Cùng với sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm cần "Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho ĐBDTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa”. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp ĐBDTTS khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường. Từng bước giúp bà con thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Từ đó, giúp người dân thêm yên tâm, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, hạn chế việc rời quê hương đi làm ăn xa.
Hộ ông Hà Văn Dòm, xóm Bay, xã Trung Thành (Đà Bắc) phấn khởi được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế.
Lắng nghe ý kiến dồng bào
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, dân tộc Tày chiếm 3,01% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Tân Minh, Tân Pheo... huyện Đà Bắc. Tuy đã có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống bà con dân tộc Tày trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn. Trung tuần tháng 9, chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế tại xã Trung Thành, địa phương có 98% dân số là dân tộc Tày sinh sống. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế của xã đã được đầu tư khang trang. Vấn đề cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như bà con nơi đây quan tâm nhất hiện nay đó là việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã Trung Thành còn 37%. Từ năm 2023 đến nay, ĐBDTTS trên địa bàn được quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với những nội dung phù hợp như: 37 hộ nghèo được hỗ trợ nông cụ, 20 hộ được hỗ trợ bò giống, 46 hộ được hỗ trợ lợn giống bản địa, 22 hộ được hỗ trợ trồng tre bát độ… Ngoài ra, một số hộ được hỗ trợ trồng rau su su, khoai sọ thơm và hiệu quả nhất là cây gai xanh. Hiện xã có khoảng 50ha cây gai xanh. Cây trồng này trồng một lần, thu hoạch được trong 10 năm nên không phải đầu tư giống nhiều lần, ít phải sử dụng thuốc trừ cỏ, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 80 triệu đồng/ha và được kỳ vọng giúp bà con Trung Thành thoát nghèo.
Ông Hà Văn Dòm, xóm Bay, xã Trung Thành cho biết: Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, vừa được Nhà nước hỗ trợ một con bò. Chúng tôi phấn khởi lắm. Mừng nhất là khi nhận bò, thấy bò biết ăn cỏ, bởi trước kia trên địa bàn xã có một số hộ được hỗ trợ bò nhưng là bò lai, khi về không biết ăn cỏ, rất khó chăm sóc và đã chết hết.
Niềm vui của ông Dòm cũng là niềm vui của các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã khi cây gai xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu lên xanh tốt; bò giống thích nghi với thức ăn và khí hậu vùng cao. Đồng chí Đinh Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Việc hỗ trợ sản xuất cho ĐBDTTS được triển khai thực hiện trên địa bàn xã từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây nhiều mô hình không phát huy được hiệu quả. Do đó những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định cần đồng hành với bà con, sát sao với việc triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất, lắng nghe ý kiến của bà con, để từ đó kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp trên và các ban, ngành liên quan.
Cùng với lắng nghe ý kiến ĐBDTTS về các vấn đề hỗ trợ sản xuất, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp hoặc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, ĐBDTTS huyện Đà Bắc nói riêng, toàn tỉnh nói chung đã có nhiều ý kiến kiến nghị thiết thực, tâm huyết, trách nhiệm. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, chúng tôi đã tiếp nhận được nhiều ý kiến thể hiện tâm tư, nguyện vọng của ĐBDTTS. Tập trung vào một số vấn đề: đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS; công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư, nhất là hỗ trợ về nhà ở, tái định cư cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở đất; cơ hội cho đồng bào tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm… Hoặc đồng bào kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái… Tất cả ý kiến kiến nghị của bà con đều được chúng tôi lắng nghe, nghiên cứu, chuyển đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết hoặc tham mưu đề xuất cấp trên giải quyết, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc
Cần nhìn thẳng vào thực tế là việc hỗ trợ nói chung, hỗ trợ sản xuất nói riêng cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh những năm trước đây đã bộc lộ một số vấn đề như: chất lượng con giống không đảm bảo dẫn đến gà giống chết hàng loạt (tại huyện Kim Bôi năm 2018); hỗ trợ quá nhiều muối ăn cho bà con (tại huyện Tân Lạc); bò giống không phù hợp với thức ăn và chế độ nuôi dưỡng nên chết dần (tại huyện Đà Bắc); đầu tư dàn trải, manh mún, không có đầu ra sản phẩm ổn định… Thực tế này không chỉ gây lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi, hiệu quả của các chương trình hỗ trợ ĐBDTTS. Đồng thời tạo ra dư luận không đáng có, phần nào làm suy giảm niềm tin của người dân về chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng đó, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi, đóng góp của bà con. Để hỗ trợ cũng như giám sát quá trình triển khai của bà con, nhiều địa phương đã thành lập các nhóm zalo của từng mô hình hỗ trợ sản xuất, ví dụ như "Nhóm nuôi bò”, "Nhóm nuôi lợn bản địa”, "Nhóm nuôi ngan, vịt thương phẩm”... Qua đó kịp thời nắm bắt tình hình triển khai các mô hình để có sự hỗ trợ hoặc kiến nghị với cấp trên. Nhờ có sự đồng hành, vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương nên việc hỗ trợ ĐBDTTS phát triển sản xuất được đánh giá là thiết thực, hiệu quả, sát với điều kiện thực tiễn.
Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trong vùng ĐBDTTS được duy trì ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được triển khai kịp thời. Tổng đàn vật nuôi trong tỉnh hiện đạt 9,66 triệu con. Các xã vùng DTTS ven hồ Hòa Bình tận dụng mặt nước hồ đã đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có gần 2.700 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và gần 5.000 lồng cá với sản lượng thu hoạch ước đạt 6,1 nghìn tấn/năm. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản được chú trọng. Đến nay có 165 cơ sở đã và đang duy trì sản xuất, áp dụng quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các địa phương xây dựng thành công hơn 30 nhãn hiệu tập thể các loại, nhiều nhãn hiệu do ĐBDTTS làm chủ như: tỏi tía Mai Châu, gà đen Pà Cò - Hang Kia, cơm lam Mường Động, cam bưởi Mường Động, nhãn Sơn Thủy... Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn duy trì như: chuỗi trồng cây ăn quả; chuỗi trồng cây lấy hạt; chuỗi liên kết sản xuất sả và tinh dầu sả chanh; chuỗi trồng và tiêu thụ cây dược liệu; chuỗi sản xuất, tiêu thụ ngô ngọt... đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho ĐBDTTS.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm. Hoạt động kiểm tra, giám sát đã giúp nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng là ĐBDTTS và phát huy ý nghĩa, hiệu quả. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình chưa phát hiện sai phạm, thất thoát nghiêm trọng nào liên quan đến công tác hỗ trợ ĐBDTTS. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào đối với đội ngũ cán bộ cũng như hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Người dân tiếp tục tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn diện lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có công tác dân tộc.
(Còn nữa)
Dương Liễu - Đỗ Quyên
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện, từng bước tăng cường kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có không ít tồn tại, hạn chế như: còn các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo dịch vụ và thuốc không đúng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó cung cấp dịch vụ y tế không đảm bảo an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, gây dư luận không tốt trong xã hội.
"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau…” Thời gian qua, những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ được sử dụng nhiều trên mạng xã hội nhằm thay lời muốn nói, gửi tình yêu thương đến người dân các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3. Những câu thơ truyền cảm xúc cho hàng triệu người Việt Nam cùng "máu đỏ, da vàng”, sống đoàn kết trên dải đất hình chữ S.
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tròn 70 năm trước, nơi non thiêng Nghĩa Lĩnh, câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông, lặng đọng trong tâm hồn, soi sáng trái tim mỗi người con đất Việt niềm tự hào về nguồn cội, nghĩa đồng bào, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vững bước tiến lên bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chung sức đồng lòng xây dựng đất nước hùng cường...
"Khi còn là cán bộ Đoàn xã phụ trách công tác thiếu niên, nhi đồng, mỗi khi hướng dẫn, dạy các em bài hát "Nhanh bước nhanh nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã, tôi chỉ ước có dịp được gặp Bác Hồ. Tưởng chừng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ấy vậy, vào chiều 19/9/1964, điều ước đó đã trở thành sự thật...”, bà Bùi Thị Lưu (79 tuổi) ở xóm Dạnh, xã Đông Bắc (Kim Bôi) vẫn nhớ như in khoảnh khắc diệu kỳ và xúc động đó dù thời gian đã qua 60 năm...
Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù che phủ, 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) nay đã có nhiều đổi thay, trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách. Vậy nhưng mảnh đất cao nguyên đá xinh đẹp này từng là "vùng đất chết”, nỗi ám ảnh bởi ma tuý, thuốc phiện, những cuộc chiến sống còn với tên trùm ma tuý khét tiếng.
Vụ sạt lở đất tại xóm Má Mư, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) rạng sáng 12/9 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 2 vợ chồng anh Dương Văn Nguyên, chị Nguyễn Thị Hà ở xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) thiệt mạng và con út Dương Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 2018) bị thương. Hai vợ chồng mất đi để lại 3 con nhỏ ở cùng bà ngoại là nỗi xót thương vô hạn cho người thân và gia đình.