Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Mo Mường là sáng tạo vĩ đại của người Mường. Mo tích tụ gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường: lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt... Trong đó, phản ánh rõ nét thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường cần được trân trọng, bảo tồn. Có người nói rằng, Mo Mường là cuốn bách khoa thư dân gian về người Mường còn chưa được nghiên cứu, hiểu biết thấu đáo, đầy đủ.


Thầy Mo Bùi Văn Lựng, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) làm lễ trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024. Ảnh: P.V

Mo trong đời sống người Mường xưa

Mo Mường Hòa Bình là một chỉnh thể gồm các lễ thức Mo, lời Mo và diễn xướng Mo. Quá trình hành lễ Mo Mường là sự tiến hành các lễ thức Mo, khấn và ngâm lời Mo thông qua vai trò diễn xướng của ông Mo. Cho đến nay, người Mường ở các vùng Mường trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hành 5 làn điệu mo được dân gian đặt tên là "Ò hoi”, "Dà dê”, "Hâm mo”, "Dà đôông” và "Hệu kệu”. Dựa trên thống kê của các nhà nghiên cứu, sự tồn tại thực tế của Mo Mường Hòa Bình và mức độ phổ biến của các lễ thức, xác định nghi lễ Mo Mường Hoà Bình bao gồm 12 lễ thức cơ bản, gồm: Nhập khăng, Tống Tlùng, cúng thần Kẹ, Đạp ma, Dâng ăn, Gọi nhờ nổ, Nhìn họ - nhìn Mường, Mo lên trời - xuống đất, Mo kể chuyện, Mo nhà xe, Chia cắt chia lìa, Về rừng.

Lịch sử Mo Mường chưa ai rõ có từ bao giờ, chỉ biết có lâu lắm rồi. Và Mo sử thi Đẻ đất - đẻ nước được xác định là rất lâu đời. Không biết ai sáng tạo ra Mo Mường, có thể từ tập thể. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn cho rằng: Việc xác định niên đại hay lịch sử của một nổ - dòng họ Mo khá rõ ràng, được thể hiện trên bàn thờ. Nhà thầy Mẹo, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn có 19 bát hương Thân Thư, mỗi đời tạm tính 20 năm, như vậy nhà thầy đã có hơn 300 năm làm nghề Mo. Về nguồn gốc sinh ra thầy Mo trong truyền thuyết dân gian, mỗi vùng lại có những truyền thuyết dân gian khác nhau. Mo Mường là 1 loại nghề nghiệp, nghề Mo bắt đầu hình thành từ khi xã hội Mường có sự phân chia giai cấp. Tầng lớp thầy Mo như một công cụ thần quyền để cai trị dân Mường bằng cả cường quyền và thần quyền. Thầy Mo được coi như người có năng lực phi thường giúp kết nối người sống và người chết, điểm tựa tâm lý cho gia chủ trong khi nhà có tang. Thầy Mo là người có uy tín trong cộng đồng.

Mo gắn liền với vòng đời của con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, vai trò của thầy Mo thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an… Trong các lễ hội bản Mường, mo cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ bội thu. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, thầy mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.

Mo Mường trường tồn trong lòng dân tộc

Trước đây, Mo tang ma kéo dài 12 ngày, 12 đêm nhưng hiện nay được gói gọn trong 2 giờ. Người Mường Hòa Bình quan niệm chết chưa phải là hết và có 3 tầng thế giới liên quan đến nhau (thế giới của Mường trời, thế giới của người đang sống và thế giới âm phủ). Do vậy, trước khi chết người Mường phải làm lễ Mo tang ma để đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Mo Tang ma là lời ý nghĩa trong việc lời hay ý đẹp để dăn dạy con cháu và là lần cuối cùng con cháu, người thân báo hiếu với người đã mất.

Tuy nhiên, cũng một thời gian dài, mo bị xem là mê tín, dị đoan, bị cấm nên đã lệch lạc giá trị. Trong khi đó, các nghệ nhân Mo ngày càng ít, thế hệ trẻ không mặn mà với mo. Theo thời gian, những áng mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong mo mai một. Tính chất phức tạp đó không chỉ bắt nguồn từ sự vận động nội tại của Mo Mường Hòa Bình, mà còn do mâu thuẫn giữa nhu cầu về mo trong tâm thức của người Mường với sự thay đổi trong suy nghĩ của họ trước thực tiễn cuộc sống và yêu cầu từ chính sách mới về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn hiện nay, Mo Mường cũng có những biến đổi lớn, bao gồm cái mới, cái tích cực. Mo là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình. Mo chính là tính cách, là tâm hồn và đạo nghĩa của dân Mường. Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học, nhân học của các học giả trong nước và quốc tế đã nghiên cứu, làm sáng tỏ các giá trị của Mo Mường càng khắc họa thêm sức sống trong lòng dân tộc Mường.

Là 1 trong 8 người đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (từ năm 2015), đến nay, ôngBùi Văn Lựng, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn miệt mài mang những áng Mo Mường quảng bá vang xa. Ông còn là một trong số ít nghệ nhân được tham gia diễn xướng Mo Mường tại Sommelo (Phần Lan). Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ Nghệ nhân Bùi Văn Lựng trong các ngày hội lớn của huyện Tân Lạc và của tỉnh. Ông sinh năm 1957 trong dòng họ có 9 đời làm thầy Mo. Ông từng đi bộ đội, anh em trong nhà đều tham gia công tác xã hội. Tuy nhiên, ông được dòng họ chọn kế nghiệp làm thầy Mo. Bởi nghề Mo đến với ông như một cơ duyên. Ông Bùi Văn Lựng chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã thích nghe mo, nhưng mãi đến năm 25 tuổi mới chính thức theo học nghề và năm 27 tuổi bắt đầu hành nghề Mo. Tôi đã đem những áng Mo Mường tới cầu phúc, khuyên răn bà con khắp mọi nơi trong từng nếp ăn ở, sinh hoạt văn hóa đời thường; trong các đám cưới, đám ma, làm nhà, cúng mụ, trong các lễ hội cộng đồng như lễ hội Khai hạ Mường Bi, đến các ngày lễ lớn của tỉnh như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình; Lễ kỷ niệm ngày thành lập tỉnh; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc Tây Bắc, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình…

Có thể khẳng định, trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh nói chung. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá này. Mo Mường đã góp phần hình thành, dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình.

(Còn nữa)

Hương Lan


Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục