>> Bài 1 - Khẳng định vai trò của những người "vác tù và hàng tổng”
>> Bài 3 - Tiếp sức cho hoạt động cơ sở
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII, nghị quyết về mức khoán kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội, chức danh không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố đã được các đại biểu thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống
Là đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: Mặc dù đã có mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) ở cấp xã; mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã được quy định tại Nghị quyết số 298/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhưng còn rất hạn hẹp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ủy thác của ngân hàng. Một số tổ chức hoạt động được nửa năm đã hết kinh phí. Mức phụ cấp thấp khiến nhiều người HĐKCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố nghỉ việc để đi làm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ do doanh nghiệp, tư nhân quản lý. Từ đó dẫn tới giảm đáng kể hiệu quả hoạt động của các tổ chức CT-XH và chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức CT-XH tại cơ sở.
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết: Từ thực tiễn ở địa phương thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau khi sắp xếp, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, nhất là các xã thuộc các tỉnh miền núi có diện tích rộng (do có nơi được sáp nhập từ 3, thậm chí 4 xã lại thành một xã) nên người dân, cán bộ, công chức (CB,CC) đi lại thực hiện các thủ tục hành chính và làm việc hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã đề nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về CB,CC cấp xã và người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tăng định mức biên chế CB,CC cấp xã, nhất là đối với những xã sau sáp nhập có diện tích rộng, giao thông đi lại khó khăn thuộc địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới. Cùng với đó là có chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên đối với CB,CC cấp xã tại những địa bàn trên cho phù hợp với tính chất và khối lượng công việc hiện nay.
Từ đòi hỏi qua thực tiễn hoạt động ở cơ sở, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP Quy định về CB,CC cấp xã và người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, thay thế các nghị định của Chính phủ đã được ban hành trước đó để điều chỉnh về CB,CC cấp xã và những người HĐKCT. So với các nghị định trước, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới quy định về người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH ở cấp xã; mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và khắc phục được các hạn chế của Nghịquyết số 298/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Quyết sách hợp lòng dân
Cụ thể mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại khoản 3, Điều 34, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về CB,CC cấp xã và người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, để xây dựng Nghị quyết về quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người HĐKCT ở cơ sở, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tư pháp và Sở Tài chính nghiên cứu, xác định Nghị quyết để quy định các nội dung theo khoản 1, Điều 27, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó đã thực hiện theo các bước cụ thể. Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra việc xây dựng Nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII.
Đồng chí Quách Thanh Hải, Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) chia sẻ: Qua hoạt động khảo sát, giám sát ở cơ sở, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân về khó khăn trong hoạt động của đội ngũ cán bộ HĐKCT cấp xã, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Ban đã nỗ lực thẩm tra, đóng góp xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH ở cấp xã; mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Thế nhưng, việc cụ thể hóa và ban hành chính sách hỗ trợ cho người hoạt động chuyên trách đối với điều kiện của tỉnh Hòa Bình cũng rất khó khăn, có tới 70% phụ thuộc vào cấp trên. Tỉnh Hòa Bình ví như gia đình đã nghèo lại đông con. Nhu cầu nhiều, nguồn thì hạn chế, rất nhiều cuộc bàn thảo, cân lên đặt xuống để quy định mức hỗ trợ cho người HĐKCT. Các đại biểu đã tính toán, cân nhắc mức hỗ trợ từ 360.000 đồng/người/tháng xuống còn 240.000 đồng/người/tháng.
Chúng tôi còn nhớ thời điểm trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết số 379/2024/NQ-HĐND, ngày 28/3/2024 của HĐND tỉnh quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH ở cấp xã; mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình tại Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp chuyên đề) năm 2024, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đứng trước nghị trường nhưng đề nghị với vai của một cử tri mong muốn HĐND tỉnh cần quan tâm xem xét ban hành Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm chức danh người HĐKCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH ở cấp xã; mức phụ cấp kiêm nhiệm và mức khoán hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, HĐND tỉnh cần rà soát, tính toán, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân... Theo đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua, mức khoán kinh phí cho người HĐKCT ở thôn, tổ, dân phố mới tăng lên mức 360.000 đồng/người/tháng. Chính sách đối với chức danh người HĐKCT; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức CT-XH cấp xã đã tăng hơn so với Nghị quyết số 298/2020/NQ-HĐND, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, huy động nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.
(Còn nữa)
Hương Lan