Cuộc sống của 4 bà cháu bà Bùi Thị Ẹng chỉ nhìn vào những luống khoai lang quanh nhà.

Cuộc sống của 4 bà cháu bà Bùi Thị Ẹng chỉ nhìn vào những luống khoai lang quanh nhà.

(HBĐT) - Một mình chống chọi với cuộc đời nuôi 9 người con trưởng thành. Bây giờ, khi đã bước sang tuổi 76, bà lại phải làm lụng vất vả nuôi 3 đứa cháu mồ côi.

 

Khi chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Ẹng, thôn Má, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi đã gần trưa, nhưng bếp vẫn lạnh ngắt. Bà vừa ra vườn ngắt mấy ngọn rau khoai lang làm canh cho 4 bà cháu ăn tạm. Ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng không có gì đáng giá, trừ một chiếc giường nằm chung cho cả 4 bà cháu.  Chồng mất sớm, một mình bà Ẹng tần tảo nuôi cả 9 người con khôn lớn rồi cũng một mình lần lượt dựng vợ, gả chồng cho các con. Những tưởng đã hoàn thành “nhiệm vụ”, cuộc đời bà sẽ an nhàn tuổi già. Ai ngờ, năm 2003, người con trai của bà, anh Quách Công Niên -  cũng là người mà bà tin tưởng lựa chọn để sống cùng đột ngột mắc bệnh rồi qua đời chỉ trong 1 tháng. Gần 1 năm sau, vợ anh cũng qua đời do mắc bệnh gan để lại cho bà đứa cháu nội mới lên 4 tuổi. Bà Ẹng gánh trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ cho cháu nội chưa được 3 năm thì chị Bùi Thị Vẹng, con gái của bà bỏ chồng đi theo một người đàn ông khác rồi lại bị chính người đàn ông này giết hại và bỏ xuống lò than để lại 2 cô con gái, một lên 7 và một lên 5. Bố của hai cháu cũng đi theo một người đàn bà khác. Không để các cháu bơ vơ, bà Ẹng lại đón hai cháu ngoại về nuôi.

 

Để có tiền nuôi các cháu, bà Ẹng trồng rau khoai và hàng ngày gánh rau ra chợ bán. Bà Ẹng cho biết: Cứ hái vòng quanh vườn, mỗi ngày cũng được chục bó rau, gánh ra chợ bán được từ 10.000 – 15.000 đồng mua thức ăn cho bà cháu cả ngày. Những hôm không bán được ở chợ Cuối Hạ thì bà lại gánh rau 8 km mang ra chợ Kim Bôi bán.  Đó là vào mùa gặt, trong nhà đã có sẵn thóc, còn khi không vào ngày mùa, với 10.000 đồng ấy phải chia ra cả đong gạo, thức ăn, có khi chỉ lạng lạc, vài bìa đậu, mớ rau.

 

Không chỉ khó khăn trong cuộc sống, cháu nội của bà, em Quách Công Niêm thường xuyên ốm đau nên cuộc sống của 4 bà cháu càng bấp bênh. Điều đáng nói là mặc dù đông con nhưng các con của bà phần còn nghèo khó, phần lại có cuộc sống không hạnh phúc nên hoàn toàn không có sự hỗ trợ gì từ các con. Mới đây, hai người con gái của bà mẫu thuẫn với gia đình chồng lại đưa con về nhà mẹ đẻ, xin đất làm nhà để sống. Người phụ nữ này cũng thường xuyên đi làm ăn xa, vậy là 3 con gái của chị cũng không được đến trường và chờ vào sự chăm sóc của bà Ẹng.

 

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Ẹng đã được chính quyền, đặc biệt là các thầy, cô giáo trường tiểu học A xã Cuối Hạ giúp đỡ. Tuy nhiên, tính đến nay, duy chỉ có em Niêm được hỗ trợ con em mồ côi, còn lại Quách Thị Mai, Quách Thị Phương – con chị Vẹng đều chưa được nhận.

 

Bà Ẹng tâm sự: Với bé Mai và bé Phương, tiếng là vẫn còn bố nhưng từ nhiều năm nay, các em chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nào từ bố. Vì vậy, tâm nguyện lớn nhất của 4 bà cháu là mong muốn có trợ cấp hàng tháng để các em có điều kiện học tập và đến trường như bao trẻ em khác. Đó cũng chính là mong muốn của tập thể các thầy, cô giáo trường Tiểu học A xã Cuối Hạ, nơi mà Mai, Phương theo học. Cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: cả Mai và Phương đều rất ngoan và chăm chỉ học. Các em cũng bước đầu phát  huy năng khiếu, tố chất về các môn xã hội. Vì vậy sẽ thiệt thòi cho các em nếu các em phải nghỉ học giữa chừng. Hiện nay, nhà trường đã miễn toàn bộ các khoản đóng góp cho 2 em và có nhiều hoạt động hỗ trợ các em nhưng sự hỗ trợ đó chỉ giúp các em trong hoàn cảnh trước mắt. Các em rất cần sự hỗ trợ lâu dài, thường xuyên để có thể tìm được tương lai cho mình.

                                                                         

                                                                              Đinh Hoà

 

Các tin khác

Chính ngọn lửa yêu thương chị Lường Thị Dắng đã xoa dịu những nỗi đau mang đến niềm vui, nụ cuời trong ngôi nhà nhỏ với những đứa con tật nguyền.
Thế hệ tương lại của đất nước cần được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh
Mô hình mô phỏng sinh hoạt thường nhật của người tiền sử đã được các nhà khoa học dựng lại trong hang xóm Trại
Cuộc sống thường nhật của người dân xóm Trại, xã Tân Lập

Vóc dáng thành phố trẻ

(HBĐT) - Trước năm 1945, thị xã Hoà Bình chỉ là một phố thị vùng cao đìu hiu như một ô cờ nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững tạo thành một lòng chảo rộng lớn. Chỉ đều đều một nhịp sống bình yên bên dòng sông Đà loang lở phù sa lấp bồi, cùng những con thuyền êm đềm khua nước đêm trăng... Hình ảnh đó giờ chỉ còn lại trong ký ức. Bởi cái phố thị vùng cao với An Hoà, Đồng Nhân, Phố Đúng, Phương Lâm... xưa cũ đang từng ngày chuyển mình, khoác lên mình một vóc dáng của thành phố trẻ như một chàng trai đang hừng hực sức xuân giữa núi rừng miền Tây Bắc.

Chuyện kể từ đất cổ Mường Bi

Phần II: Một ngày ở đất cổ Mường Bi

(HBĐT) - Khi những tia nắng đầu tiên vượt qua đỉnh núi Cột cờ và tiếng gà gáy rộn đầu làng, cuối xóm thì cũng là lúc người dân xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc bắt đầu một ngày mới của mình.

Chuyện kể từ đất cổ Mường Bi

Phần I: Chuyện lập đất, lập Mường

(HBĐT) - Chiều buông dần trên trên con đường làng. Ánh nắng nhàn nhạt sau rặng tre. Đây đó vương vấn làn khói mảnh mai từ những đụn rơm sau mùa gặt. Tiếng mõ trâu lách cách về chuồng... Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

Khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò

(HBĐT) - Bao lần nhỡ hẹn, cuối cùng tôi với anh Đức Hà, một nhà nghiên cứu sinh vật học mới thu xếp được thời gian để đến với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò nằm trên địa bàn huyện Mai Châu.

Hãy giữ lấy những nếp nhà sàn

Bài II: Lưu giữ giá trị thực của mỗi nếp nhà!

(HBĐT) - Ngôi nhà sàn vừa thoáng mát, sạch sẽ, lại gần gũi với thiên nhiên; là sản phẩm văn hóa đặc trưng; là nơi lưu giữ giá trị truyền thống, giá trị cộng đồng, nuôi dưỡng trưởng thành của mỗi con người, của mỗi gia đình, dòng họ, dân tộc…. Đó là những giá trị to lớn mà mỗi người dân Hòa Bình cần chân trọng, lưu giữ.

Hãy giữ lấy những nếp nhà sàn

Bài I: Nhà sàn - Sản phẩm văn hoá và thực tế “giã bản”

(HBĐT) - Nhà sàn được coi là một trong những nét đẹp truyền thống của người Mường tỉnh ta. Nó đã gắn bó bao đời và chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhà sàn của người dân tộc Mường, Thái, Tày đã và đang “giã bản” về xuôi. Nhiều làng bản số nhà sàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục