Ngày 14/11/1945, hơn 2 tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trong bài viết "Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài”. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Tiếp đó, ngày 20/11/1946, trên Báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố văn bản "Tìm người tài đức”. Muốn "trọng dụng những kẻ hiền năng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra "người tài đức”, làm được những việc ích nước lợi dân. Hạn trong 1 tháng "phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.





Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được tuyển dụng vào làm việc tại Thanh tra huyện Tân Lạc.

Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài, khi đất nước đổi mới hay khi bước vào tiến trình hội nhập mạnh mẽ như hiện nay thì vấn đề trọng dụng người tài luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy là một tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng Hòa Bình cũng đã dành nhiều sự quan tâm, cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài với kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá trong phát triển KT-XH địa phương.

Bài 1 - Nhiều khó khăn trong thu hút nhân tài về tỉnh 

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, từ năm 2017 đến nay, tỉnh chỉ tuyển dụng được 1 công chức và 4 viên chức là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại tỉnh. Nhiều năm liên tục, Tỉnh ủy đã dành, ưu tiên chỉ tiêu để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về công tác tại khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhưng tiếc là chưa tuyển dụng được trường hợp nào.

Tâm tư người trong cuộc

Tính đến thời điểm này, Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1999) là công chức duy nhất được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Ngọc Anh nguyên là học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm 2017. Em trúng tuyển vào chuyên ngành kiểm toán, Viện đào tạo chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong thời gian là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngọc Anh đã giành huy chương vàng Toán sinh viên toàn quốc 2 năm liên tục (2018 - 2019). Em tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2021 và được tuyển dụng vào làm tại Thanh tra huyện Tân Lạc.

Chia sẻ với chúng tôi, Ngọc Anh cho biết: Khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc hệ đào tạo chất lượng cao, em có khá nhiều cơ hội làm việc ở Hà Nội với mức thu nhập cao. Tuy nhiên em đã chọn về Hòa Bình làm việc. Lý do chính vì đây là quê hương mình, gia đình mình ở đây chứ không hoàn toàn vì các chính sách ưu đãi, đãi ngộ. Vì tâm lý của đa số sinh viên mới ra trường đều muốn làm việc ở thành phố lớn, thu nhập cũng cao hơn mức thu nhập ưu đãi mà em đang được hưởng hiện nay. Ngoài ra, tâm tư của cá nhân em cũng như các bạn tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ trẻ khác quan tâm nhất đó là môi trường làm việc, cơ hội nào cho chúng em được phát huy năng lực, từng bước có vị trí trong cơ quan nhà nước.

Tâm tư của Ngọc Anh cũng là thực tế gây khó cho việc thu hút nhân tài tại tỉnh ta hiện nay. Công tác tuyển dụng, sử dụng và nhất là bổ nhiệm công chức, viên chức nhìn chung chưa có sự mạnh dạn, đột phá, chưa bảo đảm triệt để nguyên tắc khách quan, minh bạch, công khai. Công tác bổ nhiệm vẫn thực hiện "an toàn” theo lối mòn cũ, ưu tiên người có kinh nghiệm lâu năm, thậm chí đâu đó vẫn còn bị chi phối bởi các mối quan hệ thân quen, họ hàng, nể nang... Khi không được trọng dụng, không được đãi ngộ phù hợp, nhân tài không tha thiết về tỉnh hoặc đã về rồi thì cũng rất dễ "dứt áo ra đi”.

Cơ chế thu hút chưa thực sự hấp dẫn người tài

Ngày 24/12/2021, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 434-QĐ/TU về kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hòa Bình năm 2021. Trong 52 chỉ tiêu tuyển dụng, BTV Tỉnh ủy dành 8 chỉ tiêu để tuyển dụng công chức theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên không có bất cứ hồ sơ nào ứng cử. Tình trạng này cũng đã diễn ra nhiều năm nay, việc thu hút nhân lực là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan khối Đảng, MTTQ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên chính quyền, công tác tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP tuy có khởi sắc hơn nhưng cũng vẫn còn rất khiêm tốn. Theo đó, 6 năm qua, bên khối chính quyền tỉnh chỉ tuyển được 1 công chức về công tác tại Thanh tra huyện Tân Lạc, 4 viên chức là giáo viên về công tác tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ và Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh.

Với phẩm chất, năng lực của mình, nhân tài góp phần tạo ra hình ảnh mới về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Ngoài những đặc điểm như tinh thần trách nhiệm, đạo đức và văn hóa công vụ, nhân tài là những người có năng lực, có tầm nhìn, có khả năng sáng tạo và tạo ra thay đổi, đột phá để phát triển. Đội ngũ CBCCVC là hình ảnh của Nhà nước trước Nhân dân, vì vậy, nhân tài trong các cơ quan nhà nước góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của người dân vào năng lực thực thi công vụ. Do đó, nhiều năm qua, vấn đề tuyển dụng người tài vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị luôn được tỉnh quan tâm. Tuy vậy kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Vậy đâu là những cái khó đã "bó” việc tuyển dụng, thu hút nhân tài?

Thực tế tìm hiểu được biết, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP quy định chính sách đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng là: vẫn phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian ít nhất là 3 tháng (đối với các trường hợp thông thường tập sự 12 tháng - PV); trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm theo quy định (đối với các trường hợp thông thường được hưởng 85% mức lương); ngoài hưởng lương theo hệ số quy định sẽ được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời gian 5 năm kể từ ngày được tuyển dụng; nếu được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 3 năm liên tục kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, sẽ được đặc cách cử tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên chính (đối với các trường hợp thông thường là 9 năm)…

Như vậy, so với các trường hợp thông thường thì chế độ ưu đãi đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là được giảm thời gian tập sự, sớm được thi chuyển ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp; thu nhập gồm lương và phụ cấp trong 5 năm đầu sẽ gấp đôi các trường hợp tuyển dụng thông thường. Tuy nhiên, sau 5 năm ưu đãi, chế độ lương, phụ cấp sẽ chỉ còn được hưởng như cán bộ thông thường. Hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP và tỉnh ta cũng chưa có quy định về việc "đặc cách” trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm đối với các trường hợp được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. 

Ngoài ra, nếu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về làm việc ở các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nước ngoài sẽ có cơ hội học tập, cọ xát, giúp tân cử nhân được "dụng võ” nhiều hơn, tiếp cận quốc tế. Về thu nhập, khối DN có mức lương, đãi ngộ tốt hơn nhiều so với các cơ quan hành chính nhà nước. Chưa kể sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là những cá nhân sở hữu thành tích học tập, nghiên cứu khoa học nên có nhiều cơ hội nhận được học bổng, du học. Do đó, với chế độ lương, phụ cấp và ưu đãi như hiện nay, cơ quan hành chính nhà nước sẽ khó thu hút người tài. 

(Còn nữa)

Dương Liễu

Các tin khác


Gỡ “nút thắt” phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 2 - Nhận diện “điểm nghẽn”

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và hợp tác xã hoạt động với tổng số trên 81.000 lao động. Tuy nhiên mới có trên 60 doanh nghiệp có tổ chức đảng với gần 1.200 đảng viên. Điều này cho thấy có "điểm nghẽn”, khiến kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.

Gỡ “nút thắt” phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Bài 1 - Đảng viên tiên phong, doanh nghiệp phát triển

(HBĐT) - Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) là nhiệm vụ rất quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này cho thấy còn những "điểm nghẽn”, cần đồng bộ giải pháp, cách làm để "khơi thông”. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh trong DNNKVNN là tiền đề, cơ sở để tạo động lực thi đua lao động sản xuất. Thực tế cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, lực lượng đảng viên đã phát huy hiệu quả vai trò tiền phong, gương mẫu, nỗ lực sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động.

Ấm áp bữa cơm gia đình phạm nhân

(HBĐT) - Một ngày cuối tháng 9, không khí tại Trại tạm giam Công an tỉnh nhộn nhịp, ấm áp bởi nơi đây diễn ra một buổi lễ đặc biệt. Đó là hội nghị gia đình phạm nhân - cuộc hội ngộ của các phạm nhân với những người thân của họ.

Phục sinh làng Mường trên đất nước triệu voi

(HBĐT) - Tháng 6/2022, chúng tôi từ TP Hòa Bình vào huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa dự giỗ lần thứ 186 cụ Quách Văn Hiệp và ra mắt tập sách "Miền thương nhớ” của cụ Quách Thuận Lương. Các cụ gốc người Mường Khụ, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). Cụ Quách Văn Hiệp là người có công lãnh đạo dân Mường từ Ngọc Lâu vào khai phá, lập làng vùng Lân Ru (nửa sau thế kỷ XIX), sau là châu Như Xuân và nay là 2 huyện Như Thanh, Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong chuyến đi này, kỹ sư thủy lợi Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tiết lộ: "Ở tỉnh Hủa Phăn (Lào) có một làng người Mường sinh sống” làm chúng tôi rất ngạc nhiên và ấp ủ ý tưởng sang Lào tìm hiểu thực hư.

Thú câu cá trên lòng hồ - gạt bỏ những lo toan cuộc sống

(HBĐT) - Lòng hồ sông Đà phong cảnh hữu tình, không chỉ có tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch mà còn là điểm hẹn của những người yêu thích thiên nhiên với những chuyến dã ngoại, thỏa mãn thú vui câu cá.

Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 3 - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục