Vào chiều Chủ nhật hàng tuần, tiếng chiêng Mường lại vang lên trong không gian quen thuộc của nhà văn hóa thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao người cao tuổi thôn 5 say sưa truyền dạy cho nhau cách đánh chiêng. Từ cách cầm chiêng, đánh dùi thế nào để phát ra thanh âm đẹp, đến cách phân nhịp và cảm thụ âm thanh, cách phân biệt làn điệu chiêng Mường so với loại hình cồng chiêng của dân tộc khác… Gần 14 năm nay, đây là nội dung sinh hoạt đã kết nối các thành viên và tạo bản sắc cho CLB.
"Là người Mường phải biết đánh chiêng Mường”
Ông Dương Xuân Bính - Chủ nhiệm CLB có tình yêu tha thiết với chiêng Mường. Gắn bó với vùng đất Yên Bình 58 năm nay, ông hiểu được từng lớp lang văn hóa ẩn chứa trong mỗi bài chiêng. Đối với người Mường, chiêng không đơn thuần là nhạc cụ mà còn là hồn cốt văn hóa, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được gìn giữ trong chính cộng đồng sản sinh ra nó.
Ông Bính cho biết: CLB Văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao người cao tuổi thôn 5 được thành lập tháng 10/2010, tức 2 năm sau thời điểm xã sáp nhập về huyện Thạch Thất. CLB ra đời xuất phát từ nhu cầu, tâm huyết của những người cao tuổi muốn chung tay bảo tồn và phát triển văn hóa chiêng Mường. Vì thế, đây là nội dung sinh hoạt nòng cốt của CLB suốt 14 năm qua. Hiện, CLB có 71 hội viên thì trong đó một nửa là dân tộc Mường; những người còn lại đều yêu mến nét văn hóa của người Mường mà tìm đến với chiêng.
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đoàn Thị Thịnh, người Mường ở Yên Bình vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Về văn hóa vật thể có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt. Về văn hóa phi vật thể có ngôn ngữ, Mo Mường, các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian… Đặc biệt, chiêng Mường thu hút sự yêu mến của các tầng lớp nhân dân. Xã có 6 thôn, thôn nào cũng có đội chiêng thường xuyên tập luyện và tham gia tích cực các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.
"Chúng tôi suy nghĩ đơn giản là người Mường phải biết đánh chiêng Mường. Hơn thế nữa, chiêng Mường còn thu hút nhiều dân tộc khác, làm say đắm lòng người và tạo thành sợi dây văn hóa vô hình kết nối các giá trị tốt đẹp” - Chủ tịch UBND xã Yên Bình tự hào chia sẻ.
Quả thật đáng tự hào khi những năm qua, tiếng chiêng của người Mường Thạch Thất xuất hiện ngày càng nhiều trong các sự kiện lớn của huyện và thành phố Hà Nội, chứng tỏ sức hút và khả năng hội nhập mạnh mẽ. Chung niềm đam mê, những người yêu văn hóa chiêng Mường đã cùng nhau đưa tiếng chiêng ngân vang giữa bầu trời Hà Nội, xuất hiện đầy bản sắc trong các sự kiện văn hóa nổi bật của Thủ đô, như Festival Thu Hà Nội 2023, Hương sắc Tây Hồ 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024…
Củng cố sức mạnh nội sinh
Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn. Trong đó, 12 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bằng; 8 xã thuộc vùng đồi gò ven sông Tích; 3 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trên địa bàn huyện có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Kinh chiếm 94,32%; các DTTS chiếm 5,68% thì chủ yếu là dân tộc Mường, sinh sống tập trung ở 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.
Nhớ lại năm 2008, thời điểm 3 xã mới sáp nhập về huyện Thạch Thất, khó khăn bộn bề. Nỗi lo về phát triển kinh tế song hành với những tâm tư, nguyện vọng về việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Năm 2009, huyện đầu tư cho mỗi xã 2 bộ chiêng quý để khởi động hành trình khôi phục, phát triển nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Cùng với đó, huyện đã mời các nghệ nhân đánh chiêng uy tín của tỉnh Hòa Bình mở lớp dạy nghệ thuật chiêng cho đồng bào Mường, thu hút hàng trăm người tham gia.
Cũng như Thạch Thất, các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức có nhiều người Mường sinh sống và luôn chú trọng giữ gìn bản sắc dân tộc Mường. Năm 2016, các huyện bắt đầu triển khai Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016 - 2020”. Tại huyện Ba Vì, Đề án xác định các mục tiêu quan trọng: 100% thôn, bản có đội chiêng và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo chiêng trong sinh hoạt cộng đồng và đạt yêu cầu để tham gia các sự kiện văn hóa, nghệ thuật có tầm vóc. 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng. 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Mường trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ. Khuyến khích tổ chức các sinh hoạt theo phong tục, tập quán của người Mường trong không gian văn hóa nhà sàn truyền thống... Cũng trong khuôn khổ Đề án, các xã chú trọng triển khai các giải pháp gìn giữ và phát huy giá trị của Mo Mường, đưa Mo Mường vào đời sống tinh thần của đồng bào Mường, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, hương ước của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì trao đổi: Biến tư duy thành hành động, chính quyền địa phương đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để khôi phục, gìn giữ, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường nói riêng, đồng bào các DTTS nói chung. Điển hình như quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, tạo chuyển biến tích cực trong môi trường văn hóa cơ sở, chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa trong cộng đồng như hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao DTTS, ngày hội văn hóa - thể thao DTTS, hội diễn dân ca và cồng chiêng dân tộc Mường… Thông qua đó đã tiếp thêm sức mạnh cho văn hóa dân tộc, giúp đời sống văn hóa tinh thần của người Mường ở Thủ đô được bồi đắp phong phú hơn. Đây cũng là nguồn tài nguyên văn hóa giàu giá trị, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc.
Thực tế những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng triển khai các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố sức mạnh nội sinh để hòa nhập và góp phần phát triển văn hóa Hà Nội. Chiến lược phát triển văn hóa của Thủ đô được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án. Nổi bật như kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng DTTS gắn với chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020; đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn thành phố; 9 chương trình bảo tồn và phát huy các di sản có nguy cơ bị mai một trên địa bàn thành phố…
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được triển khai với quyết tâm khôi phục, phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp, biến tiềm năng văn hóa trở thành nguồn lực văn hóa, thành "sức mạnh mềm” của Thủ đô. Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình công tác lớn toàn khóa về văn hóa, trọng tâm là tạo đột phá về phát triển văn hóa và con người Hà Nội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng nêu bật quyết tâm phát triển văn hóa Hà Nội, xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trên hành trình chung của thành phố, có những bước chân nhỏ bé của đồng bào dân tộc Mường ở Thủ đô.
(Còn nữa)
Thu Trang