Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Quan điểm của đồng chí cố Tổng Bí thư là "kim chỉ nam" định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Quan điểm ấy đã và đang tiếp thêm động lực để tỉnh Hòa Bình nỗ lực, với quyết tâm và khát vọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh được hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. (Ảnh tại nhà văn hóa xóm Đồi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong).
Từ lâu, Hòa Bình được biết đến là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc cùng sinh sống: Mường, Dao, Tày, Thái, Kinh, Mông, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64% dân số. Mỗi dân tộc có sắc thái riêng, tạo sự phong phú, đa dạng về văn hoá. Phát huy thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH T.Ư (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực cho văn hóa.
Xác định văn hóa là nhiệm vụ quan trọng
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc; đẩy mạnh công tác thể dục thể thao và công tác gia đình… Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch; trình tổ chức UNESCO hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”...
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đến nay, những giá trị văn hoá, con người của tỉnh được giữ gìn và vun đắp. Các giá trị văn hoá dân tộc được bảo tồn gắn với sản phẩm du lịch để phát triển bền vững, nhiều hoạt động văn hoá bản sắc được nâng tầm về quy mô, tạo được sản phẩm, giá trị mới cho người dân địa phương và du khách… Tỉnh đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá tăng dần qua từng năm. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030, tổng kinh phí thực hiện đề án trên 500 tỷ đồng đã tạo nguồn lực quan trong để phát triển lĩnh vực văn hóa.
Theo đó, đầu tư cho công tác sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, trùng tu, phục dựng và truyền dạy các di sản văn hoá truyền thống được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng; nâng cấp, cải tạo, xây mới các thiết chế văn hoá như: Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Quảng trường Hòa Bình, Cung Văn hoá tỉnh, nhà thi đấu, sân vận động... xây dựng, sửa chữa, cung cấp trang thiết bị cho các nhà văn hoá (NVH) cấp xã và thôn, xóm, tổ dân phố. Các địa phương tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá dưới nhiều hình thức: Tăng mức đầu tư cho văn hoá từ nguồn chi thường xuyên, nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và các nguồn vốn, dự án khác để đảm bảo cho hoạt động phát triển văn hoá.
Xã hội hoá đầu tư văn hóa
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện công tác đầu tư cho sự nghiệp văn hóa phù hợp điều kiện thực tế.
Xóm Tình, xã Tú Lý, huyện vùng cao Đà Bắc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã huy động sức dân đóng góp xây dựng NVH, người dân đồng thuận chủ trương phát triển văn hoá. Gia đình ông Đinh Văn Khuyến là một trong những hộ đi đầu hiến hàng trăm mét đất xây dựng NVH. Từ gương đảng viên tiên phong hiến đất của ông Khuyến, trên địa bàn xóm Tình có nhiều hộ hiến đất, góp công, góp của để xây dựng NVH. Năm 2009, được sự đầu tư của Nhà nước 20 triệu đồng, người dân tự nguyện đóng góp 120 triệu đồng xây dựng NVH với thiết kế mở, khuôn viên rộng, tổng diện tích 2.100m2, gồm NVH diện tích 120m2, các công trình phụ trợ, 2 sân bóng chuyền rộng rãi. Từ khi đưa vào sử dụng, NVH hoạt động hiệu quả, là nơi tổ chức các cuộc sinh hoạt xóm, hội nghị các ngành, đoàn thể xóm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT gắn kết cộng đồng.
Là huyện cửa ngõ, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, Lương Sơn là một trong những điểm sáng của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, phát triển con người, tạo tiền đề xây dựng huyện trở thành đô thị loại IV của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn cho biết: Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, huyện đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần tự giác tham gia của mỗi người dân, địa phương, cơ sở. Hàng năm, ngân sách dành cho hoạt động văn hóa trong toàn huyện gần 2 tỷ đồng. 100% thôn, xóm có NVH; công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người được coi trọng. Giai đoạn 2015 - 2024, toàn huyện xây mới, sửa chữa, nâng cấp 11/11 NVH xã, thị trấn, 121/146 NVH thôn, xóm, tiểu khu. Kinh phí xây dựng trung bình từ 2 - 2,5 tỷ đồng/NVH xã, thị trấn, 1,5 - 2 tỷ đồng/NVH thôn, xóm, tiểu khu. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa trong huyện được bảo tồn, tôn tạo kịp thời bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như: đình Quèn Thị - xã Cao Dương, đình Hàng Xã, đền Quan Chưởng - xã Thanh Cao, đình Cời - xã Tân Vinh… với tổng kinh phí huy động xã hội hóa trên 30 tỷ đồng.
Đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, công tác xã hội hóa đã và đang từng bước mang lại nguồn lực quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập, bước đầu làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thúc đẩy KT-XH phát triển, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, trường học, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh thêm phong phú. Việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được cán bộ, nhân dân hưởng ứng, tạo đồng thuận xã hội. Những giá trị văn hoá, đạo lý truyền thống của dân tộc, địa phương được khơi dậy, giữ gìn và phát huy, tạo lan tỏa phong trào sâu rộng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phong trào văn hoá, văn nghệ ở cơ sở từng bước đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
(Còn nữa)
Hương Lan
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số (DTTS) khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”. Người cũng nhấn mạnh,"Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Thực hiện phương châm chỉ đạo và lời dạy của Người, từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào các DTTS.
Cách đây 40 năm, trên con đường đi tìm nơi ở mới cho bà con bản Dao, những người như ông Triệu Lục Tín đã bắt gặp một thung lũng nhỏ ở Bà Rà. Thấy có đất sản xuất, nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, hơn thế nữa, vùng đất này còn là nơi những cánh chim trời chọn làm tổ. Không suy nghĩ nhiều, những người đàn ông đã phát cây, cắm cọc, băng rừng trở lại quê hương bản quán đón vợ con về vùng đất này an cư, lập nghiệp. Từ một vùng đất hoang vu, đến nay, Bà Rà đã trở thành một bản làng trù phú, yên bình của xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Diễn biến này khiến nhiều nơi tăng mạnh nguy cơ sạt lở đất. Nhiều nơi được cảnh báo nguy cơ ở mức độ rất cao. Lực lượng công an trong tỉnh đã cùng các cấp, ngành, các lực lượng nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thuộc quản lý của Sở Y tế có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân, 15 phòng khám đa khoa, 123 phòng khám chuyên khoa, 23 phòng khám y học cổ truyền, 13 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 12 cơ sở chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền và 6 cơ sở dịch vụ y tế khác. Lĩnh vực dược có 11 doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuốc, 433 cơ sở bán lẻ (197 nhà thuốc, 236 quầy thuốc). Công tác quản lý hoạt động y, dược ngoài công lập còn không ít khó khăn, hạn chế.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện, từng bước tăng cường kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có không ít tồn tại, hạn chế như: còn các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo dịch vụ và thuốc không đúng trên các nền tảng mạng xã hội. Qua đó cung cấp dịch vụ y tế không đảm bảo an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, gây dư luận không tốt trong xã hội.
"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau…” Thời gian qua, những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ được sử dụng nhiều trên mạng xã hội nhằm thay lời muốn nói, gửi tình yêu thương đến người dân các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3. Những câu thơ truyền cảm xúc cho hàng triệu người Việt Nam cùng "máu đỏ, da vàng”, sống đoàn kết trên dải đất hình chữ S.