Lễ hội kỷ niệm 595 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2023) do quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức, sẽ diễn ra vào tối 2/6 (tức ngày 15/4 năm Quý Mão) tại khu vực Tượng đài Vua Lê Thái Tổ, 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, để tưởng nhớ, tri ân người Anh hùng dân tộc.
Ảnh: Đào Văn Ngọc
Lễ hội năm nay được tổ chức với nhiều nghi thức tâm linh, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, tối 2/6 sẽ diễn ra nghi thức dâng hương, khai mạc lễ hội, sân khấu hóa tái hiện Vua Lê Thái Tổ đăng quang. Các ngày 3-4/6 sẽ diễn ra lễ rước kiệu truyền thống xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển lãm tranh dân gian Hàng Trống, triển lãm ảnh về vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm, biểu diễn thư pháp… Ngoài ra, còn có các hoạt động: Biểu diễn cờ người, biểu diễn võ thuật… tại các khu vực khác nhau quanh hồ Hoàn Kiếm.
Mùa Xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi cùng với các nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, dấy binh chống quân Minh ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Ông tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nước kêu gọi dân chúng hưởng ứng cùng theo ông đánh giặc cứu nước. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, lại được nhiều tướng tài giúp, Lê Lợi mở rộng vùng kiểm soát và đánh chiếm liên tiếp các đồn giặc, lấy lại được thế trận. Năm 1426, ông tiến tới cho quân bao vây thành Đông Quan, một mặt cho quân bố trí trận địa diệt viện binh giặc từ phương Bắc xuống và thắng lớn ở Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, chém tướng giặc là Liễu Thăng, Lý Khánh, diệt hàng chục vạn địch, thu toàn bộ vũ khí, quân lương. Thành Đông Quan bị cô lập, Lê Lợi dời đại bản doanh từ Đông Phù Liệt về bên kia sông Cái, lập doanh trại Bộ Đề để chỉ đạo việc bao vây, kêu gọi đầu hàng. Ngày 3 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), quân Minh cuối cùng rời khỏi ải Bắc. Đông Quan tưng bừng trở lại là Đông Đô với niềm vui giải phóng.
Ngày 15/4, Lê Lợi làm lễ đăng quang chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên, xưng là Thuận thiên thừa vận Duệ Văn Anh Đại Vũ Vương, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, ban bố bài Cáo Bình Ngô, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Ngoài sự nghiệp lẫy lừng, Vua Lê Thái Tổ còn để lại một giai thoại đẹp, đó là truyền thuyết Hồ Gươm. Tương truyền, khi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Lợi nhận được gươm thần để đánh giặc. Sau khi đất nước hòa bình, Vua cùng bầy tôi đi thuyền trên hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm). Tại đây, vua gặp Rùa thần từ dưới nước ngoi lên nhắc chuyện trả gươm. Vua Lê Thái Tổ đã tháo gươm trao lại cho Rùa thần. Từ giai thoại đó, hồ Tả Vọng được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm, hay hồ Gươm.
Tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm có Khu tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ được đặt tại số nhà 16 phố Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Khu tưởng niệm hiện nay có tượng đài Vua Lê Thái Tổ và đình Nam Hương - nơi thờ Vua Lê Thái Tổ và các vị thần khác.
Từ năm 2007, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu Đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" với 14 Lễ hội (trong đó có 7 lễ hội quy mô cấp quận, 7 lễ hội quy mô cấp phường). Trong đó, Lễ hội Vua Lê Thái Tổ đăng quang được tổ chức quy mô cấp quận 5 năm một lần. Lễ hội Vua Lê đăng quang được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 đúng dịp kỷ niệm 580 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang.
TheoBaotintuc
Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.
Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.
Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.
Những địa danh này không chỉ là địa điểm khảo cổ đặc biệt của thế giới, mà còn trở thành biểu tượng du lịch của các quốc gia.
Từ lâu, các lễ hội văn hóa đã trở thành một phần bản sắc không thể thiếu của mỗi quốc gia, dân tộc, tạo nên một không gian đầy màu sắc và thú vị, thu hút hàng triệu người xem và hơn hết là góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia. Hãy cùng điểm qua những lễ hội văn hóa nổi tiếng trên thế giới qua bài viết dưới đây nhé.
Xúc động, bi phẫn, giằng xé, đau đớn… đó là hàng loạt xúc cảm mà khán giả đã trải qua khi theo dõi "Vua Lear”- vở bi kịch kinh điển nổi tiếng của nhà viết kịch thiên tài William Shakespeare vừa được Sân khấu kịch Lệ Ngọc hoàn thành dàn dựng và công diễn tối 13/3 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.