Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.056 cuộc PBGDPL cho hơn 95.617 lượt người thông qua các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về Bộ luật Hình sự năm 2015, các Luật: Tín ngưỡng tôn giáo, Tiếp cận thông tin, Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Trợ giúp pháp lý, An toàn vệ sinh lao động, Phòng, chống ma tuý, Bảo vệ và phát triển rừng, Bảo vệ môi trường, Xử lý vi phạm hành chính, Khoáng sản, Đất đai, Hôn nhân và gia đình, Trẻ em, Hộ tịch, Giao thông đường bộ, Khiếu nại - tố cáo, Phòng, chống tham nhũng.
Điển hình như Sở Tư pháp đã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các nội dung: Bộ luật Hình sự, Bộ Luật lao động, Luật BHXH, Tín ngưỡng tôn giáo; Bảo vệ môi trường; pháp luật về hoà giải ở cơ sở; nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại 2 xã Mỹ Thành, Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn (là các xã thuộc Chương trình 135 được Sở Tư pháp giúp đỡ) cho hơn 300 lượt người. Tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy tại các phường: Phương Lâm, Đồng Tiến (TP Hòa Bình); thị trấn Mường Khến, xã Quy Hậu (Tân Lạc) cho trên 600 người là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã; tổ trưởng và tổ viên tổ hoà giải; đại diện hội viên các tổ chức hội.
Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật tại xã Tu Lý (Đà Bắc).
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp...
Bên cạnh kết quả triển khai tại các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, một số địa phương đã triển khai kịp thời, đúng tiến độ và đạt hiệu quả như:
TP Hòa Bình tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thi hành án tạm giữ, tạm giam với 100 cán bộ, công chức. Tổ chức 2 hội nghị triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật năm 2018” tại xã Thái Thịnh và xã Yên Mông. Ngoài ra, UBND các phường, xã còn thực hiện 45 hội nghị tuyên truyền với 3.262 lượt người tham dự. Phát hành 800 tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân.
Huyện Đà Bắc đã tổ chức được 132 cuộc tuyên truyền pháp luật (cấp huyện 10 cuộc, cấp xã 122 cuộc) cho 9.828 lượt người tham gia. Trong đó đã tổ chức 1 hội nghị tập huấn công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2018. Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ cho tổ hoà giải ở cơ sở năm 2018. Phối hợp với Công an huyện tổ chức 7 cuộc tuyên truyền Luật An toàn giao thông đường bộ cho 1.200 lượt người tham gia.
Huyện Tân Lạc đã thực hiện 120 cuộc tuyên truyền về Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý cho 10.340 lượt người... Phát hành miễn phí 2.164 bộ tài liệu pháp luật. Các câu lạc bộ pháp luật đã tổ chức 18 buổi sinh hoạt với 428 lượt thành viên tham gia. Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các Tổ trưởng tổ hoà giải, các hòa giải viên tại thị trấn Mường Khến và các xã: Quyết Chiến, Nam Sơn, Lũng Vân, Mỹ Hòa, Địch Giáo.
Huyện Kim Bôi tổ chức 104 hội nghị tuyên truyền với 7.253 người tham dự. Phát sóng trên hệ thống truyền thanh 92 giờ. Truyền thông, trợ giúp pháp lý 14 buổi với 976 người tham dự. Quản lý và khai thác 71 tủ sách pháp luật, số người đến khai thác, tìm hiểu thông tin khoảng 729 lượt người.
Bên cạnh đó, công tác PBGDPL được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua bản tin của các ngành, đoàn thể, qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Theo đó, trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thụ lý và thực hiện được 477 vụ việc, gồm: Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 452 vụ việc; cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện 25 vụ việc. Truyền thông, trợ giúp pháp lý 73 đợt/73 điểm về các lĩnh vực như: hình sự, đất đai, giao thông đường bộ, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, khoáng sản…
Việc tổ chức triển khai PBGDPL cho các đối tượng đặc thù và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án PBGDPL cũng như thông qua công tác hòa giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật được chú trọng. Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của 2.098 tổ hòa giải với 11.708 hòa giải viên. Các tổ tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hoà giải thành là 356/500 vụ việc tham gia hòa giải, đạt tỷ lệ 72%, trong đó một số đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao như: TP Hòa Bình, Tân Lạc…
Với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng, mục đích tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức về pháp luật cho cán bộ, nhân dân, đóng góp vào việc ổn định an ninh chính trị và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Bùi Minh Phượng
(Sở Tư pháp)