Từ năm 2011 đến nay, ở nước ta, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng. Gần đây là vào tháng 6/2023, gần 100 đối tượng chia thành 2 nhóm tấn công trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 9 cán bộ xã, cán bộ công an và người dân; đập phá tài sản nhà nước và công dân… hòng lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là "nhà nước Đeega”.
Thực tế này cho thấy, vùng DTTS và miền núi là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện "Chiến lược diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền. Với ba vùng chiến lược các thế lực thù địch tập trung là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trong đó tỉnh Hòa Bình là cửa ngõ của Tây Bắc. Do đó, tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức, hiểu biết giúp ĐBDTTS "tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc.
Ngăn ngừa lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc chính sách dân tộc
Thực tế cho thấy, tôn giáo và đất đai là những vấn đề các thế lực thù địch tập trung lợi dụng để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Âm mưu sử dụng vấn đề đất đai đã thất bại khi ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định các chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với ĐBDTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với ĐBDTTS; quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với ĐBDTTS. Đây là những đột phá của Luật mà người thụ hưởng chính sách chính là ĐBDTTS.
Vậy nên, cũng như cả nước, vấn đề tỉnh Hòa Bình lưu tâm hiện nay là phải tập trung ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, mà nhen nhóm bắt đầu từ việc truyền đạo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép trong vùng ĐBDTTS.
Trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mông chiếm 0,82% dân số, cư trú tập trung tại 2 xã Pà Cò, Hang Kia, huyện Mai Châu. Nhằm thiết thực quan tâm đến đời sống đồng bào, tỉnh đã triển khai Dự án phát triển KT-XH đồng bào dân tộc Mông tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí phân bổ, huy động, lồng ghép thực hiện dự án trên 58 tỷ đồng. Nhờ vậy cơ sở hạ tầng của 2 xã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả đã từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò còn một số vấn đề cần quan tâm như vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT… Đáng lưu ý là trong năm 2023, đầu năm 2024 tại Hang Kia nổi lên hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Khà A Váu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hang Kia cho biết: Đảng ủy xã đã ban hành Quyết định số 101-QĐ/ĐU, ngày 22/1/2024 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo công tác tôn giáo xã; phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách 3 xóm có công dân theo đạo Tin lành để nắm tình hình hoạt động của công dân, tuyên truyền người dân không lợi dụng tôn giáo rủ rê, lôi kéo với mục đích xấu. Trong đó, giao các chi bộ, đảng viên chủ động triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Xã phối hợp lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ hơn quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo... Tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, hiểu biết, không nghe, không theo kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động sinh hoạt, truyền đạo trái phép, làm những điều trái với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mông. Hiện nay, người dân cơ bản đã hiểu rõ, không còn tin, nghe kẻ xấu; tập trung phát triển kinh tế để ổn định đời sống.
Ngoài Mai Châu, thời gian qua, tại một số huyện cũng xuất hiện hoạt động tôn giáo trái phép. Như ở xóm Đồng Chờ, xã Sào Báy (Kim Bôi), ông Bùi Hải Dính xây dựng cơ sở tín ngưỡng tư gia đặt tên "Đền chầu bé vọng linh từ” thường tụ tập đông người ngoài địa bàn thực hiện tín ngưỡng thờ mẫu. Vụ việc đã được UBND huyện Kim Bôi chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Sào Báy kiểm tra, yêu cầu ông Bùi Hải Dính chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại huyện Cao Phong, ngày 21/12/2022 phát hiện 2 phụ nữ đưa cho học sinh trên địa bàn xã Thu Phong các bộ tài liệu liên quan đến đạo Tin lành. Công an xã Thu Phong đã vận động, thu hồi được 7 cuốn sách có nội dung về Hội thánh Tin lành.
Tại huyện Yên Thủy, ngày 26/2/2023 có 2 người đi xe máy điện phát tán tài liệu liên quan đến Pháp luân công ở khu vực khu phố Thanh Bình, thị trấn Hàng Trạm. Vụ việc được cơ quan chức năng sớm phát hiện, xử lý và tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao cảnh giác; không đọc, không tham gia tập luyện Pháp luân công…
Từ những vụ việc nêu trên cho thấy, hoạt động truyền đạo, phát tài liệu, lôi kéo người dân theo đạo Tin lành, Pháp luân công không đúng quy định vẫn diễn ra trong vùng ĐBDTTS. Tuy nhiên, về cơ bản đồng bào đều nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cung cấp, giao nộp thông tin, tài liệu liên quan.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhân sự thượng tầng chính trị nước ta thời gian qua có nhiều biến động, từ sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm phải từ chức hoặc vướng vòng lao lý… Trên địa bàn tỉnh ta cũng có nhiều cán bộ từ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trở xuống vi phạm pháp luật, nhiều đảng viên vi phạm những điều đảng viên không được làm…
Đây chính là "miếng mồi” để các thế lực thù địch xuyên tạc, bôi nhọ, tung tin giả gây hoang mang dư luận nhân dân nói chung, trong đó có ĐBDTTS. Trong khi đó chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp. Do đó, nhận định thời điểm này các thế lực thù địch sẽ có nhiều động thái lợi dụng, lôi kéo ĐBDTTS tham gia chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Võ Ngọc Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng ĐBDTTS nói riêng là nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ trong triển khai các giải pháp. Cùng với các giải pháp thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các địa phương, cơ quan, ban, ngành đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội để chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; lan tỏa mạnh mẽ những bài tuyên truyền, đấu tranh trực diện với các luận điệu, thông tin sai sự thật, xấu, độc của các thế lực thù địch… Hòa Bình cũng đặc biệt chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐBDTTS. Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ANTT trên địa bàn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đội ngũ cán bộ các cấp thực hiện hiệu quả việc luôn gần dân, sát dân để củng cố niềm tin trong nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Nhờ vậy những năm qua, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Việc lan truyền thông tin giả, kích động, xấu độc kịp thời được kiểm soát, ngăn chặn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, KT-XH vùng ĐBDTTS ngày càng phát triển, an sinh xã hội được chăm lo. Từ đó, tiếp tục củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong ĐBDTTS trên địa bàn với Đảng, chính quyền các cấp.
Dương Liễu - Đỗ Quyên