Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 13 - 16/4.

Chú thích ảnh
Múa chào mừng Tết Chôl Chhnăm Thmây của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: Trung Hiếu/TTXVN

Theo truyền thống, trong những ngày Tết, đồng bào phật tử các phum sóc sẽ tề tựu về các chùa để dâng cơm đến sư sãi nhằm hồi hướng quả phúc đến tổ tiên. Nhiều hoạt động phật sự truyền thống khác của đồng bào sẽ được tiến hành tại các chùa như đón chư thiên năm mới, đắp núi cát, lễ cầu siêu... 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 27 gửi đến Trụ trì và Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền sắp tới.

Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh yêu cầu các Trụ trì và Ban Quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây với quy mô nhỏ, chủ yếu trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng, liên hoan linh đình và không tham gia các nghi lễ tại chùa.

Đối với việc tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đề nghị Trụ trì và Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện các nghi lễ như: Lễ rước đại lịch không được tập trung bà con phật tử. Lễ cầu siêu các vị sư tổ chức cầu siêu chung cho tất cả người quá cố tại một điểm và chỉ tổ chức một lần, tuyên truyền đồng bào Khmer không đến chùa thực hiện việc cầu siêu mà chủ yếu cung cấp danh sách ông bà, tổ tiên đã qua đời cho các tổ trưởng (Mê Vên) chuyển đến các vị sư để làm lễ cầu siêu chung. Lễ tắm Phật chỉ làm lễ tượng trưng.

Cùng với đó là việc tổ chức dâng cơm cho các vị sư tại điểm chùa, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đề nghị giao cho tổ trưởng thực hiện, mỗi tổ dâng cơm một ngày cho các vị sư, không để bà con đến dâng cơm. Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí…

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với Ban Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh nhằm triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các ngày diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2020.

Tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thăm hỏi và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các vị chư tăng, chức sắc Phật giáo Nam tông, chúc đồng bào Khmer trong tỉnh đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an lành. Lãnh đạo Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương các vị chư tăng, các chức sắc của Phật giáo Nam tông đã luôn nêu cao vai trò người uy tín trong cộng đồng, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Ông Lâm Văn Mẫn mong các vị chư tăng, các chức sắc của Phật giáo Nam tông với vai trò là trụ trì các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục tuyên truyền đến các vị sư sãi, phật tử hiểu rõ về tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 27 của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với trên 400.000 người, chiếm hơn 30% dân số của tỉnh, đồng bào Khmer Sóc Trăng hầu hết theo Phật giáo Nam tông. Toàn tỉnh hiện có 92 ngôi chùa Khmer với gần 2.000 vị sư sãi, chức sắc tôn giáo… Ghi nhận tại các điểm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng như chùa Somrong (Phường 4, thành phố Sóc Trăng), chùa Mahatup - chùa Dơi (Phường 3, thành phố Sóc Trăng), chùa Đất Sét (Phường 5, thành phố Sóc Trăng), chùa Sà Lôn - Chén Kiểu (huyện Mỹ Xuyên)…. trong những ngày qua cho thấy, lượng khách du lịch đã không còn vãng lai đến chiêm bái nữa. Các chùa treo biển thông báo về việc tạm đóng cửa để tránh dịch COVID-19.

Cùng với sự quyết liệt của ngành chức năng, sự chung tay của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, sự tự ý thức từ phía người dân nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, một mùa Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền sắp tới của đồng bào Khmer Sóc Trăng sẽ diễn ra trong an toàn, vui tươi, hiệu quả và tiết kiệm.


                                                  Theo Baotintuc

Các tin khác


Lễ hội cầu ngư tại vùng biển Quảng Nam

Ngày 9-2, tại thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), đã diễn ra lễ hội cầu ngư đầu xuân Canh Tý 2020.

Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Ngày 30/1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý), tại khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020.

Sắc mầu lễ hội ở Bắc Kạn

Khác với các lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội Xuân ở Bắc Kạn mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh của các dân tộc vùng cao. Lên Bắc Kạn những ngày xuân, không khí tưng bừng của các lễ hội khiến lòng người phấn chấn, thêm yêu mến con người, vùng đất nơi đây.

Lễ hội chùa Keo mùa xuân ở Thái Bình

Tháng Giêng, nhiều lễ hội truyền thống diễn ra ở nhiều vùng, miền của đất nước, trong đó đáng chú ý là Lễ hội chùa Keo mùa xuân thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Khai mạc Hội chữ Xuân Canh Tý 2020

Ngày 18-1-2020, tại Hồ Văn thuộc Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc Hội chữ Xuân Canh Tý 2020.

52 ông đồ tham gia Hội chữ Xuân Canh Tý 2020

Theo Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 18/1 đến 5/2 (tức 24 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng Âm lịch).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục