn đấu đảm bảo chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất đạt trên 80%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương, hồ đập đạt trên 70%.
Việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư. Đến nay trên địa bàn huyện có 21 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhiều dự án có những đóng góp quan trọng đối với phát triển KT-XH của huyện, xoá đói - giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Tính đến tháng 6/2023, toàn huyện có 8/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 18 tiêu chí/xã; huyện nông thôn mới đạt 3/9 tiêu chí; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng được 24 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 215 vườn kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm xây dựng được 17 sản phẩm OCOP.
(Còn nữa)