Sáng 3/6/2024, sau gần 2 giờ di chuyển từ thị trấn Sầm Nưa, vượt qua nhiều cung đường khó, đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hòa Bình đã đến huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào tham dự sự kiện: Khánh thành và bàn giao Dự án xây dựng Trường THPT huyện Hủa Mường. Đây là dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào, do UBND tỉnh Hòa Bình và Uỷ ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn thực hiện. Tỉnh Hòa Bình được Chính phủ giao làm chủ dự án. 


Niềm vui của các thầy, cô giáo và học sinh trong ngày khánh thành công trình Trường THPT huyện Hủa Mường mang dấu ấn tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác Hòa Bình - Hủa Phăn.

Những ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ của các thầy, cô giáo, học sinh Trường THPT huyện Hủa Mường tại buổi lễ khiến đoàn đại biểu tham dự và các vị khách quý đều thấy vui. Thầy giáo Phuông-khăm-sy-sôm-phông, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hủa Mường là huyện nghèo, hạ tầng kinh tế, xã hội khó khăn, giao thông đi lại hiểm trở, nguồn thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ Việt Nam, điều kiện sống của nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, được tiếp nhận và hưởng lợi từ công trình trường học mơ ước, các thế hệ thầy, trò và con em đang sinh sống trên vùng đất Hủa Mường vô cùng cảm động và biết ơn Chính phủ Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.  

Có tổng mức đầu tư 156,2 tỷ đồng, trong đó, 126,6 tỷ đồng từ vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Lào, công trình Trường THPT huyện Hủa Mường gồm 6 khối nhà chính: nhà lớp học 2 tầng, 16 phòng học, tổng diện tích sàn 1.390m2 với đầy đủ thiết bị dạy và học; nhà đa năng với thiết bị sân khấu, loa đài; nhà hành chính - hiệu bộ 2 tầng, 8 phòng làm việc được trang bị nội thất cơ bản; nhà khoa bọc bộ môn - thư viện 2 tầng kèm theo bàn ghế, thiết bị thí nghiệm phục vụ giảng dạy, thực hành; nhà ăn 1 tầng hơn 400 m2 với thiết bị nhà bếp, bàn ghế theo thiết kế. Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ (cổng, tường rào, sân trường, bục chào cờ, sân đường nội bộ, nhà thường trực,  nhà để xe, nhà vệ sinh và hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước hoàn chỉnh), các hạng mục sử dụng vốn dư (xây mới tuyến kè bê tông cốt thép, kè đá xây, cải tạo, sửa chữa 3 nhà lớp học, 1 nhà công vụ giáo viên và bổ sung hệ thống máy chiếu, màn chiếu, hệ thống phát sóng wifi, hệ thống âm thanh thông báo).

Ông Phạm Quang Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực tỉnh Hòa Bình cho biết: Trải qua 3 năm thi công gấp rút, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch  Covid-19 nhưng với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban hợp tác 2 nước, chính quyền 2 tỉnh, công trình đã về đích đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo đủ điều kiện đưa vào bàn giao, sử dụng. Các đơn vị thực hiện dự án phía Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, dồn tâm huyết thực hiện công trình, coi công trình đầu tư cho nhân dân Lào cũng như công trình đầu tư cho nhân dân Việt Nam với tôn chỉ "Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc”.

Tới dự lễ khánh thành, bàn giao và tham quan quang cảnh, khuôn viên ngôi trường mới to đẹp, khang trang, đại biểu khách đến từ các bộ, ngành, Ủy ban hợp tác 2 nước và đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Hòa Bình đều phấn khởi, vui mừng. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ tình cảm thân thiết và gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới tập thể thầy, cô giáo, các em học sinh Trường THPT huyện Hủa Mường. Đồng chí mong muốn với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư, trang bị hiện đại, thầy, cô giáo và học sinh của nhà trường sẽ phát huy, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”. Qua đó, chất lượng giáo dục cấp phổ thông tập trung, nhất là cấp THCS đến THPT trên địa bàn huyện sẽ từng bước được nâng cao. Ngôi trường cũng là địa chỉ đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ, mở ra hướng mới đầy triển vọng cho phát triển giáo dục và nâng cao dân trí cho huyện Hủa Mường.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong triển khai dự án có đề xuất đưa giảng dạy tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của Trường THPT huyện Hủa Mường nhằm cụ thể hóa thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ 2 nước đối với công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và góp phần tăng hiệu quả dự án. Việc đưa chương trình giảng dạy tiếng Việt trong trường THPT giúp các em học sinh Lào có nền tảng ngoại ngữ trong quá trình học tại các trường cao đẳng, đại học của Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã ký kết biên bản thỏa thuận với 2 tỉnh thuộc Bắc Lào là Luông Pha Băng và Hủa Phăn. Bên cạnh dự án xây dựng Trường THPT huyện Hủa Mường, tỉnh Hoà Bình thực hiện chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ với nội dung cụ thể là đào tạo du học sinh Lào trình độ cao đẳng, trung cấp cho tỉnh Hủa Phăn. Tại 2 trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình và Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình (TP Hòa Bình) có nhiều lưu học sinh, sinh viên Lào theo học. Một số du học sinh Lào sau khi hoàn thành đào tạo đã về nước, được bố trí công việc phù hợp, phục vụ tốt công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. 2 tỉnh Hòa Bình - Hủa Phăn cũng xúc tiến hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin và có thêm nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ nhau giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh. Từ đây, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước, quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị Hòa Bình - Hủa Phăn sẽ được tăng cường và càng thêm khăng khít.
(Còn nữa)


Bùi Minh

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 1 - "Nóng” chuyện giải ngân,cả hệ thống chính trị vào cuộc

Những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Hòa Bình đạt thấp, trong đó, nhiều dự án trọng điểm đạt rất thấp. Thực tiễn đòi hỏi cần triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành mục tiêu đến ngày 31/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao.

Nhớ mãi lần tác nghiệp ở nhà giàn DK1

Trong duyên nghiệp của đời người, chúng tôi có những dịp đi đến các vùng biển đảo, vùng biên viễn của Tổ quốc và cũng có lần tác nghiệp ở nước ngoài, nhưng chuyến đi công tác ở nhà giàn DK1 (Vùng 2 Hải quân) để lại những dư âm đặc biệt nhớ mãi không quên…

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!


Bài 3 - Có hay không việc ông Miễn được cấp thửa đất khác? 

 Một trong những căn cứ các cơ quan chức năng "bám” vào để kiến nghị UBND tỉnh giải quyết vụ việc bằng Quyết định số 1175/QĐ-UBND, ngày 18/5/2007 (thu hồi và hủy Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 3/12/2003), đó là việc năm 1977, gia đình ông Đinh Văn Miễn đã được Hợp tác xã (HTX) Côm - Trác - Vượng cấp đất thổ cư ra mặt đường 12b, thể hiện trên bản đồ là thửa đất số 46 để làm căn cứ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 43a, diện tích 52,8m2 cấp cho hộ ông Miễn vì đã cấp trùng lên diện tích đất hộ ông Phẩm đang sử dụng. Tuy nhiên, tại một số hồ sơ, tài liệu chúng tôi thu thập được thì các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện xác định đây là việc không có thật.

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!

Bài 2 - Quyết định sau "đè” quyết định trước, dân ấm ức kêu oan 

 Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1175/QĐ-UBND, ngày 18/5/2007 thu hồi và hủy Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 3/12/2003. Cho rằng Quyết định số 1175/QĐ-UBND giải quyết không đúng bản chất vấn đề; các nội dung trong báo cáo của Ban quản lý (BQL) xóm Thịnh Vượng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) tại cuộc họp ngày 22/2/2006 không đúng sự thật dẫn đến việc oan sai, suốt 17 năm qua, ông Đinh Văn Miễn đã gửi đơn kêu oan đi khắp nơi mong cầu được làm rõ tận gốc rễ vấn đề.

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!

Bài 1 - Vì 50 mét vuông đất, mất hết tình làng, nghĩa xóm

Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành thông báo về việc "chấm dứt giải quyết khiếu nại” đối với đơn thư của ông Đinh Văn Miễn, trú tại xóm Thịnh Vượng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy). Tuy nhiên, cho rằng các cơ quan chức năng đã giải quyết nội dung khiếu nại của mình còn nhiều uẩn khuất, chưa thỏa đáng nên suốt từ năm 2007 đến nay, ông Miễn đã làm đơn gửi đi khắp nơi, trong đó có Báo Hòa Bình đề nghị thông tin, làm rõ...

Nơi vang vọng khúc tráng ca bất tử của Đại đội thanh niên xung phong 915

Trong chuyến về nguồn tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi có dịp viếng thăm một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Khu di tích lịch sử quốc gia "Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh vào tháng 12/1972” (Khu di tích 915) tại ga Lưu Xá, nay thuộc phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây lưu giữ những chứng tích tội ác chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra trên đất nước ta, cũng là nơi viết nên bản hùng ca bất tử của 60 TNXP Đại đội 915 thuộc Đội 91 tỉnh Bắc Thái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục