Từ An Hòa, Đồng Nhân, Phố Đúng, đến nay, thị xã nhỏ bé xưa kia đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ với vóc dáng của một thành phố trẻ.
(HBĐT) - Trước năm 1945, thị xã Hoà Bình chỉ là một phố thị vùng cao đìu hiu như một ô cờ nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững tạo thành một lòng chảo rộng lớn. Chỉ đều đều một nhịp sống bình yên bên dòng sông Đà loang lở phù sa lấp bồi, cùng những con thuyền êm đềm khua nước đêm trăng... Hình ảnh đó giờ chỉ còn lại trong ký ức. Bởi cái phố thị vùng cao với An Hoà, Đồng Nhân, Phố Đúng, Phương Lâm... xưa cũ đang từng ngày chuyển mình, khoác lên mình một vóc dáng của thành phố trẻ như một chàng trai đang hừng hực sức xuân giữa núi rừng miền Tây Bắc.
Mang cái tâm nguyện hoài cổ đi tìm lại ký ức về nhịp sống xưa của cái phố thị vùng cao đìu hiu ấy, chúng tôi tìm gặp lại “những người chép sử Mường Tút” ở đất Thịnh Lang anh hùng. Không còn nhiều người để hỏi và trí nhớ cũng đã dần phôi pha theo màu bạc trắng của râu, tóc. Cóp nhặt mãi cũng chưa thoả cái tâm nguyện hoài cổ ấy. Chợt nhớ ra, vẫn còn một người để hỏi. Đó là lão thành Cách mạng, cụ Nguyễn Thị Tâm. Dù năm nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trí nhớ của cụ thì vẫn là những “thông số” đáng tin cậy. Cụ kể: Trước cách mạng tháng 8/1945, nhân dân thị xã Hoà Bình phải sống cơ cực dưới 2 tầng áp bức bóc lột của nhà Lang và ách đô hộ của Thực dân Pháp. Khi ấy, cả thị xã chỉ có duy nhất chợ Phương Lâm là nơi có nhịp sống sôi động...
Thị xã Hoà Bình được thành lập cách đây vừa tròn 114 năm, theo quyết định của Kinh Lược sứ Bắc Kỳ ngày 05/9/1896 sau khi Sở Lỵ tỉnh Mường ở chợ Bờ bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích thắng lợi. Khi đó, trung tâm tỉnh lỵ được chuyển về xóm Đúng thuộc xã Hoà Bình (nay thuộc phường Tân Thịnh), từ đó lấy tên là Thị xã Hoà Bình. Ban đầu thị xã chỉ rộng khoảng 10km2 nằm trải theo dải đất phù sa ven hai bên bờ sông. Khi ấy, dân số cũng chỉ có ước khoảng 6000 người. Dưới thời Pháp thuộc, thị xã Hoà Bình bao gồm có Phố Đúng bên bờ trái sông Đà là nơi tập trung các công sở của chính quyền thực dân phong kiến đầu tỉnh. Ở phía đối diện bên bờ phải sông Đà là các phố An Hoà, Đồng Nhân, Trang Nghiêm và xóm Vạn. Các phố này là nơi tập trung đông dân cư và là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế chủ yếu. Dưới 2 tầng áp bức, đời sống người dân thị xã Hoà Bình vô cùng cực khổ. Thực dân pháp và tay sai sử dụng mọi thủ đoạn cai trị hiểm độc để đàn áp, bóc lột. Cả tỉnh chúng chỉ mở 1 trường tiểu học, chủ yếu thu nạp con em lang đạo và quan lại. Thời kỳ đó có đến 95% nhân dân lao động nội thị và xung quanh thị xã đều mù chữ. Bệnh viện, hệ thống điện, nước chỉ để phục vụ cho bộ máy cai trị. Dù là thị xã nhỏ bé như nằm trọn trong lòng bàn tay nhưng thực dân Pháp và tay sai cho mở đến 8 đại lý buôn bán thuốc phiện cùng với đó là 8 trạm gái điếm và 50 điểm hút sách. Thêm vào đó là sưu cao, thuế nặng, phu dịch liên miên đã khiến cho người dân thị xã phải chịu đời sống hết sức cơ cực, lầm than. Khi ấy, cả thị xã hầu như chỉ có những ngôi nhà tranh vách đất đêm đêm leo lắt ngọn đèn dầu. Trong sự áp bức, lầm than các phong trào cách mạng như một ngọn đuốc bừng sáng nhen nhóm tinh thần đấu tranh chống lại những áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Trong khí thế đó, Chi bộ Đảng đầu tiên của thị xã Hoà Bình ra đời ở phố Đồng Nhân (nay thuộc phường Phương Lâm). Chi bộ Đảng thị xã đã phối hợp với Chi bộ Đảng nhà tù Hoà Bình tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng dậy đấu tranh và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 24/8/1945 góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng 8/1945 của cả nước. Nhớ lại thời điểm sục sôi khí thế cách mạng đó, cụ Tâm bồi hồi như đang hoà cùng dòng chảy lịch sử, cùng quần chúng nhân dân lao động phất cao ngọn cờ hồng giành lại quyền làm chủ cho những người dân lao động bị áp bức...
Đã 65 năm năm trôi qua, kể từ ngày Cách mạng tháng tám thành công, thị xã Hoà Bình đã không ngừng đổi thay và lớn mạnh. Từ một thị xã nhỏ bé khi xưa, thị xã Hoà Bình đã trở thành một thành phố trẻ như vóc dáng của một chàng trai đang hừng hực sức sống mạnh mẽ. Thay cho những nhịp chèo mải miết năm xưa là một cây cầu được xây dựng kiên cố nối đôi bờ sông Đà bên công trình thuỷ điện mang tầm vóc thế kỷ đang từng ngày góp sức cho sự phồn thịnh của đất nước. Từ những đầm lầy, ruộng hoang đã mọc lên nhà cửa phố xá khang trang. Từ một chợ Phương Lâm khi xưa đìu hiu bên bến nước giờ cũng đã đổi thay trở thành một trung tâm thương mại sầm uất giữa phố xá đông vui cùng với những trung tâm thương mại hiện đại đang dần hình thành dần xoá nhoà những nét thô mộc, lam lũ của một phố thị vùng cao cách đây chưa xa. Thành phố Hoà Bình - thành phố trẻ đang trên đường phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn giữ vững ở mức trên 14%, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Các mặt văn hóa xã hội không ngừng phát triển, chính sách xã hội được quan tâm. ANCT, TTATXH được giữ vững, ổn định. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có bước chuyển dịch rõ rệt, tỷ trọng các ngành Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng nhanh, tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp thủy sản tiếp tục có bước phát triển phù hợp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ mức 4,58% năm 2005 đến nay giảm xuống còn mức dưới 1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 86%. Bước đầu đã xây dựng được nếp sống văn minh đô thị gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đã hình thành, nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong các tầng lớp nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa - giáo dục của thành phố cũng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Hiện nay, thành phố có 23/60 trường đạt chuẩn quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng, có tác động thiết thực. 100% các phường, xã và các xóm, bản, tổ dân phố có hương ước, quy ước. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng đã đáp ứng yêu cầu với 100% số trạm y tế ở xã, phường có Bác sỹ. Nhiệm vụ QPAN thường xuyên được tăng cường, đảm bảo đã góp phần giữ vững ổn định ANCT, TTATXH, tạo tiền đề quan trọng để phát triển KTXH thành phố trong những năm qua. Với những kết quả đã đạt được, thành phố Hoà Bình đang tự tin phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Có được những thành tựu to lớn đó, là do nhân dân thành phố Hoà Bình đã phát huy truyền thống Anh hùng, củng cố khối đại đoàn kết cùng nhau nỗ lực khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để vững bước xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp. Từ An Hoà, Đồng Nhân, Phố Đúng, đến nay, thị xã nhỏ bé xưa kia đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ với vóc dáng của một thành phố trẻ, một thành phố anh hùng.
Mạnh Hùng
Bài I: Nhà sàn - Sản phẩm văn hoá và thực tế “giã bản”
(HBĐT) - Nhà sàn được coi là một trong những nét đẹp truyền thống của người Mường tỉnh ta. Nó đã gắn bó bao đời và chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhà sàn của người dân tộc Mường, Thái, Tày đã và đang “giã bản” về xuôi. Nhiều làng bản số nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…
(HBĐT) - Cũng đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại hai xã vùng cao của huyện Lạc Sơn là Ngọc Sơn và Ngọc Lâu. Trở lại Lạc Sơn lần này, ấn tượng về một vùng cao nghèo khó, người dân thụ động trong suy nghĩ làm ăn đã không còn trong tôi mà thay vào đó là một hình ảnh mới: Một thị tứ vùng cao đang khát vọng vươn lên.
(HBĐT) - Từ một xã nhiều năm đứng cuối cùng trong bảng xếp loại thi đua, nội bộ mất đoàn kết, lúng túng trong lãnh đạo chỉ đạo, nhân dân thiếu lòng tin vào tổ chức Đảng, xã Bắc Sơn đã vươn lên thành một điểm sáng, liên tục dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Kim Bôi.
(HBĐT) - Mùa thu cách đây 65 năm, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa thu ấy, quân và dân Hòa Bình cũng vùng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Lần giở những trang hồi ký và gặp gỡ những lão thành cách mạng mới thấy thời khắc đó thật thiêng liêng.
(HBĐT) - Một ngày đầu tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Thạch Yên - Cao Phong. Bên ấm trà xanh vừa mới hái trong vườn mời khách, ông Bùi Văn Hiện, người trông coi Khu di tích kể cho chúng tôi nghe về khu căn cứ cách mạng và những đổi thay trên quê hương ông.
(HBĐT) - Hơn 4 năm chiến đấu tại mặt trận miền Tây Nam Bộ, 3 lần bị thương vào chân, cột sống, đầu với thương tật 65%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã vươn lên làm giàu chính đáng đạt thu nhập 110 triệu đồng/năm. “Có được thành quả đó là do lúc nào tôi cũng thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế.” – ông Tún tâm sự.