Hiện nay, công tác quản lý giá thuốc gặp không ít khó khăn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Bất cập trong công tác quản lý
Theo đánh giá của Sở Y tế, các DN kinh doanh dược phẩm, cơ sở bán lẻ thuốc cơ bản đạt nguyên tắc tiêu chuẩn về thực hành và phân phối thuốc; bảo đảm cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; đội ngũ dược sĩ, nhân viên được tuyển dụng, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất được củng cố, nâng cấp đạt chuẩn...
Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: Về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề; hình thức tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề; thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề; vấn đề cập nhật kiến thức y khoa liên tục, bất cập trong việc đăng ký hành nghề và một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề y, dược tư nhân đến các cơ sở kinh doanh có lúc thiếu kịp thời, việc áp dụng thực hiện còn chậm. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân.
Đồng chí Quách Thanh Hải, Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) cho biết: Qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, Ban Pháp chế đã khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lớn trên địa bàn TPHòa Bình và làm việc với Sở Y tế. Có thể khẳng định, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện có những yêu cầu, đòi hỏi chặt chẽ. Tuy nhiên có thể thấy công tác quản lý hiện nay vẫn còn lỏng lẻo. Tại các cơ sở còn tồn tại hành vi vi phạm như: Sử dụng nhân sự không đủ điều kiện hoạt động ngành nghề; thu tiền dịch vụ y tế, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, giá của các nhà thuốc trên cùng địa bàn; tuyên truyền quảng cáo dịch vụ y tế, quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng chưa đúng quy định, có cơ sở không đảm bảo quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động; cá biệt còn có tình trạng cung cấp thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, nhiều nhà thuốc chủ yếu đăng ký là hộ kinh doanh (không thành lập DN tư nhân hoặc công ty để kinh doanh theo Luật DN), do đó chỉ nộp thuế môn bài hàng năm, tiềm ẩn nguy cơ kê khai thuế không đúng với doanh thu gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Một số dược sĩ cho các chủ hộ kinh doanh đứng tên chủ cơ sở để hoạt động nhưng thực chất họ không tham gia hoạt động kinh doanh, mua bán, tư vấn về thuốc và thường xuyên không có mặt tại cơ sở bán thuốc. Số DN kinh doanh thuốc có năng lực về tài chính, kinh nghiệm chưa nhiều. Việc đáp ứng yêu cầu trong cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị trong tỉnh còn hạn chế; nhiều DN phải đa dạng hóa mặt hàng, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng là chính. Việc thực hiện quy chế chuyên môn của một số cơ sở kinh doanh thuốc chưa tốt.
Thực tế như vậy, tuy nhiên, số cơ sở bị xử phạt vi phạm trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y tế chưa nhiều. Trong giai đoạn 2021 - 2023, ngành Y tế thực hiện 4 cuộc kiểm tra chuyên ngành về hành nghề y tư nhân và việc thực hiện quy định của pháp luật của cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư, trang thiết bị y tế, dược liệu, thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh; kiểm tra 60 cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa; 46 cơ sở kinh doanh dược phẩm; xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền trên 42 triệu đồng.
Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cơ sở không phép hoạt động
Trước thực tế trên, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Y tế ban hành hướng dẫn, quy định thống nhất về nội dung thực hành đối với từng chức danh để cấp giấy phép hành nghề; ban hành hướng dẫn chi tiết về phạm vi chuyên môn ghi trên giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực phụ trách. Quan tâm hỗ trợ, tăng cường đầu tư cho ngành Y tế để nâng cao chất lượng quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về hành nghề y, dược tư nhân cũng như khám, chữa bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đồng chí Nguyễn Quang Tự, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Thực trạng trên trách nhiệm một phần của ngành Y tế. Tuy nhiên, hiện nay với địa bàn rộng, phức tạp nhưng lực lượng thanh tra ngành Y tế mỏng, không thể quản lý hết được mà nắm thông tin cơ sở hoạt động không được cấp phép qua phản ánh của người dân. Đối với ngành Y tế, công tác quản lý các cơ sở đã được cấp phép không khó. Vì các cơ sở này chủ yếu là những người làm trong ngành Y tế, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động. Khó khăn lớn nhất là các cơ sở chưa được cấp phép, nhỏ lẻ, ở vùng sâu, xa. Rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương từ xóm, xã. Nhiều nhất hiện nay là các phòng khám răng hàm mặt chưa được cấp phép...
UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1365, ngày 15/8/2024 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý tốt hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ sở vi phạm theo quy định. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề. Tiếp tục nghiên cứu quy định pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực y, dược tư nhân. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép hoạt động và các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa vi phạm quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung giải quyết dứt điểm những cơ sở hành nghề y, dược không phép (đặc biệt lưu ý phòng khám răng hàm mặt và các nhà thuốc, quầy thuốc), cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa hoạt động trá hình... Chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố nếu để xảy ra các vi phạm trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại đến sức khỏe khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở không phép, cơ sở cung cấp dịch vụ quá phạm vi cho phép. Khi phát hiện cơ sở y tế hoạt động không phép, hoặc cung cấp dịch vụ không đúng cam kết cần báo cho cơ quan chức năng, để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Linh Trang