Trong không khí của những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình.


Nhà truyền thống khu di tích lịch sử cách mạng chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) lưu giữ nhiều hiện vật ghi đậm dấu ấn lịch sử hào hùng.

Trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, tại chiến khu Mường Khói, các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyện Lạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hoà Bình.

Khu di tích lịch sử chiến khu cách mạng Mường Khói có diện tích trên 3.000m2, với các công trình: nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chiến khu Mường Khói… Khu di tích đang được Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên khu di tích, ông Bùi Văn Nhen, quản lý khu di tích chậm rãi kể: Mường Khói xưa gồm 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, nay thuộc 2 xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ, nằm ở phía Đông Nam huyện Lạc Sơn. Đây là cái nôi cách mạng của huyện Lạc Sơn, diễn ra nhiều sự kiện cách mạng tiêu biểu trong phong trào chống Nhật và chống Pháp. Với địa hình núi rừng hiểm trở thuận lợi cho hoạt động cách mạng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn Mường Khói để xây dựng chiến khu cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tháng 7 - 8/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ mở lớp Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu tại xóm Lòn.

Với khí thế cách mạng sục sôi, đội quân du kích chiến khu cách mạng Mường Khói với vũ khí thô sơ như dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chờ thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 20/8/1945, 17 đội viên du kích Mường Khói cùng 200 quần chúng cách mạng đốt đuốc xuất phát kết hợp lực lượng quần chúng thị trấn Vụ Bản thị uy giành chính quyền châu lỵ Lạc Sơn. Đại đội lính bảo an của Nhật đóng ở thị trấn Vụ Bản trước sức mạnh của lực lượng cách mạng mạnh đã tự đầu hàng, giao nộp vũ khí cho đội quân du kích Mường Khói.

Sáng 21/8/1945, gần 50 chiến sỹ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản giương cao cờ đỏ sao vàng, theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình, phối hợp cùng lực lượng của các chiến khu: Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý - Hiền Lương giành chính quyền tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

Nơi chiến khu xưa giờ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và nhân dân. Em Bùi Thành Vương, học sinh lớp 12A, Trường THPT Đại Đồng chia sẻ: Được nghe kể về cuộc khởi nghĩa xưa của quân và dân Mường Khói, những hình ảnh như thước phim quay chậm hiện ra theo lời kể khiến em và các bạn trào dâng cảm xúc đặc biệt và càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ân Nghĩa, năm 1993, chiến khu cách mạng Mường Khói được cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 2000, xã Ân Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Hiện nay, nhà truyền thống chiến khu Mường Khói lưu giữ nhiều hình ảnh và hiện vật quý gắn liền với hoạt động cách mạng giai đoạn chống Nhật và chống Pháp của quân và dân Lạc Sơn. Mỗi hiện vật in đậm dấu ấn lịch sử về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc, trở thành địa chỉ đỏ để khách du lịch, cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tìm về với mong muốn tìm hiểu lịch sử, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các sự kiện kết nạp đoàn viên của các trường học đều được diễn ra ở đây.

Đồng chí Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân Ân Nghĩa đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng quê hương. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,95%; 100% người dân tham gia BHYT… Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

  

Đinh Thắng

Các tin khác


Cuộc sống của người dân xóm Ngòi, xã Suối Hoa bị ảnh hưởng sau đợt mưa lớn

Những trận mưa lớn liên tiếp trên địa bàn tỉnh vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tại các khu vực lân cận đường tỉnh 435 thuộc xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), mưa lớn kéo dài đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất, đá và sụt lún, nứt. Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng phần nền, mặt đường nứt, gãy tạo thành những hố sâu gây nguy hiểm khi lưu thông. Đây là tuyến đường nối trung tâm thành phố Hòa Bình với các xã Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong) và xã Suối Hoa (Tân Lạc).

“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 3 - Tiếp sức cho hoạt động cơ sở

Tỉnh Hòa Bình có 151 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 59 xã đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 1.482 thôn, tổ dân phố. Theo số liệu của UBND tỉnh, số người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ là 1.994 người. Số người hoạt động ở thôn, tổ dân phố là 16.302 người; 755 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) ở cấp xã. Tổng kinh phí khi thực hiện Nghị quyết số 379/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoảng 258,665 tỷ đồng/năm, trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương cấp theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP khoảng 209,045 tỷ đồng/năm; kinh phí từ ngân sách tỉnh bổ sung khoảng 49,620 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh đã ban hành Nghị quyết đáp ứng sự mong chờ của cử tri và Nhân dân.

“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 2 - Đưa thực tiễn cuộc sống vào nghị quyết

Qua nắm bắt thực tế tại cơ sở và các kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh đã ghi nhận sau sáp nhập, do địa bàn rộng hơn, khối lượng công việc tăng thêm mà phụ cấp không thay đổi, bên cạnh những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, đã có một số cán bộ cấp cơ sở không muốn làm bí thư chi bộ, trưởng thôn. Chưa kể đến đối với chi hội trưởng các đoàn thể ở khu dân cư như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, bí thư chi đoàn không được hưởng phụ cấp nên càng không muốn làm hoặc làm không hết trách nhiệm.

“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 1 - Khẳng định vai trò của những người “vác tù và hàng tổng”

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Hòa Bình đã đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, công tác cán bộ sau sáp nhập gặp không ít bất cập. Trong đó, với địa bàn rộng hơn, khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng số lượng cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố lại ít đi, phụ cấp còn thấp đã gây tâm tư cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội: Bài 2: Thúc đẩy du lịch Hòa Bình - Hà Nội vươn xa

Những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón gần 2,9 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 2.928 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 33%, đạt 64% kế hoạch năm. Tuy nhiên, những con số này được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, liên kết du lịch được xác định là hướng đi quan trọng nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cụ thể là liên kết phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội. Không chỉ kết nối các di tích, di sản mà còn đòi hỏi tăng cường kết nối giữa các ngành, các địa phương; giữa cộng đồng dân cư các điểm du lịch với du khách; giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch để phát triển du lịch chuyên nghiệp.

Tăng cường liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch Hòa Bình – Hà Nội: Bài 1: Hòa Bình – điểm đến hấp dẫn với du khách Thủ đô

Nằm giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng… Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn với người dân Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Thủ đô văn hiến với dày đặc các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nơi văn hóa hội tụ là điểm đến yêu thích của người dân Hòa Bình dịp cuối tuần. Tăng cường liên kết để thúc đẩy du lịch Hòa Bình – Hà Nội cùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu đặt ra đối với cả 2 địa phương trong thời gian tới. 

 Bài 1: Hòa Bình – điểm đến hấp dẫn với du khách Thủ đô

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục