Vùng đất Hang Kia (Mai Châu) từng là thủ phủ của cây anh túc. Xưa kia, cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8, trên những sườn đồi trải dài ngút tầm mắt là màu tím hoang hoải của loài cây "ma dược” chết người. Còn nay, cũng những triền đồi ấy là cây ngô mướt xanh mênh mang trên những triền đá...


Ở thung lũng Hang Kia, lấn át màu xám lạnh của những triền đá là nương ngô xanh mơn mởn, mang lại no ấm cho đồng bào dân tộc Mông.

Với nhiều người, lần đầu đến Hang Kia - nơi sinh sống tập trung của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh, không ít người đã tự đặt câu hỏi: đất không màu mỡ, đá tai mèo lởm chởm, vậy sức mạnh nào để màu xanh của những nương ngô vẫn trải dài tưởng như bất tận trên thung lũng đá này? Tìm câu trả lời chẳng mấy khó khăn khi người ta lại bắt gặp hình ảnh đồng bào Mông cần mẫn gùi đất đổ vào từng hốc đá, nhen lên mầm sống trên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn.

Ở nơi đồng bào Mông sinh sống, lấn át màu xám lạnh của những triền đá là nương ngô xanh mơn mởn. Ngô kiên cường và có sức sống mãnh liệt như chính người Mông nơi đây. Ông Sùng A Dếnh, một người có tuổi ở Hang Kia bảo: Cây ngô đối với người Mông quý lắm, như cây lúa dưới xuôi. Do địa hình chủ yếu là núi cao nên để trồng được cây ngô thì cũng vô cùng vất vả. Từ xưa, người Mông đã phải gùi đất đổ vào từng hốc đá để mỗi năm trồng được thêm vài cây ngô. Phương thức canh tác này giống như cuộc đọ sức giữa con người với thiên nhiên. Đó là minh chứng cho nghị lực chiến thắng tự nhiên, cũng thể hiện ý chí "sống trên đá, thoát nghèo trên đá” của đồng bào dân tộc Mông nói chung và đồng bào Mông ở thung lũng Hang Kia nói riêng. Với ý chí, nghị lực chưa bao giờ vơi cạn, nay nhà nào ở Hang Kia cũng đủ ngô ăn không còn bị đói. Mặc dù sản xuất gặp nhiều gian nan nhưng đất chẳng phụ công người. Những khóm ngô vẫn nhọc nhằn cắm sâu rễ vào lòng đá chắt chiu những giọt sống để cây vươn mình trong sương núi mang ấm no đến với bản xa.

Theo đồng chí Vàng A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia: Toàn xã có 770 ha diện tích đất trồng ngô. Bình quân mỗi hộ có khoảng hơn 1ha diện tích đất trồng ngô. Do chăm sóc tốt và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên cây ngô ở Hang Kia luôn đạt sản lượng cao, 6 - 6,75 tấn/ha. Với giá bán 3.500 - 4.000 đồng/kg như hiện nay, tuy chưa thể làm giàu từ ngô nhưng cũng không còn hộ nào bị đói như trước. Tính bình quân, hàng năm mỗi hộ có nguồn thu tiền triệu từ cây ngô. So với trước, tuy giá trị có giảm nhưng trên vùng đá núi này, với  đồng bào dân tộc Mông, cây ngô là cây chủ lực, quen thuộc tới mức không thể thay thế. Dù nhiều lần địa phương có chủ trương thay thế ngô bằng cây khác nhưng đều không thành, chỉ có cây ngô trụ lại được ở đất này.

Còn theo Sùng A Páo, Phó Trưởng xóm Thung Mài, ngô không chỉ là sinh kế cho người dân từ bao đời nay, mà còn là thứ để làm ra mèn mén, nguyên liệu chưng cất ra loại rượu thơm nồng đãi khách quý đến nhà chơi. Hơn thế, cây ngô còn là một yếu tố quan trọng trong văn hóa bản địa của đồng bào Mông ở Hang Kia. Nếu không có màu xanh của ngô, cả vùng đá bạt ngàn  này sẽ chỉ toàn màu xám...

Người Mông không chỉ giỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô, mà còn khéo léo trong chế biến nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn từ ngô. Trong đó phải kể đến món mèn mén, một trong những món ăn đã trở thành truyền thống lâu đời, không chỉ đơn thuần là ẩm thực mà còn là nét văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Dù mèn mén được làm từ nguyên liệu hết sức bình thường nhưng lại có hương vị thơm ngon đặc biệt. Theo kinh nghiệm của Vàng A Nhà, Trưởng xóm Hang Kia, mèn mén ngon phải làm từ ngô tẻ vì bột tơi, không bị vón cục như ngô nếp. Ngô thường được treo trên hiên nhà hoặc trên gác bếp, những hạt ngô vàng to và mẩy nhất sẽ được chọn để làm mén mén.

Người Mông thường dạy con cháu: "Là đàn ông thì phải biết cây thuốc làm men lá và nấu rượu ngô. Là đàn bà phải biết thêu thùa, may vá, yêu chồng, thương con và phải biết nấu mèn mén ngon”. Vì thế, phụ nữ người Mông ở đây dù già hay trẻ đều biết làm mèn mén. Để có một bát mèn mén ngon tuy không quá phức tạp nhưng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn khác nhau của một người có kinh nghiệm như tẽ ngô, xay, sàng, sảy, trộn, nhào bột ngô với nước. Sau đó, đưa lên bếp đồ 2 lần bằng loại "chõ” làm từ một loại cây mọc trên đỉnh núi đá tai mèo có tinh dầu thơm dịu. Bột ngô thường được xay thủ công bằng loại cối đá có hai thớt chồng lên nhau, rất nặng và khó thao tác. Ngô ban đầu sẽ được xay tróc hết vỏ rồi mới xay đến khi thành bột mịn. Hấp mèn mén cũng phải mất đến hai lần, lần đầu để nước tẩm vào bột ngô. Để bột ngô tơi, không bị vón cục cần phải tính toán thời gian sao cho hợp lý, ngô già hay non cần thời gian khác nhau. Chế biến mèn mén từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành mất ít nhất 2 - 3 tiếng nên để kịp cho người lên nương mang đi ăn sáng, ăn trưa thì người phụ nữ Mông thường phải dậy từ lúc con gà chưa cất tiếng gáy đầu tiên trong ngày. Khi chín mèn mén sẽ có mùi thơm lan tỏa. Ngày nay, đa phần các gia đình người Mông ở Hang Kia vẫn ăn mèn mén vài ba bữa một tuần cho dù sự nghèo khó giờ đây không còn đeo bám họ như xưa nữa, nhưng dường như "cái hồn” của món ăn này đã ngấm sâu vào đời sống của họ. Đám cưới, đám ma, giỗ, Tết hay có bất cứ công việc gì của đồng bào đều có sự xuất hiện của món mèn mén. Món ăn này chính là thứ không thể thiếu, được người Mông dùng làm đồ cúng trong những dịp lễ, Tết để dâng lên thần linh và tổ tiên...

Ở Hang Kia nhiều đời nay, đồng bào Mông vẫn giữ thói quen tự nhân giống ngô bản địa bằng cách lựa những bắp đẹp, hạt đều, khỏe nhất làm giống cho mùa sau. Rất ít người trồng ngô lai vì hạt dễ bị mọt và không làm mèn mén được. Ngô bản địa cây ngắn, thấp, thời gian sinh trưởng dài, từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch 4 - 5 tháng, phải qua nhiều công đoạn chăm sóc. Sau thời gian chờ đợi, cây ngô đã quen đất, quen nước ở vùng núi đá, chịu được hạn và bền bỉ ở lại với người Mông.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia Vàng A Páo: Sinh sống chủ yếu trên những dãy núi đá cao, để có được những nương ngô xanh tươi vươn lên trên đá xám, đồng bào Mông nơi đây phải bỏ ra không biết bao nhiêu sức lực và sự cần mẫn. Sau quá trình dài chăm sóc, từ khoảng tháng 7 đến tháng 8, khi tiết trời vào thu cũng là lúc Hang Kia bước vào vụ thu hoạch ngô.

Khi những bắp ngô vàng óng được xếp ngay ngắn trong và trên gác bếp cũng là lúc đồng bào làm lễ cơm mới và chuẩn bị cho việc cưới xin, làm nhà. Sau thu hoạch, những vạt ngô vàng óng được treo bên hông nhà của đồng bào không chỉ là nét đặc trưng riêng, mà còn mang đến cảm giác yên bình, no ấm và cũng rất gần gũi, thân thương...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Người có uy tín - sợi dây kết nối cấp ủy, chính quyền với nhân dân

Ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) ai cũng biết đến ông Sùng A Tô. Hỏi về ông, người dân trong xóm đều hồ hởi kể với tình cảm trân trọng, bởi ông là người có uy tín (NCUT) được dân quý, dân tin...

Thăm địa chỉ đỏ Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù Hòa Bình

Nằm bên dòng sông Đà hùng vĩ, Di tích lịch sử nhà tù Hòa Bình thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và truyền thống cách mạng.

Huyện Lạc Sơn - tăng cường “cái đẹp”, dẹp “cái xấu”: Bài 2 - "Tỏa hương vườn hoa" người tốt, việc tốt

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả hơn, Huyện ủy Lạc Sơn yêu cầu các cấp, các ngành trong huyện gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của BCH T.Ư về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của BCH T.Ư Quy định về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV...

Huyện Lạc Sơn - tăng cường “cái đẹp”, dẹp “cái xấu” : Bài 1 - Lấy lại uy tín của tổ chức Đảng

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện Lạc Sơn xuất hiện nhiều tập thể điển hình tiên tiến, cán bộ, đảng viên tiêu biểu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng, thực trạng còn một bộ phận đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” là vấn đề đặt ra cần được quan tâm. 

Cuộc sống của người dân xóm Ngòi, xã Suối Hoa bị ảnh hưởng sau đợt mưa lớn

Những trận mưa lớn liên tiếp trên địa bàn tỉnh vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tại các khu vực lân cận đường tỉnh 435 thuộc xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), mưa lớn kéo dài đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất, đá và sụt lún, nứt. Nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng phần nền, mặt đường nứt, gãy tạo thành những hố sâu gây nguy hiểm khi lưu thông. Đây là tuyến đường nối trung tâm thành phố Hòa Bình với các xã Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong) và xã Suối Hoa (Tân Lạc).

“Chất xúc tác” thúc đẩy hoạt động từ cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình: Bài 3 - Tiếp sức cho hoạt động cơ sở

Tỉnh Hòa Bình có 151 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 59 xã đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 1.482 thôn, tổ dân phố. Theo số liệu của UBND tỉnh, số người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ là 1.994 người. Số người hoạt động ở thôn, tổ dân phố là 16.302 người; 755 tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) ở cấp xã. Tổng kinh phí khi thực hiện Nghị quyết số 379/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoảng 258,665 tỷ đồng/năm, trong đó, kinh phí từ ngân sách Trung ương cấp theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP khoảng 209,045 tỷ đồng/năm; kinh phí từ ngân sách tỉnh bổ sung khoảng 49,620 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh đã ban hành Nghị quyết đáp ứng sự mong chờ của cử tri và Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục