Trong chuyến về nguồn tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có dịp viếng thăm một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh vào tháng 12/1972” (Khu di tích 915) tại ga Lưu Xá, nay thuộc phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây lưu giữ những chứng tích tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra trên đất nước ta, cũng là nơi viết nên bản hùng ca bất tử của 60 TNXP Đại đội 915 thuộc Đội 91 tỉnh Bắc Thái.


Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh vào tháng 12/1972” thu hút đông đảo người dân, du khách thăm viếng, tri ân.       

Bước qua cánh cổng lớn, đặt chân vào khuôn viên khu di tích, các thành viên trong đoàn có cảm nhận như bước vào khoảng lặng. Sau khi làm lễ dâng hương, hướng dẫn viên Lê Hồng đưa chúng tôi tham quan các điểm nhấn trong khu di tích và giới thiệu: Đại đội TNXP 915 được thành lập tháng 6/1972 thuộc Đội 91 tỉnh Bắc Thái, có nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 1B, đoạn từ cầu Gia Bẩy, TP Thái Nguyên đến xã La Hiên, huyện Võ Nhai. Sau đó chuyển sang đóng quân tại xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên, làm nhiệm vụ phục vụ giao thông trên tuyến đường 16A từ chùa Hang đi Trại Cau. Đây là tuyến đường vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho Việt Nam. Với vị trí trọng yếu này, đế quốc Mỹ thường xuyên cho máy bay bắn phá dữ dội hòng cắt đứt tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa của ta. Trước tình thế gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng được viện trợ còn tồn ở trung tâm (TP Thái Nguyên ngày nay), nếu không giải tỏa kịp thời bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy sẽ tổn thất vô cùng to lớn.

Nhận rõ yêu cầu, nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, cán bộ, đội viên Đại đội 915 đã xung phong đi làm nhiệm vụ. Sáng 24/12/1972, dưới sự chỉ huy của Đội phó Đội 915 Nguyễn Thế Cường, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 khẩn trương làm nhiệm vụ bốc xếp, giải tỏa hàng hóa. Đến chập tối số lương thực, hàng hóa tồn đọng ở ga Lưu Xá đã cơ bản được giải tỏa. Cả đơn vị chưa kịp ăn cơm tối thì máy bay của Mỹ đánh phá vào khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam TP Thái Nguyên (nơi có cảng cạn ga Lưu Xá và nhà máy gang thép). Những trái bom oan nghiệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915. Sự hy sinh của 60 cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915 là tổn thất rất lớn của lực lượng TNXP ở hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Để tưởng nhớ sự hy sinh của các TNXP, năm 1994, Thành Đoàn Thái Nguyên phát động xây dựng công trình Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đại đội 915. Năm 1996, Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP chính thức được xây dựng trên diện tích rộng hơn 400m2. Tháng 12/2009, Khu di tích 915 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình gồm 14 hạng mục. Đến tháng 4/2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, triển khai dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích 915 như hiện tại. Khu di tích có khuôn viên rộng 4,75ha, gồm các hạng mục như: cổng tam quan, hai hàng trụ đá hai bên biểu tượng cho sức mạnh chiến đấu của chiến sĩ Đại đội 915, cột cờ, gác chuông, hồ nước, gian thờ, khu lưu giữ và trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh, toa tàu và đường ray… Cùng với đó, Bảo tàng Thái Nguyên đã dày công sưu tầm, trưng bày gần 350 hiện vật, tài liệu, tư liệu nhằm tái hiện cuộc sống khó khăn, chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TNXP tại nhà trưng bày trong khu di tích.

Đứng trước tấm bảng khổ lớn, nền đỏ in 7 bức ảnh TNXP còn sống sót sau trận bom đêm 24/12/1972, hướng dẫn viên Lê Hồng chia sẻ: Các cô chú đã may mắn sống sót trong trận bom oan nghiệt, nhưng cả cuộc đời luôn mang nỗi ám ảnh, nhớ thương những  đồng đội đã ngã xuống và nằm lại nơi này. Như cựu TNXP Hoàng Văn Thắng, vì luôn nhớ hình ảnh người yêu chới với trước khi bị đống đất đá lấp vùi mà đã ở vậy suốt đời không màng tới chuyện xây dựng gia đình. Hầu hết cựu TNXP trong ảnh đều có cuộc sống khó khăn, vất vả. Khi còn đi lại được các cô chú thường xuyên đến khu di tích thắp hương, chuyện trò cùng đồng đội. Họ là những "nhân chứng sống” giúp Ban quản lý khu di tích viết tiếp những trang sử vẻ vang của Đại đội TNXP 915, để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. 


Thúy Hằng
(CTV)

Các tin khác


Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại:

Bài 3 - Động lực cho Mo Mường "cất cánh"

Nhằm lưu giữ, phát triển những giá trị văn hoá đặc sắc của Mo Mường, tỉnh Hoà Bình xác định Mo Mường là di sản văn hoá (DSVH) cần bảo tồn và phát huy (BT&PH) trong đời sống cộng đồng và đưa vào từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ: ... Xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Mo Mường là DSVH phi vật thể của nhân loại. Để thực hiện mục tiêu đề ra, vượt qua nhiều khó khăn, tỉnh Hòa Bình phối hợp với các tỉnh bạn đã hoàn thành có chất lượng bộ hồ sơ di sản Mo Mường trình UNESCO.

Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại:

Bài 2 - Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường

Trước thực tế Mo có nguy cơ mai một, các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, không gian diễn xướng dần thu hẹp, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy (BT&PH) giá trị di sản văn hóa (DSVH) Mo Mường. Ở từng địa phương, tùy theo điều kiện đã có những việc làm cụ thể để "giải cứu” những áng Mo Mường.

Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Bài 1 - Giá trị trường tồn của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục