Mô hình mô phỏng sinh hoạt thường nhật của người tiền sử đã được các nhà khoa học dựng lại trong hang xóm Trại

Mô hình mô phỏng sinh hoạt thường nhật của người tiền sử đã được các nhà khoa học dựng lại trong hang xóm Trại

(HBĐT) - Hang xóm Trại là một hang tiêu biểu không chỉ của nền văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam mà còn là của cả khu vực Đông Nam Á. Hang nằm trong phạm vi Mường Vang cổ thuộc địa phận xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn.

 

Hang được phát hiện năm 1974, sau đó đã được thăm dò khai quật 4 lần vào các 1981, 1982, 1986 và 2004. Năm 2005, Hang xóm Trại đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VT-TT-DL) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật, được cấp bằng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia. Hiện tại, hang đang được Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đầu tư bảo quản và tôn tạo. 

 

> Bài I: Chuyện kể từ vùng đất cổ Mường Vang

 

Khám phá vùng đất người tiền sử

 

Hang Trại nằm trên sườn ngọn núi như một căn phòng rộng, với bề ngang 10m, chiều sâu 20m. Miệng hang có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu thẳng vào, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn trong hang. Anh Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hang Trại được các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam phát hiện từ năm 1974. Từ đó đến nay, hang xóm Trại đã nhiều lần được các nhà khoa học nghiên cứu, khai quật và phát hiện nhiều tư liệu mới hết sức thú vị, với 4.000 hiện vật. Tiêu biểu là những vết mòn của đoạn đường đi ở hai bên cửa hang có niên đại từ 8 - 9 nghìn năm. Bên cạnh đó là phần dưới của cá thể người còn nguyên trạng trong tư thế nằm co cùng một số công cụ để nghiền cuội, ghè đẽo bằng sừng có niên đại 17 nghìn năm. Đặc biệt là các dấu vết lối mòn trên những phiến đá trong ngách đi ở phía bắc hang có niên đại 21 nghìn năm... Qua đó cho thấy, hang xóm Trại  vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân văn hóa Hòa Bình có niên đại sớm nhất (cách ngày nay tới 21 nghìn năm) và là một di tích khảo cổ độc đáo và tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á.

 

Các nhà khảo cổ học đã khai quật gần như toàn bộ diện tích cư trú trong hang qua bốn mùa điền dã (1981, 1982, 1986 và 2004). Ngày 18/10/2008, Bảo tàng Tỉnh Hoà Bình đã cùng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á làm lễ khởi công tu tạo toàn bộ hang di tích khảo cổ. Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết: Việc phát hiện những những di chỉ khảo cổ quan trọng ở hang Trại đã đem đến một cái nhìn mới về lịch sử tồn tại và phát triển của loài người. Đặc biệt là việc phát hiện các cá thể người và những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chỉnh lý các xương vụn khai quật được trong tầng văn hoá hang xóm Trại, chúng tôi phát hiện một răng nanh loài thú ăn thịt có vết xuyên thủng ở phần chân răng. Đây là bằng chứng đầu tiên tại hang này cho thấy cư dân thời đại hậu kỳ đồ đá cũ thuộc văn hoá Hoà Bình đã sử dụng các đồ vật có đục lỗ xuyên dây để đeo, điều này cũng chứng tỏ rằng, người tiền sử đã biết đến đồ trang sức để làm đẹp của người phụ nữ.

 

Trong quá trình nghiên cứu lập dự án bảo vệ và tôn tạo năm 2004, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6 mét ở phía nam cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá Hoà Bình 60-70cm, tương đương niên đại 8-9 ngàn năm cách ngày nay, trong tình trạng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Cách dây gần một tháng, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tìm ra dấu đi dài chừng 10m nối đoạn đường trên từ cửa hang xuống phía dưới chân núi. Cũng từ năm 2004, nhóm nghiên cứu liên hợp của Bảo tàng Hoà Bình với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện ngách đi vào hang sớm nhất của những người Hoà Bình đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang. Đường đi gồm những khối đá gốc hay đá lăn được đặt tự nhiên chạy song song với vách hang một tầm tay vịn. Đặc trưng nhận biết của vệt đường đi này là vết mòn bóng sử dụng còn lưu lại trong lòng đất tầng văn hoá. Phát hiện này giúp việc tu tạo đoạn đường đi cổ đầu tiên trong văn hoá Hoà Bình được kéo dài hơn và thêm phần sinh động.

 

Tháng 11/2008, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiếp tục phát hiện hệ thống dấu mòn đi lại của người nguyên thuỷ ở ngách hang phía bắc. Các trầm tích văn hoá của cư dân nguyên thuỷ thuộc văn hoá Hoà Bình có tuổi carbon phóng xạ sau khi hiệu chỉnh vòng cây là 21 ngàn năm phủ trực tiếp trên các vết mòn này xác nhận các dấu mòn đi lại này diễn ra từ cùng thời hoặc trước 21 ngàn năm nay. Hiện tại, 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. Khả năng các vết mòn này có thể còn được phát hiện nhiều hơn. So với hệ thống vết mòn muộn hơn ở vách phía Nam cửa hang thì những dấu vết này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt hơn nhiều. Chứng tỏ con đường này tồn tại trong nhiều ngàn năm, từ trước 21 ngàn năm cho đến khi những đợt đá rơi đầu thời kỳ địa chất toàn tân diễn ra trong khoảng 10 ngàn năm cách nay. Phát hiện các lối đi cổ thời tiền sử là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Phát hiện hệ thống dấu mòn lối đi có niên đại trên 21 ngàn năm có thể coi như phát hiện đầu tiên ở Đông Nam Á và thuộc loại những phát hiện hiếm có trên thế giới. Hiện tại, các dấu mòn này đang được dự kiến làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

 

      

  Người dân xóm Trại ngày nay vẫn sử dụng các dụng cụ truyền thống để đánh bắt cá trên dòng suối Lạn

 

Trong quá trình nạo vét lòng hang phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một phần ngôi mộ cách nay gần 17 ngàn năm. Ngôi mộ mới phát hiện nằm dưới một khối nhũ đã kết cứng tầng văn hoá phía trên. Nhờ khối nhũ này mà tầng văn hoá bên dưới được bảo tồn khá nguyên vẹn. Những đào bới trước đó đã phá huỷ phần xương từ nửa hông bên trái trở lên, chỉ có thể thu lượm được một vài đoạn xương chi, sườn và một phần hàm dưới có răng khôn và một răng hàm rời. Phần còn lại bao gồm hai chân (mất phần bàn chân) và hông bên phải cùng một bàn tay trái úp trên hông cho thấy người chết được đặt nằm co chân nghiêng bên phải - một kiểu chôn cất quen thuộc của cư dân văn hoá Hoà Bình. Người chết được chôn theo một chày nghiền cuội hình bầu dục, hai công cụ ghè đẽo, một mũi nhọn bằng sừng. Hông người chết đặt trên tầng than tro cháy của một bếp lửa dày khoảng 25 cm. Mộ được lấp bằng đất nâu xôp lẫn ốc tầng văn hoá, hiện còn lại một viên cuội suối lớn (20x25x15cm) ở phần đùi người chết. Bốn cuộc khai quật trước đây tại Hang Xóm Trại mới chỉ phát hiện được những xương cốt người rời lẻ chứ chưa thấy mộ hoàn chỉnh. Phát hiện trên góp tư liệu mộ táng còn thiếu ở hang này cũng như làm phong phú thêm tư liệu chưa nhiều về mộ táng trong văn hoá Hoà Bình.

 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Việt, với việc phát hiện lối đi và bộ xương người, cùng hàng ngàn hiện vật từ thời đại đồ đá, các nhà khoa học đã chứng tỏ với thế giới rằng, xóm Trại chính là nơi mà con người nguyên thủy đã từng cư trú. Như vậy, cũng có nghĩa, mảnh đất Mường Vang này là một trong những cái nôi của loài người.   

 

Hiện nay, để bảo tồn và tiếp tục phục vụ cho công tác nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng các loại keo chuyên dụng phủ lên bề mặt lối đi cổ, các tầng văn hóa đã hóa thạch được làm vệ sinh cho xuất lộ nguyên trạng, mô hình con đường cổ vào hang cũng được phục dựng. Đặc biệt là các nhà khoa học đã dựng một bộ tượng gồm 3 người trong một gia đình đang quây quần bên bếp lửa để mô phỏng cảnh sinh hoạt thường nhật của người tiền sử.

 

Khi những phát hiện quan trọng tại hang Trại được công bố, nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài đã tìm về đây để thăm quan, nghiên cứu. Đặc biệt, Di tích khảo cổ hang xóm Trại đã được đón nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm. Tại đây, nguyên Chủ tịch nước đã trồng cây lưu niệm và đánh giá cao những phát hiện, khám phá của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Ông đề nghị chính quyền địa phương gìn giữ bảo quản tốt di tích, đồng thời tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, để các thế hệ sau có thể tự hào về vùng đất mà cha ông ta đã tạo dựng nên.

 

Đứng từ xa, núi Khụ Trại trông giống như một núm chiêng nằm giữa màu vàng của cánh đồng lúa. Tuy nằm đơn độc giữa cánh đồng, nhưng núi Khụ Trại vẫn cao hơn hẳn các ngọn núi xung quanh thung lũng này. Dòng suối Lạn như dải lụa vắt qua thung lũng tạo cho quang cảnh thêm phần mộng mơ. 

 

Trong hành trình tìm về vùng đất cổ của người Mường, được dừng chân ở hang xóm Trại – nơi được coi là “ngôi nhà” của người tiền sử, cái nôi của loài người, chúng tôi càng thêm trân trọng những giá trị tuyền thống, những nét đẹp văn hoá của cộng đồng người Mường Hoà Bình. Ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập bộc bạch: Chúng tôi cảm thấy tự hào khi được sinh sống ở vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá này. Việc phát hiện ra những di tích khảo cổ quan trọng ở hang Trại tiếp tục là nguồn động viên nhân dân trong xã bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống xã hội.

 

 

                                                                                Đỗ Quyên

 

Các tin khác

Cuộc sống thường nhật của người dân xóm Trại, xã Tân Lập
Từ An Hòa, Đồng Nhân, Phố Đúng, đến nay, thị xã nhỏ bé xưa kia đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ với vóc dáng của một thành phố trẻ.
Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân vùng đất cổ Mường Bi vẫn tái hiện lại đường cày đầu tiên.
Người dân Mường Bi tổ chức Lễ hội khai hạ hàng năm để tỏ lòng tôn kính đối với những người đã có công lập đất, lập mường

Khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò

(HBĐT) - Bao lần nhỡ hẹn, cuối cùng tôi với anh Đức Hà, một nhà nghiên cứu sinh vật học mới thu xếp được thời gian để đến với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò nằm trên địa bàn huyện Mai Châu.

Hãy giữ lấy những nếp nhà sàn

Bài II: Lưu giữ giá trị thực của mỗi nếp nhà!

(HBĐT) - Ngôi nhà sàn vừa thoáng mát, sạch sẽ, lại gần gũi với thiên nhiên; là sản phẩm văn hóa đặc trưng; là nơi lưu giữ giá trị truyền thống, giá trị cộng đồng, nuôi dưỡng trưởng thành của mỗi con người, của mỗi gia đình, dòng họ, dân tộc…. Đó là những giá trị to lớn mà mỗi người dân Hòa Bình cần chân trọng, lưu giữ.

Hãy giữ lấy những nếp nhà sàn

Bài I: Nhà sàn - Sản phẩm văn hoá và thực tế “giã bản”

(HBĐT) - Nhà sàn được coi là một trong những nét đẹp truyền thống của người Mường tỉnh ta. Nó đã gắn bó bao đời và chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhà sàn của người dân tộc Mường, Thái, Tày đã và đang “giã bản” về xuôi. Nhiều làng bản số nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

Khát vọng vùng cao

(HBĐT) - Cũng đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại hai xã vùng cao của huyện Lạc Sơn là Ngọc Sơn và Ngọc Lâu. Trở lại Lạc Sơn lần này, ấn tượng về một vùng cao nghèo khó, người dân thụ động trong suy nghĩ làm ăn đã không còn trong tôi mà thay vào đó là một hình ảnh mới: Một thị tứ vùng cao đang khát vọng vươn lên.

Bắc Sơn - Khi người dân tin Đảng

(HBĐT) - Từ một xã nhiều năm đứng cuối cùng trong bảng xếp loại thi đua, nội bộ mất đoàn kết, lúng túng trong lãnh đạo chỉ đạo, nhân dân thiếu lòng tin vào tổ chức Đảng, xã Bắc Sơn đã vươn lên thành một điểm sáng, liên tục dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Kim Bôi.

Gặp gỡ hai lão thành cách mạng

(HBĐT) - Mùa thu cách đây 65 năm, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa thu ấy, quân và dân Hòa Bình cũng vùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Lần giở những trang hồi ký và gặp gỡ những lão thành cách mạng mới thấy thời khắc đó thật thiêng liêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục