Hang Chổ, xã Cao Sơn (Lương Sơn) với nhiều vỏ ốc xếp tầng là một trong những di tích khảo cổ học trọng điểm, có giá trị trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu nền "Văn hóa Hòa Bình”.
Vào khoảng những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, công cuộc khai thác thuộc địa đã tạo điều kiện cho các nhà địa chất, khảo cổ Pháp phát hiện hàng loạt di tích tiền sử. Nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công lớn minh chứng, đặt tên cho nền VHHB ghi danh thế giới.
Theo dấu chân các nhà khảo cổ học
Trên hành trình khám phá những di tích tiêu biểu của nền VHHB trên bàn tỉnh Hòa Bình, trong các hang động ít nhiều còn những dấu tích của người tiền sử sinh sống, chúng tôi như thấy đâu đây dấu chân của các nhà khảo cổ khám phá, đặt tên, góp phần bảo tồn và lưu giữ giá trị trường tồn mãi với thời gian.
Người tiêu biểu nhất gắn với quá trình phát hiện nền VHHB phải kể đến nữ tiến sĩ khảo cổ học người Pháp M.Colani. Bà M.Colani sinh năm 1866 tại Strasbourg, nước Pháp trong một gia đình trí thức theo đạo Tin lành. Năm 33 tuổi, M.Colani sang Việt Nam làm giáo viên trường tiểu học Phủ Lạng Thương (nay là Bắc Ninh), sau đó 1 năm chuyển về dạy học ở Hà Nội. Năm 1903 bà về Pháp, đến năm 1908 đỗ cử nhân sinh vật học và năm 1914 thi đỗ bằng tiến sĩ ở Paris. Từ năm 1915, M.Colani sang làm việc tại Sở Địa chất Đông Dương và sau một thời gian chuẩn bị, năm 1920, bà sang định cư ở Việt Nam, tiếp tục công tác tại Sở Địa chất Đông Dương. Bà mất năm 1943 tại Hà Nội (thọ 66 tuổi).
Sinh thời, bà là nhà nữ địa chất học, cổ sinh vật học và khảo cổ học đã có những đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển của ngành khoa học khảo cổ Việt Nam nói riêng, khảo cổ học Đông Dương nói chung. Những nghiên cứu, điền dã của bà phủ rộng cả về không gian, thời gian và lĩnh vực. Bà đến với khảo cổ học khá muộn nhưng trong khoảng 20 năm (từ tuổi 50 đến cuối đời), bà đã làm việc với sức mạnh phi thường. Từ năm 1926, M.Colani đã có nhiều phát hiện về văn hóa tiền sử hang động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với 23 di tích, tập trung tại các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn.
Ngay từ đầu, phát hiện tàn tích tiền sử dày đặc trong tỉnh Hòa Bình đã giúp bà M.Colani nhận ra sự tồn tại một nền văn hóa săn bắt, hái lượm với tầng văn hóa ken dày vỏ ốc suối, ốc núi, xương răng động vật, tầng bếp cháy và công cụ ghè đẽo từ cuội suối basalt rất phổ biến trong vùng. Từ đó, bà mở rộng nghiên cứu sang vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Lào và hình thành ý tưởng khoa học về một nền văn hóa khảo cổ tiền sử quan trọng, có tính bao trùm cả khu vực mà cái lõi chính là các thung lũng xung quanh sơn khối Kim Bôi, nơi có đỉnh Cốt Ca, được coi như nguồn nguyên liệu basalt sừng hóa vô tận của người tiền sử Hòa Bình. Từ năm 1926 - 1932, M.Colani đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ VHHB ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả, một nền văn hoá thời đại đá sớm hơn so với Văn hoá Bắc Sơn đã được phát hiện.
Đặt tên cho nền "văn hóa Hòa Bình”
Năm 1932, bà M.Colani chính thức công bố sự tồn tại một nền văn hóa tiền sử quan trọng của loài người, có tính phổ cập ở một vùng rộng lớn khắp vùng Bắc Đông Dương và ngoại vi - đó là VHHB. Đề xuất của bà được toàn thể Hội nghị lần thứ nhất các nhà tiền sử Viễn Đông tổ chức tại Hà Nội tán thưởng. Từ đó, thuật ngữ "Hoabinhian” (VHHB) xuất hiện trên báo chí, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, từ điển... song hành với các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng khác trên thế giới. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ VHHB do bà M.Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hoá này. Bà M.Colani nổi danh trên thế giới từ đó.
Các di tích thuộc VHHB thường phân bố tập trung thành các cụm hang động và được biết đến là một loại hình di sản nhân văn kiểu thung lũng đá vôi rất đặc hữu, tiêu biểu của cả khu vực Đông Nam Á. Trong đó có những địa điểm mang tính trung tâm như di tích hang xóm Trại, mái đá làng Vành, hang Chổ của tỉnh Hòa Bình; di tích cấp quốc gia đặc biệt hang Con Moong, tỉnh Thanh Hóa; di sản thế giới hang Mòi, hang Trống, tỉnh Ninh Bình.
Theo các kết quả nghiên cứu, niên đại của VHHB khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời Đồ đá cũ. Các di chỉ tìm thấy và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm. VHHB được xác định là gạch nối giữa thời đại Đá cũ (Văn hóa Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại Đá mới (Văn hóa Bắc Sơn - Lạng Sơn). Ý nghĩa và tầm quan trọng của nền VHHB không chỉ minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, phương thức kiếm sống về canh tác, về tổ chức xã hội.
Đến hiện tại, tỉnh Hòa Bình là địa bàn phân bố của hơn 80 địa điểm thuộc VHHB, nhiều nhất ở Việt Nam. Địa danh Hòa Bình đã được học giả M.Colani chọn để đặt tên cho nền VHHB nổi tiếng, đồng thời khẳng định đây chính là một vùng lõi xuất phát của nền văn hóa này, mở rộng ra xung quanh. Kể từ khi giới khảo cổ học thế giới vinh danh nền VHHB từ năm 1932 đến nay, ngành khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu nền văn hóa này. Khẳng định VHHB là văn hóa khảo cổ rất tiêu biểu và có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, các di tích, di vật thuộc nền VHHB là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho nền khoa học nước nhà cũng như thế giới những tư liệu khoa học quan trọng, làm rõ thêm bức tranh tiền sơ sử tại Việt Nam. Có thể khẳng định, tỉnh Hòa Bình gắn liền với VHHB và VHHB chính là niềm tự hào của tỉnh Hòa Bình cũng như của cả dân tộc Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Nền VHHB nằm trong tiến trình chung của văn hóa nhân loại. Khi được phát hiện, nền văn hóa có tiếng vang lớn, được nhân loại nồng nhiệt đón chào. Năm 1932 là dấu mốc khai sinh ra nền VHHB, để sau này các hoạt động kỷ niệm được tổ chức. Từ năm 2017, tỉnh Hòa Bình giành được quyền chủ nhà đăng cai tổ chức kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận, tôn vinh nền VHHB và năm 2022 với hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 90 năm tròn. Tỉnh Hòa Bình đã, đang được thừa hưởng giá trị của nền VHHB, sở hữu nguồn tài nguyên di tích sâu và lâu, điểm nhấn cho du lịch miền núi. Nền VHHB có giá trị khảo cổ học, tiền sử học, nhân loại học… trong và ngoài nước, ý nghĩa di sản nhân loại. Đến nay, tỉnh đã có di tích thuộc nền "VHHB” được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là cơ hội để Hòa Bình biến di sản thành tài sản để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Còn nữa)
Hương Lan