Hàng ngày Bùi Văn Tiến và hàng trăm người vẫn lầm lũi bán mạng cho ....than

Hàng ngày Bùi Văn Tiến và hàng trăm người vẫn lầm lũi bán mạng cho ....than

(HBĐT) - Thu xếp mãi tôi mới có dịp trở lại khu vực mỏ khai thác than xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Vẫn con đường đất thịt dẻo quánh bị hàng trăm, hàng nghìn lượt lốp xe tải chở than băm nát, sền sệt bùn sau ngày mưa phùn lây rây. Cả khu mỏ hầu như chẳng có thay đổi gì nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi đặt chân đến. Vẫn ngổn ngang, lỏng chỏng đất đá; bụi than vẫn bám đen kịt khuôn mặt người.

 

Kỳ I - Ăn cơm trần gian, sống dưới âm phủ

 

Bán mạng cho... than

 

Gặp nhóm của Bùi Văn Tiền ở khu vực khai thác than xóm Đồi không khó. Đã quá trưa, nhưng cả nhóm vẫn còn dang dở việc. Thấy chúng tôi, Tiền quệt ngang mặt lau những giọt mồ hôi lẫn bụi than đang chảy thành dòng bảo: Các anh đợi em một lúc! Chuyển nốt chỗ than còn trong hầm ra, bọn em cũng nghỉ trưa luôn. Ngồi đợi Tiền ở lán ngay trên miệng hầm, thoáng chốc tôi có cảm giác lạnh buốt len lỏi qua lớp áo dày khi cơn gió mùa đông bắc ràn rạt thổi qua đồi Tang. Còn ở phía dưới, Tiền và những người cùng nhóm đang cong gập lưng như một cánh cung đang đà căng dây để cõng than, mồ hôi vẫn chảy thành dòng trên những khuôn mặt phủ lớp bụi than đen kịt...

 

Đúng 12 giờ 30 phút, người cuối cùng trong nhóm của Tiền ra khỏi lò. “Thường ngày, phải đến tầm này anh em mới nghỉ trưa anh ạ. Cũng phải cố làm nốt cho xong phần việc của buổi sáng, nghỉ ngơi một lúc rồi vào làm tiếp ca chiều luôn. Ở đây bọn em nhận thầu khai thác than cho Công ty TNHH Tân Sơn nên tự mình quản lý, tự mình khai thác, thường làm không theo giờ giấc quy định nào cả. Xong việc thì nghỉ. Bình thường, ngày làm việc từ sáng sớm đến khi trời tối nhọ mặt người. Làm nghề này có khác gì mình ăn cơm trần gian, sống dưới âm phủ đâu anh”. Tiền nói như lý giải cho việc để tôi ngồi đợi trên lán trong mấy chục phút vừa qua.

 

Nhóm của Tiền có 10 người. Đều là người cùng xóm Đồi xã Lỗ Sơn. Tiền là người trẻ nhất trong nhóm, khéo ăn, khéo nói nên được bầu làm nhóm trưởng. Trò chuyện với Tiền, anh cởi mở: Vẫn biết công việc này vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm thật đấy nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên cũng đành phải liều mình để đổi lấy hòn than thôi. Bởi nếu cứ trông vào mảnh ruộng cấy lúa thì làm đủ ăn còn khó, chứ nói gì đến đồng ra đồng vào.

 

Nhìn về phía miệng hầm tối sâu hun hút vào phía lòng đất, bất chợt, anh Bùi Văn Quang, người cùng nhóm làm than với Tiền thở dài: Làm cái nghề này cũng bạc bẽo, nguy hiểm lắm! Chẳng biết thế nào mà nói trước được. Ở đây cũng đã từng xảy ra tai nạn sập hầm, nổ khí chết người nhưng cũng chẳng có mấy ai sợ. Vì miếng cơm, manh áo nên hàng ngày người ta vẫn cứ làm, chấp nhận mọi nguy hiểm, rủi ro. Mặc dù làm việc trong điều kiện đặc biệt nguy hiểm, nhưng có một điều dễ nhận thấy là hầu như không có ai quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Cả trăm người làm việc trong hầm mỏ khai thác than ở đây thì cả trăm đều như vậy. Có người còn chủ quan tin vào tay chống của mình nên “không bao giờ lo chuyện sập hầm lò”. Còn chuyện nổ khí thì không ai dám chắc. Nhưng ở đây ai cũng đều có chung một suy nghĩ và tin điều đó khó có thể xảy ra bởi “hệ thống quạt gió thông khí làm việc rất tốt, điều này cũng khó có thể xảy ra được”. Thế nên hàng ngày người ta thản nhiên ra vào lò đào, vác, khai thác than khi trên mình không mũ bảo hiểm, không phương tiện bảo hộ lao động. Trên người chỉ có độc bộ quần áo lao động bình thường, thậm chí có người trên mình chỉ mặc độc một chiếc quần đùi với thái độ thản nhiên không cần nghĩ đến mối nguy hiểm đang rình rập có thể đổ ụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Và tai nạn sập hầm, nổ khí… chẳng ai có thể đoán biết trước nó xảy ra khi nào. Nếu điều đó xảy ra, chắc rằng sẽ khó tránh khỏi thương vong.

 

Rùng mình đường xuống… âm phủ

 

Trong câu chuyện trà nước với “những người nông dân - thợ mỏ” của Lỗ Sơn, tôi ngỏ ý muốn được xuống tận nơi để mục sở thị “gương lò”, nơi mà hàng ngày Tiền và những người trong nhóm đang khoét sâu vào lòng đất như những con chuột chũi âm thầm đào hang để cho cuộc mưu sinh. Cũng chẳng đắn đo, suy tính, Tiền và phần lớn số người có mặt tại lán đã tán đồng và ủng hộ.  Những người còn lại cũng chẳng tỏ vẻ tán thành hay phản đối. Họ vẫn nhìn chúng tôi với đôi mắt bình thản. Có lẽ, chuyện đi vào trong lòng đất của chúng tôi cũng giống như hàng nghìn lần ra vào hầm khai thác than của họ.

 

Bỏ mặc những ánh mắt dửng dưng phía sau, tôi cần đèn pin theo Tiền đi về phía miệng hầm nhỏ hẹp để bước vào cuộc hành trình xuống… âm phủ. Ánh đèn pin sáng quắc cũng chỉ đủ mạnh để soi bước chân người không quen như tôi khỏi lạc bước. Rọi về phía trước, ánh sang của chiếc đèn pin trở nên vàng vọt yếu ớt, tan lẫn trong bóng tối đường hầm hun hút sâu theo con đường trơn trượt đâm sâu vào lòng đất. Càng vào sâu, hầm càng nhỏ hẹp. Càng đi sâu, càng thấy tăng dần cảm giác ngột ngạt nóng. Cách miệng hầm ước chừng 30 - ,tôi đã bắt đầu thấy cảm giác tức ngực khò khè khó thở. Dò dẫm “bò” theo Tiền, mãi rồi tôi cũng đến được “cửa” than. Đó là ngách ngang chạy tiếp sâu vào lòng đất. Nhỏ và hẹp hơn đoạn đường hầm mà tôi vừa qua. Lom khom chui vào rồi ngồi lọt thỏm trong cái ngách đó, Tiền bảo: Từ đây ra đến cửa hầm vào khoảng hơn 60m. Tính theo độ sâu thì vị trí này sâu hơn miệng hầm khoảng chục mét. So với nhiều hầm khai thác than khác thì hầm này chưa thấm vào đâu, có chỗ sâu đến hàng trăm mét. Nghe Tiền nói, tự nhiên tôi thấy gai hết sống lưng. Cơ hồ như mồ hôi bắt đầu túa ra khi chợt có ý nghĩ dại: Nếu chẳng may hầm bị sập, hàng trăm mét khối đất bít kín lối ra, ở trong này thì chẳng khác gì con dế. Chết là cái chắc. Trong ánh sang nhờ nhờ của chiếc đèn pin, tôi thấy Tiền cậy một hòn than to bằng quả dưa hấu. Từ chỗ đó, than cứ rào rào chảy qua hàng cột chống vách lò xiên vẹo.

 

Không còn đủ can đảm và cũng không thể chịu đựng lâu hơn trong khoảng không gian chật hẹp tối tăm và thiếu không khí, tôi đã vội “bò” ngược trở ra. Khi thấy anh sáng từ nơi cửa hầm yếu ớt hắt vào khoảng tối, tôi đã cố bước thật nhanh như vừa để trốn chạy, vừa để được hít thở không khí mát rượi của núi rừng. Nhìn lại khoảng tối hun hút, bất chợt tôi thấy rùng mình. Có cảm giác như mình vừa vùng vẫy để thoát khỏi bóng tối của “địa ngục” trở về với cuộc sống dương gian.

 

Kỳ II - Day dứt đời...than

  

                                                                   Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục