Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân vùng đất cổ Mường Bi vẫn tái hiện lại đường cày đầu tiên.

Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, người dân vùng đất cổ Mường Bi vẫn tái hiện lại đường cày đầu tiên.

Phần II: Một ngày ở đất cổ Mường Bi

(HBĐT) - Khi những tia nắng đầu tiên vượt qua đỉnh núi Cột cờ và tiếng gà gáy rộn đầu làng, cuối xóm thì cũng là lúc người dân xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc bắt đầu một ngày mới của mình.

 

> Phần I: Chuyện lập đất, lập Mường

 

Việc đầu tiên trong buổi sáng là tập trung về con suối đầu nguồn để lấy nước về chuẩn bị cho nhu cầu sinh hoạt của cả ngày. Tiếng cười nói râm ran cả một góc làng. Sau một đêm dài được nghỉ ngơi nên tinh thần của ai cũng vui vẻ, phấn chấn. Bên dòng suối, mỗi người một việc trong cái thanh khiết của buổi sáng và tiếng róc rách trong lành của con suối, tất cả như hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh sống động ở làng quê thanh bình trong buổi bình mình.

 

Theo lời của ông Bùi Văn Ểu, các con suối luôn gắn bó với cuộc sống của người Mường. Từ xa xưa,  người Mường cư trú tập trung chủ yếu ở những dải thung lũng hẹp, doi đất ven sông, ngòi, dưới chân các dãy núi hay trên các đồi gò thấp. Làng bản mường sống tập chung thành từng chòm, từng xóm, ẩn khá kín dưới màu xanh của cây cối trồng quanh nhà. Các bản mường thường có khoảng từ 20 đến 30 nóc nhà, và nếu bản to thì có thể nhiều hơn. Bản làng thường dựng nơi gần nguồn nước, gần đồng ruộng, thuận lợi cho lao động sản xuất. Mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra xung quanh con suối. Dòng suối mát cũng chứng kiến bao sự đổi thay của làng Mường, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Có một truyền thuyết kể rằng, năm đó, trời làm hạn hán, rồi thiên tai bão lũ liên miên. Cây lúa vừa cấy xuống đã bị hạn hán làm khô héo, cây ngô cũng không sống nổi trên đồi. Khi có nước, người dân tiếp tục cày cấy thì bão lũ ập về, cuốn trôi tất cả. Đói quá, người dân phải lên rừng đào củ mài, củ vớn để ăn. Thú rừng khi đó cũng bỏ đi hết, phường săn của xóm đi cả tuần cũng không bắt được con thú nào. Thế nhưng, có một điều lạ là con suối của xóm vẫn quanh năm có nước. Ốc suối thì nhiều vô kể. Người dân rủ nhau đi bắt ốc suối về ăn. Càng bắt, ốc càng về nhiều. Thế là người dân đã được cứu đói qua đợt thiên tai đó.

 

Truyền thuyết đó đã truyền qua bao thế hệ và giữa tinh khôi của thiên nhiên hôm nay, được chứng kiến sinh hoạt buổi sáng của người dân xóm Lầm bên con suối, chúng tôi hiểu rằng, dòng suối mát trong đó là một thực thể, một tế bào sống của bản Mường. Cánh đồng Mường Bi rộng lớn, phì nhiêu cũng một phần nhờ nguồn nước từ các con suối.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Từ Chi, từ khi lập đất, lập Mường, người Mường đã gắn bó với nghề nông nghiệp và cây lúa nước là cây trồng chủ yếu cung cấp nguồn lương thực cho người dân. Những cánh đồng của người Mường thường làm gần bản để tiện việc chăm sóc và thu hoạch. Từ xa xưa, con trâu vẫn luôn gắn với hình ảnh sản xuất nông nghiệp của bản Mường. Mặc dù đời sống xã hội phát triển, máy móc, nông cụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp đang ngày càng hiện đại, giải phóng nhiều cho sức lao động. Tuy nhiên, theo ông Ểu, người Mường xóm Lầm vẫn giữ nguyên truyền thống cày bừa bằng con trâu. Một phần vì quý trọng con vật gắn bó bao đời với con người này, phần khác là cày bừa bằng trâu sẽ giúp cho đất đai được làm kỹ hơn, cây lúa ít bị sâu bệnh hơn. Bên cạnh đó, người dân muốn giữ nề nếp này để giáo dục truyền thống, lưu giữ nép đẹp văn hóa của bản Mường cho các thế hệ con cháu sau này.

 

Qua kinh nghiệm lâu đời từ sản xuất nông nghiệp, người Mường đã sáng tạo ra lịch riêng gọi là lịch Đol, hay còn được gọi là nông lịch. Ông Ểu cho biết: Thời gian một ngày được tính như sau: Trời sáng là lúc “gà xuống chuồng”, nửa buổi sáng (khoảng 9 giờ) là lúc chim bìm bịp kêu. Người đi làm đồng có thể căn cứ vào hoạt động của chim chiền chiện (loại chim thần trong truyền thuyết Đẻ đất, đẻ nước) để tính thời gian; chim chiền chiện bay ba lần là gần trưa (khoảng 10 giờ sáng), cách tính dựa trên cơ sở quan sát thực tế là, loại chim này có thói quen đang kiếm mồi thường bay vút lên cao hót véo von. Một buổi sáng chim bay lên như vậy khoảng ba lần, người Mường vẫn nói “đi cày chiền chiện bay ba lần mới về là chăm”. Giữa trưa là lúc “đứng bóng” hay là lúc “bóng quẩn chân” (lúc mặt trời lên cao nhất), gần tối là lúc chim chàng làng kêu hoặc là lúc “gà lên chuồng”. Căn cứ vào thời gian trên, người dân xóm Lầm chủ động sắp xếp thời gian sản xuất cho phù hợp và hiệu quả.

 

Với ý nghĩa gìn giữ nét đẹp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc Mường, từ năm 2009 đến nay, người dân vùng Mường Bi đã đưa việc cày bừa vào thành một trong những nghi thức chính của Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào đầu năm mới. Theo ông Ểu, người Mường Bi gọi việc làm này là tái hiện đường cày đầu tiên. Ngay từ sáng sớm, các gia đình trong bản làng đã dậy để làm lễ khai canh. Nhà nhà dong trâu ra ruộng cày hai đến ba đường gọi là "làm phép" trên thửa ruộng của mình và cầu khấn quanh năm thóc lúa đầy đụn (bồ đựng thóc quây tròn không có đáy), đầy nhà. Tuy nhiên, trước khi gia đình tiến hành cày thửa ruộng nhà mình thì làng cũng chọn ra một thửa ruộng tốt nhất, một thanh niên khỏe mạnh nhất làng và con trâu tốt nhất làng để thực hiện những đường cày đầu tiên. Người Mường quan niệm rằng, việc làm này sẽ giúp cho mùa màng tươi tốt, người dân luôn luôn no đủ, xóm làng bình yên, vạn vật sinh sôi nảy nở trong năm mới.

 

Mới đây, ngành VH-TT&DL tỉnh đã có dự án đầy tư xây dựng quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Mường Bi. Trong đó xóm Lũy của xã Phong Phú sẽ là vùng trung tâm, xóm Ải, Lầm sẽ là vệ tinh quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Mường Bi.

 

Dự án được thực hiện sẽ góp phần quan trọng để vùng đất cổ Mường Bi mãi mãi trường tồn, gìn giữ một nền văn hóa Hòa Bình trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.

 

 

                                                                                         Ngọc Vinh

 

 

 

Các tin khác

Người dân Mường Bi tổ chức Lễ hội khai hạ hàng năm để tỏ lòng tôn kính đối với những người đã có công lập đất, lập mường
Cuộc sống của người dân trong vùng lõi Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đang được cải thiện
Nét đẹp văn hóa dân tộc Mường bên ngôi nhà sàn truyền thống
Một trong những ngôi nhà sàn cổ đang được khách hàng lựa chọn tại xã Tân Pheo, huyện Đà Bằc

Khát vọng vùng cao

(HBĐT) - Cũng đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại hai xã vùng cao của huyện Lạc Sơn là Ngọc Sơn và Ngọc Lâu. Trở lại Lạc Sơn lần này, ấn tượng về một vùng cao nghèo khó, người dân thụ động trong suy nghĩ làm ăn đã không còn trong tôi mà thay vào đó là một hình ảnh mới: Một thị tứ vùng cao đang khát vọng vươn lên.

Bắc Sơn - Khi người dân tin Đảng

(HBĐT) - Từ một xã nhiều năm đứng cuối cùng trong bảng xếp loại thi đua, nội bộ mất đoàn kết, lúng túng trong lãnh đạo chỉ đạo, nhân dân thiếu lòng tin vào tổ chức Đảng, xã Bắc Sơn đã vươn lên thành một điểm sáng, liên tục dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Kim Bôi.

Gặp gỡ hai lão thành cách mạng

(HBĐT) - Mùa thu cách đây 65 năm, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa thu ấy, quân và dân Hòa Bình cũng vùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Lần giở những trang hồi ký và gặp gỡ những lão thành cách mạng mới thấy thời khắc đó thật thiêng liêng.

Chiến khu Thạch Yên ngày ấy - bây giờ

(HBĐT) - Một ngày đầu tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Thạch Yên - Cao Phong. Bên ấm trà xanh vừa mới hái trong vườn mời khách, ông Bùi Văn Hiện, người trông coi Khu di tích kể cho chúng tôi nghe về khu căn cứ cách mạng và những đổi thay trên quê hương ông.

Người thương binh làm theo lời Bác

(HBĐT) - Hơn 4 năm chiến đấu tại mặt trận miền Tây Nam Bộ, 3 lần bị thương vào chân, cột sống, đầu với thương tật 65%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã vươn lên làm giàu chính đáng đạt thu nhập 110 triệu đồng/năm. “Có được thành quả đó là do lúc nào tôi cũng thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế.” – ông Tún tâm sự.

Tìm lại ký ức sông Đà

(HBĐT) - Không rõ tại sao người Pháp lại dùng cụm từ sông Đen để chỉ sông Đà. Nhưng đó cũng không phải là điều quan trọng. Bởi có gọi như thế nào thì sông Đà vẫn là một dòng sông kỳ vĩ, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực như một dũng sỹ giữa núi rừng miền Tây Bắc hoang sơ và bí ẩn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục