Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số (DTTS) khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Người cũng nhấn mạnh,"Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Thực hiện phương châm chỉ đạo và lời dạy của Người, từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào các DTTS.
Bài 1 - Không thể phủ nhận thành tựu chính sách dân tộc
Nhà văn hóa xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong) có tổng mức đầu tư 850 triệu đồng, dự kiến khánh thành, đưa vào sử dụng dịp tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024.
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, QP-AN. Càng đáng quan tâm hơn khi Hòa Bình có trên 74% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Những năm qua, chính sách dân tộc được triển khai toàn diện, hiệu quả đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Vậy nên, mặc dù các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, chia rẽ nhằm tạo sự bất ổn về chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS & MN) nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS Hòa Bình luôn được giữ vững, đồng bào một lòng tin Đảng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) cho giai đoạn 2021-2025 là: "Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết khó khăn của đồng bào DTTS”. Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng về CTDT, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra nhiệm vụ "thực hiện có hiệu quả Ðề án tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN và Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030… Phấn đấu số xã điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn còn dưới 30% tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”. Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch… triển khai. Nhờ vậy giai đoạn 2020 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh bình quân giảm 3,36%; đời sống người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện chủ trương của Đảng về CTDT với nguyên tắc "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” và quan điểm "CTDT và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTDT và chính sách dân tộc gắn với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CTDT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Cụ thể như Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 13/4/2021 về thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá IX về CTDT trong tình hình mới”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 về "lãnh đạo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 về "thông qua Đề án thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3043/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 về "phê duyệt Đề án thực hiện CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”… Cùng với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sự chỉ đạo kịp thời này có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới CTDT và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, ưu tiên các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện KT-XH đối với vùng ĐBDTTS&MN của tỉnh. Do đó, CTDT và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Đặc biệt là CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN luôn được quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện. Tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện. Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ và đảm bảo an sinh xã hội cho vùng ĐBDTTS&MN. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho địa bàn các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn, các xã có khả năng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Tập trung xử lý những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong đời sống vùng ĐBDTTS&MN, đặc biệt là các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội; luôn chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do vậy tình hình vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến các DTTS.
Cuộc sống mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Để có cái nhìn khách quan, toàn diện về những đổi thay ở vùng đồng bào DTTS, chúng tôi đã dành nhiều thời gian đi thực tế ở các thôn xóm, bản làng nơi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống. Điểm đến đầu tiên là xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong) - nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Dao. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc, dân tộc Dao chiếm 2,01% dân số toàn tỉnh, cư trú thành từng thôn, xóm tại một số huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hoà Bình. Xóm Tiến Lâm có 168 hộ thì 100% chủ hộ và 97% dân số là dân tộc Dao.
Đưa chúng tôi đi thăm những tuyến đường mới được bê tông hóa, nhà văn hóa xóm đang tập trung hoàn thiện, đồng chí Phùng Sinh Anh, Bí thư Chi bộ xóm Tiến Lâm cho biết: Những năm qua, xóm được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Gần đây nhất xóm được hỗ trợ kinh phí cứng hóa hơn 1km đường nội đồng, lắp đặt 35 cột điện chiếu sáng năng lượng mặt trời, xây mới nhà văn hóa xóm. Nhiều hộ được hỗ trợ máy cày, cây con giống, chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người toàn xóm mới đạt 26 triệu đồng thì dự kiến năm 2024 đạt 47 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống còn khoảng 5% vào cuối năm nay. Hiện xóm còn 2 nhà tạm và đã có kế hoạch hỗ trợ, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2024. Những năm gần đây, cuộc sống bà con Tiến Lâm đã có nhiều khởi sắc, xóm có nhiều nhà xây mới khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Bức tranh cuộc sống mới nhiều niềm vui, hi vọng ở Tiến Lâm cũng là bức tranh của nhiều thôn xóm đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo số liệu thống kê, tổng nguồn vốn thực hiện 3 CTMTQG được triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 là 20.730 tỷ đồng, đã được lồng ghép để triển khai đầu tư cho vùng DTTS. Trong đó riêng CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là 2.168 tỷ đồng. Từ kinh phí thực hiện các chương trình này đã cấp phát hơn 1 triệu thẻ BHYT cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn: xây dựng, sửa chữa 1.308 căn nhà cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư, đến nay, 100% xã vùng ĐBDTTS&MN có nhà trạm y tế xã, trong đó 65% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Toàn tỉnh có 100% xã đường giao thông nông thôn được rải nhựa hoặc bê tông hoá đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm thôn. Trong tỉnh có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đảm bảo tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, 360 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. 95% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú với gần 4.500 học sinh. Các nhà trường đều được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học cũng như ăn, ở, sinh hoạt của học sinh.
Đặc biệt, hệ thống chính trị vùng DTTS được quan tâm củng cố, đã phát huy tốt năng lực lãnh đạo, điều hành. Công tác phát triển đảng viên trong vùng ĐBDTTS&MN được đẩy mạnh. Tính đến tháng 9/2024, Đảng bộ tỉnh Hoà Bình có 13 đảng bộ trực thuộc với 732 tổ chức cơ sở Đảng, tổng số 70.192 đảng viên, trong đó 43.205 đảng viên là người DTTS, chiếm 61,55%.
(Còn nữa)
Dương Liễu - Đỗ Quyên
"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau…” Thời gian qua, những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ được sử dụng nhiều trên mạng xã hội nhằm thay lời muốn nói, gửi tình yêu thương đến người dân các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3. Những câu thơ truyền cảm xúc cho hàng triệu người Việt Nam cùng "máu đỏ, da vàng”, sống đoàn kết trên dải đất hình chữ S.
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tròn 70 năm trước, nơi non thiêng Nghĩa Lĩnh, câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông, lặng đọng trong tâm hồn, soi sáng trái tim mỗi người con đất Việt niềm tự hào về nguồn cội, nghĩa đồng bào, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vững bước tiến lên bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chung sức đồng lòng xây dựng đất nước hùng cường...
"Khi còn là cán bộ Đoàn xã phụ trách công tác thiếu niên, nhi đồng, mỗi khi hướng dẫn, dạy các em bài hát "Nhanh bước nhanh nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã, tôi chỉ ước có dịp được gặp Bác Hồ. Tưởng chừng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ấy vậy, vào chiều 19/9/1964, điều ước đó đã trở thành sự thật...”, bà Bùi Thị Lưu (79 tuổi) ở xóm Dạnh, xã Đông Bắc (Kim Bôi) vẫn nhớ như in khoảnh khắc diệu kỳ và xúc động đó dù thời gian đã qua 60 năm...
Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù che phủ, 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) nay đã có nhiều đổi thay, trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách. Vậy nhưng mảnh đất cao nguyên đá xinh đẹp này từng là "vùng đất chết”, nỗi ám ảnh bởi ma tuý, thuốc phiện, những cuộc chiến sống còn với tên trùm ma tuý khét tiếng.
Vụ sạt lở đất tại xóm Má Mư, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) rạng sáng 12/9 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 2 vợ chồng anh Dương Văn Nguyên, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) thiệt mạng và con út Dương Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 2018) bị thương. Hai vợ chồng mất đi để lại 3 con nhỏ ở cùng bà ngoại là nỗi xót thương vô hạn cho người thân và gia đình.
Những ngày này, với tinh thần "nhường cơm sẻ áo” cùng chia sẻ, hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tỉnh Hòa Bình đã chung sức, đồng lòng góp phần giúp người dân vùng lũ sớm vượt qua mất mát, đau thương, ổn định đời sống.